Những trường hợp nhà chung cư buộc phải di dời từ 1/8
Theo Nghị định mới, nhà chung cư bị hỏng do cháy, nổ, thiên tai, địch họa không còn đủ điều kiện sử dụng an toàn phải di dời khẩn cấp.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 98 quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở sửa đổi về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Theo Nghị định mới, 2 trường hợp nhà chung cư phải di dời khẩn cấp là bị hư hỏng do cháy, nổ hoặc do thiên tai, địch họa không còn đủ điều kiện bảo đảm an toàn để tiếp tục sử dụng.
Với trường hợp này, cơ quan quản lý cấp tỉnh cần trình UBND tỉnh ban hành quyết định di dời khẩn cấp trong 3 ngày kể từ thời điểm có kết luận về việc chung cư không đủ điều kiện tiếp tục sử dụng.
Trong đó, quyết định cần nêu rõ địa điểm nhà chung cư phải di dời khẩn cấp, nơi bố trí chỗ ở tạm thời, phương thức, kinh phí thời hạn di dời và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan. Nếu chủ sở hữu nhà chung cư không di dời, cơ quản quản lý sẽ cưỡng chế trong tối đa 7 ngày làm việc từ khi có quyết định cưỡng chế.
Bên cạnh di dời khẩn cấp, theo Nghị định 98, ba trường hợp nhà chung cư cũng phải di dời theo phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Thứ nhất là nhà chung cư có các kết cấu chịu lực chính xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể, có nguy cơ sập đổ, không đáp ứng điều kiện tiếp tục sử dụng.
Thứ hai là nhà chung cư bị hư hỏng nặng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật phòng cháy chữa cháy, cấp thoát nước, xử lý nước thải, điện, giao thông nội bộ không đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành hoặc có nguy cơ mất an toàn trong vận hành khai thác. Các công trình này cần phá dỡ để đảm bảo an cho chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư và yêu cầu về cải tạo, chỉnh trang đô thị.
Cuối cùng là nhà chung cư bị hỏng một trong các kết cấu công trình gồm: móng, cột, tường, dầm, xà không đáp ứng yêu cầu sử dụng bình thường. Các công trình này không thuộc hai trường hợp phải phá dỡ như nêu ở trên, nhưng thuộc diện phải cải tạo, xây dựng đồng bộ theo quy hoạch đã được duyệt.
Chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư sẽ được bố trí chỗ ở tạm thời theo nhiều hình thức như tại quỹ nhà ở tái định cư có sẵn; quỹ nhà ở thuộc tài sản công trên địa bàn; mua nhà ở thương mại hoặc đầu tư xây dựng quỹ nhà ở tái định cư bằng nguồn vốn ngân sách của địa phương hoặc nguồn vốn từ quỹ đầu tư phát triển, quỹ phát triển nhà ở của địa phương (nếu có). Ngoài ra, chủ sở hữu cũng có thể được thanh toán tiền để tự lo chỗ ở.
Riêng tại TP Hà Nội có hơn 1.500 nhà chung cư cũ, trong đó gần 1.300 nhà thuộc 76 khu chung cư. Ngoài ra, thành phố còn có 306 chung cư cũ độc lập, được xây dựng từ những năm 1960-1994 và trước năm 1954. Từ năm 2005, Hà Nội bắt đầu cải tạo các khu chung cư cũ. Tuy nhiên, do một số bất cập và sự thay đổi chính sách nên đến nay mới có 19 dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng (chiếm 1,2% tổng số nhà ở chung cư cũ) và 14 dự án đang triển khai.
Đến năm 2025, thủ đô lên đến hoạch cải tạo 10 chung cư cũ, bao gồm bốn khu nhà cấp D - cấp độ nguy hiểm, nguy cơ sụp đổ, phải di dời khẩn cấp người dân là Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, nhà của Bộ Tư pháp và 6 khu có tính khả thi để cải tạo là Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân.
TP HCM dự kiến điều chỉnh bảng giá đất nhiều quận huyện từ ngày 1/8, trong đó, giá đất dự kiến áp dụng tại một số quận, huyện tăng lên hơn 30 lần.
Nguồn: [Link nguồn]