Lưu bài Bỏ lưu bài

Đông nằm co ro trong ống cống, trên người chỉ có mỗi manh áo mỏng che thân vì chiếc chăn duy nhất được người ta cho cũng đã bị lấy trộm. Ngày Đông mất việc, Hà Nội bước vào cái mùa lạnh nhất trong năm, gió thổi rít lên từng cơn thì Đông lại lầm bẩm run rẩy từng lời: “Em không muốn chết ở thành phố này”.

Tháng 7/2021, người ta truyền tai nhau câu nói “Sài Gòn hoa lệ, nhưng hoa cho người giàu còn lệ cho người nghèo”. Đó là khi thành phố Hồ Chí Minh bước vào giai đoạn chống dịch cam go nhất: số ca mắc Covid-19 tăng dần mỗi ngày và luôn ở ngưỡng cao nhất từ đầu đợt chống dịch; số ca tử vong tăng vọt, các bệnh viện liên tục trong tình trạng quá tải…

Một tuần sau chỉ thị “ai ở đâu ở yên đấy”, hàng nghìn công nhân, người lao động trong thành phố rơi vào cảnh thất nghiệp. Phần lớn trong số đó phải nợ tiền trọ vì không đủ khả năng chi trả. Số còn lại, họ chọn “chuyển nhà”… ra đường sống.

Chỉ trong năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ước tính khoảng 3,22%, trong đó tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 4,42%; khu vực nông thôn là 2,48%. Con số này tăng nhanh so với thời kỳ trước Covid-19 cho thấy sự khốc liệt vô cùng của đại dịch.

Những cuộc “chuyển nhà” của lao động nghèo trong thành phố - 2

Những khó khăn đã hiện rõ trong loạt bảng thống kê tổng kết năm, những mất mát, đau thương được gói lại trong hàng nghìn chiếc hũ sành lạnh lẽo, ai cũng đã thấy, và khóc. Nhưng vẫn còn ở đâu đó, chân dung những người dân – đặc biệt là những người ở dưới cùng của tháng thu nhập, cần được nhắc đến.

Những cuộc “chuyển nhà” của lao động nghèo trong thành phố - 3
Những cuộc “chuyển nhà” của lao động nghèo trong thành phố - 4

Hôm đó, Nguyễn Thành Đông ra khỏi nhà lúc trời còn tờ mờ sáng.

Đông ngoái lại nhìn căn nhà cấp 4 ọp ẹp nơi đã nuôi lớn cậu suốt 19 năm. Đông không tiếc khi phải xa căn nhà, nhưng Đông xót xa cho hai đứa em, một trai, một gái; đứa 17 tuổi, đứa vừa lên lớp 5, khi ở nhà với bố sẽ phải hứng chịu đòn roi trong những cơn thịnh nộ kinh hoàng do rượu chè gây ra.

Chính Đông cũng không thể chịu nổi những cái tát vô cớ của bố, và rồi Đông bỏ đi - ngay trong đêm chỉ với hai bộ quần áo và 150.000 đồng. Thật ra, ngoài những xung đột không thể dung hòa với bố, lý do khiến Đông dứt áo ra đi còn bởi vì… cậu hy vọng mình-sẽ-giàu, hoặc ít nhất là thoát được cái nghèo.

Nguyễn Thành Đông sinh năm 2003, quê ở Thanh Hóa. Đông học hết lớp 9 thì nghỉ học để dành cơ hội đi học tiếp cho hai em vì gia đình không có điều kiện. Sau đó Đông tìm đến các xưởng gỗ trong làng để làm thêm, mỗi tháng kiếm được 3 triệu đồng.

Những cuộc “chuyển nhà” của lao động nghèo trong thành phố - 5

Mẹ Đông đi xuất khẩu lao động đến nay đã gần 6 năm, bố ở nhà chạy xe ôm kiếm sống qua ngày nhưng từ khi Covid-19 ập đến, bố Đông thất nghiệp, ở nhà lâu đâm rượu chè rồi đánh đập con cái. Đông khi đó chưa tròn 18 tuổi nhưng trở thành trụ cột của gia đình, cậu vừa lo tiền ăn uống hàng ngày lại vừa lo bảo vệ các em mà khó khăn mấy cũng nhất quyết không để đứa nào phải bỏ học.

Đêm Đông bỏ nhà lên thành phố, cậu dặn đi dặn lại Chiến (em trai Đông, SN 2005) là không được để bị bố đánh, là thấy bố say rượu thì hai anh em dắt nhau chạy đi. “Nếu bố nát rượu quá thì mang cái Nguyệt (em gái út) sang bà ngoại ở để nó còn đi học. Anh đi rồi anh sẽ về thôi, anh sẽ gửi tiền về” – Đông kể lại lời dặn các em mình.

Trong người chỉ có 150.000 đồng, Đông đi bộ ra đường lớn bắt xe lên bến xe Mỹ Đình. Mấy tiếng sau, Hà Nội xuất hiện với bao nhiêu nhà cao tầng, xe cộ, nhịp sống hối hả - những thứ mà Đông chỉ từng thấy trên Tiktok hay qua trang mạng xã hội nào đó.

Đông đã quyết định ra đi khi mà không có chút vốn nào, từ kiến thức về Hà Nội cho đến tiền bạc. Lên thành phố là con đường duy nhất cậu nghĩ ra. “Em có gì để mất đâu mà sợ, trả tiền xe xong còn 50.000 đồng. Đời xô đi đâu thì đi đấy, dù sao vẫn có nhiều cơ hội hơn ở nhà” – Đông kể.

Chàng trai 18 tuổi tìm được công việc công nhân cho một công ty sản xuất bê tông trộn cho các công trình từ một tờ rơi. Nhiệm vụ của Đông là vệ sinh công trường, lau rửa nền đất và khoan cắt bê tông.

Ở đó, Đông làm việc cùng bốn người bạn đồng hương Thanh Hóa cũng trạc tuổi Đông, khoảng từ 17 – 20 tuổi. Trong số đó, có người đã đi làm ở Hà Nội được 3 – 4 năm tức là phải tha hương cầu thực từ khi chỉ là một cậu bé.

Những cuộc “chuyển nhà” của lao động nghèo trong thành phố - 6

Theo số liệu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) năm 2017, ước tính, toàn thế giới có khoảng 152 triệu lao động trẻ em (LĐTE) ở độ tuổi 5-17 làm việc trong các trang trại, cánh đồng, nhà máy, trên đường phố, thậm chí cả chiến trường, trong đó 73 triệu trẻ em phải làm những công việc nặng nhọc và nguy hiểm.

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các số liệu thống kê cho thấy LĐTE lại gia tăng cao. Theo ước tính của ILO, đại dịch Covid-19 đã làm cho từ 4,6 đến 10,3 triệu người lao động tại Việt Nam bị ảnh hưởng.

Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) đã ước tính có hơn một triệu trẻ em từ 5- 17 tuổi tại Việt Nam có tham gia lao động, trong số đó hơn 50% đang làm những công việc nặng nhọc. Khi đại dịch ảnh hưởng đến thu nhập gia đình, những trẻ em này còn phải làm nhiều giờ hơn, trong điều kiện tồi tàn hơn.

Đông là một trường hợp tiêu biểu cho những thống kê trên bởi chỉ sau khoảng 2 tháng làm công nhân khoan cắt bê tông, Đông phải nghỉ việc vì không đủ sức với những khối bê tông to gấp đôi người mình.

Sau đó, nhờ số tiền tích lũy từ công việc đầu tiên và vốn hiểu biết ít ỏi về Hà Nội, Đông xin được làm bảo vệ chung cư ở Cầu Giấy; rồi trông xe ở quán bar bên Tây Hồ… Lang bạt khắp thành phố với đủ loại ngành nghề trong gần nửa năm, cuối cùng Đông được nhận làm nhân viên một quán bia ở Hai Bà Trưng.

Những cuộc “chuyển nhà” của lao động nghèo trong thành phố - 7

Cậu vẫn làm với những người anh em đông hương từ những ngày đầu đến Hà Nội. Ở quán bia, Đông là “chân” bưng bê nhanh nhẹn, được trả lương mỗi tháng khoảng 6 triệu đồng, ăn uống tại chỗ chủ nuôi.

“Tiền lương hàng tháng em gửi vài triệu về quê cho em gái nộp tiền học, chỉ dám giữ lại một ít mua bộ quần áo. Từ ngày em đi, hai đứa em ở nhà khổ sở lắm, tháng 30 ngày thì bị bố đánh đến 29 ngày, em thương chúng nó nhưng không biết phải làm sao vì muốn để hai đứa ở quê ăn học cho đàng hoàng chứ không như em được” – Đông ngậm mùi.

Với mức lương 6 triệu đồng/tháng, ước mơ làm giàu của Đông có lẽ vẫn còn xa. Nhưng hơn 1 năm qua, Hà Nội đã mở ra một cánh cửa mới cho cuộc đời cậu. Một ngày loanh quanh chạy bàn giúp cậu có 200.000 đồng tiền công, cơm ăn hai bữa no và giúp hai đứa em của câu ở quê được đến trường đầy đủ.

Đông bảo: “Em không dám ước mơ gì nhiều, cứ túc tắc như thế miễn có tiền gửi về quê cho 2 đứa. Rồi từ từ em sẽ tính tiếp”.

Nhưng Đông chưa kịp tính gì thì Covid-19 lại ập đến…

Những cuộc “chuyển nhà” của lao động nghèo trong thành phố - 8

21 giờ, một đêm mùa đông Hà Nội, bốn thanh niên đi bộ dọc bãi đất trống gần bến xe Mỹ Đình (Nam Từ Liêm, Hà Nội) trở về chỗ ngủ là một trong hàng chục ống cống đặt bên đường. Cả khu này tối om như mực phải nhìn kỹ lắm mới thấy rõ mặt người, chỉ có cuộn giấy vệ sinh trắng treo cạnh cống là tín hiệu duy nhất để họ nhận biết đây là chỗ ở của mình.

Đông, Hùng, Quân, Dũng, bốn người đồng hương Thanh Hóa làm việc với nhau từ công ty khoan cắt bê tông đến quán bia ở Hai Bà Trưng và bây giờ lại cùng nhau “chuyển nhà” ra cống ở. Trong nhóm này còn có thêm một thành viên mới đó là Chiến, em trai Đông vừa từ quê lên Hà Nội vào đúng ngày Đông mất việc. Chiến cũng bỏ nhà đi với lý do ý như anh mình ngày trước: không thể chịu nổi những trận đòn roi khi say rượu của bố.

Những cuộc “chuyển nhà” của lao động nghèo trong thành phố - 9

Ngày 18/11, quán bia chỗ Đông làm việc đóng cửa. Câu thanh niên 19 tuổi khao khát làm giàu rơi vào cảnh thất nghiệp. Đông và 3 người còn lại được chủ hỗ trợ 500.000 đồng. “Ra khỏi quán bọn em bắt xe từ Hai Bà Trưng sang Mỹ Đình, bãi đất này có lần em đi qua thấy có cống bỏ không và thi thoảng cũng có người ngủ nên bọn em mang hết đồ đạc về đây ở tạm.” – Đông kể.

Những ngày đầu ở vẫn còn tiền nên còn được ăn uống đầy đủ, nhưng ngủ trên cống thì không thể nào quên được. Bề mặt cống rộng khoảng 2,5 m2, cả bốn người: Đông, Hùng, Quân, Dũng tự trải áo khoác và nằm chen chúc nhau trong đó để giữ ấm. Càng về đêm trời Hà Nội càng lạnh, có đêm người 4 đứa run lập cập nhưng không ai dám kêu gì chỉ nằm im ôm lấy nhau cho đỡ lạnh.

Theo lời Đông kể, ban ngày cả nhóm vào công trường xin nước để tắm rửa, sau đó xin thêm được chiếc chăn mỏng về đắp. Mọi người ở đó thương nên giúp đỡ nhưng mấy hôm nay lạnh quá, ba ngày rồi chưa dám tắm.

Ở đến ngày thứ 7 thì Đông bị trộm mất điện thoại, sang ngày thứ 10 thì cả nhóm hết sạch tiền ăn, phải ngủ cả ngày để quên đi cơn đói. Đông dẫn em trai đi cắm nốt chiếc điện thoại là tài sản cuối cùng trong người để đổi lấy 500.000 đồng trang trải những ngày tiếp theo.

Những cuộc “chuyển nhà” của lao động nghèo trong thành phố - 10

Hàng ngày, bốn người chia nhau đến các khu vực để tìm việc, sẵn sàng làm bất cứ công việc gì miễn họ cho các em chỗ ăn chỗ ở. Nhưng giữa mùa dịch hàng quán đìu hiu, không ai dám nhận thêm người. Một số chỗ yêu cầu tiêm vắc xin và giấy tờ tùy thân mà cả hai các em đều không có.

“Có lúc tuyệt vọng, em đã nghĩ mình sẽ chết ở đây” – Đông bảo vậy khi cả ngày trời chưa được ăn gì vào bụng.

Trong năm 2021, Đông và những người bạn của mình không phải là nhóm lao động duy nhất có cuộc “chuyển nhà” bất đắc dĩ như vậy.

Tối ngày 13/8/2021, trên mạng xã hội đăng tải hình ảnh nhóm khoảng 8 người lao động bị mất việc làm do Covid-19 nằm la liệt dưới gầm cầu đường vành đai 3 (đối diện bến xe Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Theo thông tin chia sẻ, những người này đến từ các tỉnh Sơn La, Phú Thọ, Điện Biên, Nghệ An và Tuyên Quang. Từ ngày Hà Nội giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, không có việc, không có tiền, không thể về quê, họ phải vạ vật dưới gầm cầu hàng chục ngày trời.

Thậm chí, do chủ thầu xây dựng chưa trả tiền nên để có chi phí sinh hoạt, nhiều người còn phải bán điện thoại, cầm cố chứng minh thư...

Những cuộc “chuyển nhà” của lao động nghèo trong thành phố - 11

Ngồi bên gầm cầu Nguyễn Chánh (Hà Nội), dưới cơn mưa nặng hạt, anh Nguyễn Văn Tục (lao động tự do, quê Điện Biên) với nhìn theo những người thiện nguyện vừa cho mình suất cơm ăn chống đói qua ngày. Đã 12 tiếng rồi, bây giờ anh mới có cái để lót dạ. Nhóm công nhân quê anh do dịch bệnh mà đi bộ về Điện Biên hết, còn mỗi anh phải ở lại vì chân đau không thể đi xa được.

Suất cơm thiện nguyện tuy không còn nóng, nhưng anh bảo như thế này đã là thịnh soạn rồi. Có những ngày mới lang thang dưới gầm cầu, tiền không có anh phải nhịn đói qua bữa. Có ai đi qua thấy thương, cho cái gì thì anh ăn cái đó không thì đi ngủ sớm cho qua cơn quặn bụng.

“Em có vợ và 2 cháu, vợ ở nhà làm ruộng, đứa lớn làm công ty ở Bắc Giang vừa rồi bị dịch đang bắt cách ly ở đây, đứa thứ 2 đang đi học. Em xuống Hà Nội gần 2 tháng, công việc phụ xây, phụ gạch công trình. Đi làm theo nhóm, khi bị đuổi, mọi người đã về quê, còn em chân đau không đi bộ về được", anh Tục buồn bã chia sẻ.

Những cuộc “chuyển nhà” của lao động nghèo trong thành phố - 12

Anh cho biết thêm, chủ thầu chỗ anh làm không hỗ trợ, lán trại họ khóa cửa không có chỗ ở. Anh làm 2 tháng đều công nhưng chỉ mới được tạm ứng 500 nghìn để lấy tiền ăn sinh hoạt. Trước đó công ty nuôi 10 ngày cơm, sau đó chủ thầu không thanh toán lương, gọi điện không liên lạc được. Không còn tiền, ai cho gì ăn nấy, ngủ gầm cầu với gối và tấm vải người ta thương tình cho để nằm.

Thời điểm đó, trả lời báo chí, lãnh đạo UBND quận Nam Từ Liêm cho biết: "Mọi chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 đều được quy định theo Nghị quyết 68 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, UBND phường và Mặt trận Tổ quốc quận đã triển khai phát 10 tấn lương thực miễn phí cho người lao động".

Theo Nghị quyết 68, đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác: căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương.

Những cuộc “chuyển nhà” của lao động nghèo trong thành phố - 13

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói, tổng mức hỗ trợ của gói lần này khoảng 26.000 tỷ đồng. Nhưng những người như Đông, Hùng, Quân, Dũng hay anh Tục không biết gì về Nghị quyết 68. Nỗi lo cơm áo gạo tiền, nơi ăn chốn ngủ đã chiếm hết thời gian trong cuộc đời họ, những quyết sách này, nghị định kia trở thành một thứ thật xa lạ.

Với họ, những điều gần hơn và dễ nắm bắt hơn có lẽ như lời Đông kể: tối muộn ngày 26/11, sau hơn 10 ngày năm thanh niên ngủ chui trong ống cống, có một chiếc xe ô tô đến gặp và nói sẽ tạo công ăn việc làm cho cả 5 em. Công việc làm tại một cửa hàng bán phụ kiện điện thoại ở Vĩnh Phúc. Thời gian đầu, họ sẽ hỗ trợ ăn ở cho đến khi các em có thể tự lo được.

Họ nói sẽ tới đón năm người vào buổi sáng, Đông, Hùng, Quân, Dũng và cả Chiến đã chuẩn bị xong hết đồ đạc tư trang, các em đều không muốn bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào, để sống.

 

Bài viết: Thanh Thúy

Thiết kế: Nãm Trung Nguyên

Thứ Bảy, ngày 05/02/2022 05:00 AM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Thanh Thúy - Trung Nam ([Tên nguồn])