Những khoản tiền, thưởng người lao động có thể nhận được vào Tết Nhâm Dần 2022
Trong dịp Tết Nhâm Dần 2022, người lao động có thể nhận được một số khoản tiền lương, thưởng và hỗ trợ để đón Tết.
Thưởng Tết
Theo khoản 1 Điều 104 Bộ luật Lao động năm 2019, tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Người lao động có thể được nhận một số khoản lương, thưởng vào Tết Nhâm Dần 2022. Ảnh minh họa
Hiện tại, pháp luật không quy định bắt buộc người sử dụng lao động phải thưởng Tết cho người lao động
Do đó, thưởng nói chung và thưởng Tết nói riêng cho người lao động đều không phải là nghĩa vụ của người sử dụng lao động.
Dựa trên kết quả kinh doanh và mức độ hoàn thành công việc của người lao động mà doanh nghiệp sẽ chủ động xem xét thưởng hay không thưởng, thưởng nhiều hay thưởng ít cho người lao động.
Ngoài việc thưởng Tết bằng tiền, doanh nghiệp được phép thưởng cho người lao động bằng hiện vật hoặc các hình thức khác.
Lương tháng 13
Giống như thưởng tết, "lương tháng 13" không được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật nhưng hiện đang được khá nhiều doanh nghiệp áp dụng. Số tiền này thường được trả cho người lao động vào dịp cuối năm.
Doanh nghiệp chỉ bắt buộc phải chi trả lương tháng 13 nếu trước đó có thỏa thuận trong hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể.
Hiện nay, lương tháng 13 thường được được xác định theo hai cách, theo mức bình quân tiền lương trong năm, hoặc theo mức lương tháng 12 của người lao động.
Do đó, việc chi trả lương tháng 13 sẽ được áp dụng một trong hai cách tính trên tùy doanh nghiệp và thỏa thuận giữa các bên.
Tiền thăm hỏi từ quỹ tài chính công đoàn
Ngoài các khoản tiền người lao động được nhận dịp Tết đã đề cập ở trên, sắp tới, tại Kế hoạch 146/KH-TLĐ, 8 triệu người lao động trên cả nước còn có cơ hội được nhận tiền chăm lo, thăm hỏi từ phía công đoàn với mức 300.000 đồng/người.
Theo Kế hoạch 146/KH-TLĐ, có 2 nhóm đối tượng được hưởng tiền thăm hỏi gồm:
- Người lao động có đóng BHXH tại doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập có đóng kinh phí công đoàn.
- Cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh khó khăn.
Danh sách những người đủ điều kiện nhận hỗ trợ sẽ được chốt đến hết ngày 31/12/2021. Sau đó, tiền hỗ trợ sẽ được công đoàn các cấp phối hợp với chính quyền địa phương trao đến tay người lao động.
Quà, tiền hỗ trợ khác từ phía công đoàn
Ngoài khoản hỗ trợ 300.000 đồng/người, Kế hoạch 146/KH-TLĐ cũng liệt kê một số hoạt động thăm hỏi, hỗ trợ, động viên đoàn viên và người lao động dịp Tết Nhâm Dần 2022 như:
- Thăm, tặng quà cho người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, đang điều trị COVID-19,...
- Tổ chức xe đưa đón hoặc hỗ trợ toàn bộ, một phần vé tàu, xe, máy bay, phương tiện để đưa người lao động về quê đón Tết, trở lại làm việc,…
Công đoàn cơ sở sẽ chủ động cân đối nguồn thu, chi trong năm và sử dụng tối đa nguồn quỹ tích lũy để đảm bảo chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động. Các công đoàn cấp trên cũng sử dụng một phần tài chính công đoàn tích lũy để hỗ trợ công đoàn cấp dưới.
Căn cứ trên nguồn quỹ tài chính công đoàn mà các chính sách hỗ trợ, động viên, thăm hỏi người lao động của từng địa phương sẽ là khác nhau.
Pháp luật quy định cụ thể quyền lợi của người lao động đi làm vào những ngày nghỉ lễ, tết. Cụ thể, theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Lao động 2019:
Người lao động được nghỉ làm việc và hưởng nguyên lương 05 ngày Tết Âm lịch. Nếu ngày nghỉ này trùng vào ngày nghỉ hàng tuần thì người lao động được nghỉ bù vào ngày kế tiếp.
Nếu đi làm vào đúng ngày nghỉ lễ tết người lao động được hưởng ít nhất 400% tiền lương.
Trường hợp do đặc thù công việc hoặc thực hiện theo sự phân công, sắp xếp của người sử dụng lao động mà người lao động vẫn đi làm vào những ngày này thì sẽ được tính là làm thêm giờ và hưởng lương làm thêm giờ.
Nguồn: [Link nguồn]
Chuỗi tăng điểm ngắn ngủi của thị trường chấm dứt do dòng tiền của nhà đầu tư đã hạ nhiệt.