Những sửa đổi, bổ sung liên quan đến chính sách bảo hiểm thất nghiệp
Nghị định 61/2020/NĐ-CP vừa được ban hành ngày 29/5/2020 liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung một số điểm mới về chính sách Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), trong đó mở rộng phạm vi người được xác nhận đang tham gia BHTN; quy định về việc thông báo tìm kiếm việc làm hàng tháng, chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động… Những điều chỉnh này sẽ có hiệu lực từ ngày 15/7/2020.
Theo đề xuất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 61/2020/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BHTN. Trong đó, có một số điều chỉnh liên quan tới đối tượng tham gia BHTN và thủ tục giải quyết chế độ BHTN cho người lao động.
Mở rộng phạm vi xác nhận tham gia BHTN
Nghị định 61/2020/NĐ-CP mở rộng hơn Nghị định 28/2015/NĐ-CP trong các trường hợp người lao động được xác định là đang đóng BHTN, cụ thể như sau:
a) Người lao động đã đóng BHTN của tháng chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội;
b) Người lao động đã đóng BHTN của tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội;
c) Người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà nghỉ việc do ốm đau, thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội;
d) Người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà nghỉ việc không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng tại đơn vị và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội;
đ) Người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng tại đơn vị và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội.
Quy định chặt chẽ về việc đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp
Bên cạnh việc cập nhật các biểu mẫu cần thiết cho cơ quan thực hiện chính sách BHTN và người lao động trong quá trình giải quyết chế độ BHTN như phiếu hẹn trả kết quả, đơn đề nghị hỗ trợ học nghề…, Nghị định 61/2020/NĐ-CP quy định chặt chẽ, chi tiết hơn về thủ tục đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Cụ thể, người lao động phải cung cấp bản chính hoặc bản sao có chứng thực, hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của một trong các giấy tờ sau đây xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc: a) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động; b) Quyết định thôi việc; c) Quyết định sa thải; d) Quyết định kỷ luật buộc thôi việc; đ) Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc; e) Xác nhận của người sử dụng lao động trong đó có nội dung cụ thể về thông tin của người lao động; loại hợp đồng lao động đã ký; lý do, thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động; g) Xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc doanh nghiệp hoặc hợp tác xã giải thể, phá sản hoặc quyết định bãi nhiệm, miễn nhiệm, cách chức đối với các chức danh được bổ nhiệm trong trường hợp người lao động là người quản lý doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã.
Nhiều sửa đổi, bổ sung liên quan đến lao động thất nghiệp trong nghị định 61/2020/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 15/7/2020. Ảnh: TL
Trong trường hợp người lao động không có các giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động do đơn vị sử dụng lao động không có người đại diện theo pháp luật và người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền thì thực hiện theo quy trình đã được nêu cụ thể ở Nghị định này.
Bên cạnh đó, Nghị định 61/2020/NĐ-CP đã bổ sung yêu cầu sau: "Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, nếu người lao động không có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động phải trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác nộp đề nghị không hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp".
Ngoài ra, trong 03 ngày làm việc được ghi trên phiếu hẹn trả kết quả, nếu người lao động không đến nhận quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc không ủy quyền cho người khác đến nhận quyết định và không thông báo cho trung tâm dịch vụ việc làm về lý do không thể đến nhận thì được coi là không có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày người lao động hết hạn nhận quyết định theo phiếu hẹn trả kết quả, trung tâm dịch vụ việc làm trình Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành quyết định về việc hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.
Liên quan đến người lao động chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp, Nghị định nêu rõ: "Trường hợp người lao động đã nhận hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng chưa nộp cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi chuyển đến và không có nhu cầu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp nữa thì người lao động phải nộp lại giấy giới thiệu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi chuyển đi. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận lại giấy giới thiệu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm gửi văn bản đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh để tiếp tục thực hiện việc chi trả trợ cấp thất nghiệp và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người lao động. Thông báo về việc tìm kiếm việc làm của người lao động trong thời gian chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội".
Nêu rõ trách nhiệm và quyền lợi học nghề của người lao động
Ngoài việc quy định chi tiết về hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề đối với từng trường hợp cụ thể, Nghị định 61/2020/NĐ-CP cũng cập nhật những điểm mới liên quan đến quyền lợi và trách nhiệm của lao động thất nghiệp khi họ có nhu cầu học nghề để nâng cao trình độ, chuyển đổi nghề nghiệp.
Theo đó, người lao động đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Điều 55 Luật Việc làm có nhu cầu học nghề sẽ được hỗ trợ 01 lần để học 01 nghề tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng, doanh nghiệp được thực hiện hoạt động giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo nghề nghiệp cho người lao động tham gia BHTN. Phương thức hỗ trợ kinh phí học nghề được thực hiện thông qua cơ sở đào tạo nghề nghiệp.
Thời điểm bắt đầu học nghề của người lao động là thời điểm sau khi ban hành quyết định về việc hỗ trợ học nghề nhưng không quá 03 tháng kể từ ngày ban hành quyết định về việc hỗ trợ học nghề đối với trường hợp không thuộc diện đang hưởng trợ cấp thất nghiệp và không quá 03 tháng kể từ ngày hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp đối với trường hợp đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trường hợp người lao động có nhu cầu tham gia khóa đào tạo nghề đang được cơ sở đào tạo nghề nghiệp thực hiện thì người lao động vẫn được hỗ trợ tham gia khóa học nghề này nếu thời điểm bắt đầu đào tạo nghề tính đến thời điểm ban hành quyết định về việc hỗ trợ học nghề không quá 01 tháng và cơ sở đào tạo nghề nghiệp đảm bảo dạy bù đầy đủ kiến thức của khoảng thời gian trước khi người lao động tham gia học nghề.
Để đảm bảo quyền lợi của người lao động, Nghị định nêu rõ trách nhiệm của trung tâm dịch vụ việc làm trong quá trình hỗ trợ các trường hợp đang tham gia BHTN học nghề. Cụ thể, trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm xem xét hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề và trao cho người lao động phiếu hẹn trả kết quả. Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề, trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm xác định cụ thể nghề, thời gian hỗ trợ học nghề, thời điểm bắt đầu học nghề, mức hỗ trợ học nghề, cơ sở đào tạo nghề nghiệp để trình Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định việc hỗ trợ học nghề cho người lao động. Trường hợp người lao động không được hỗ trợ học nghề thì trung tâm dịch vụ việc làm phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Ngược lại, trong 03 ngày làm việc được ghi trên phiếu hẹn trả kết quả, nếu người lao động không đến nhận quyết định về việc hỗ trợ học nghề hoặc không ủy quyền cho người khác đến nhận quyết định và không thông báo cho trung tâm dịch vụ việc làm về lý do không thể đến nhận thì được coi là không có nhu cầu hỗ trợ học nghề.
Nghị định 61/2020/NĐ-CP sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2020.
Sáng đầu tuần, giá vàng thế giới tiếp đà trượt dốc, chìm sâu dưới ngưỡng 1.700 USD/Ounce.
Nguồn: [Link nguồn]