Những cây cầu nghìn tỷ băng sông, vượt biển của Hải Phòng
Nhiều cây cầu vượt sông, cầu vượt biển được TP Hải Phòng đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, đưa vào sử dụng góp phần đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, giao thông. Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đến đầu tư các dự án bất động sản, đô thị cao cấp.
Video: Một trong những cây cầu và nút giao thông hiện đại và đẹp nhất TP Hải Phòng
Đường vượt biển gần 12.000 tỷ đồng dài nhất Việt Nam
Đường vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện có chiều dài 15,63km (bao gồm cả cầu và đường). Điểm đầu tại nút Tân Vũ với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, điểm cuối tại cổng Cảng Lạch Huyện (cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng) thuộc huyện Cát Hải. Trong đó, phần cầu Tân Vũ - Lạch Huyện có chiều dài 5,44km, thiết kế vĩnh cửu bằng bê - tông cốt thép dự ứng lực, rộng 16m, 4 làn xe. Tổng mức đầu tư dự án hơn 11.849 tỷ đồng.
Đường vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện (đường vượt biển dài nhất Việt Nam) kết nối trung tâm thành phố ra cảng nước sâu Lạch Huyện. Tuyến đường khởi công từ năm 2014 và đưa vào hoạt động từ năm 2017.
Đường vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện giúp việc đi lại bằng ôtô từ trung tâm TP Hải Phòng đến huyện Cát Hải chỉ mất khoảng 5 phút thay vì mất hàng giờ đi phà như trước. Không chỉ phục vụ phát triển kinh tế, tuyến đường còn tiệm cận đến thị trấn Cát Bà, mở ra cơ hội lớn cho phát triển du lịch.
Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư xây dựng bến cảng số 5, số 6 tại Cảng Lạch Huyện với tổng số vốn đầu tư gần 9.000 tỷ đồng (tăng 2.500 tỷ đồng). Hai bến cảng được điều chỉnh tăng chiều dài tuyến bến để nâng cỡ tàu khai thác.
Tuyến đường vượt biển kết nối các khu vực đang phát triển tại phía Đông TP Hải Phòng với cảng Lạch Huyện, khu công nghiệp Đình Vũ, cũng như kết nối với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Dự án này đáp ứng nhu cầu phát triển của vùng và tiến độ triển khai cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện.
Cầu ‘Cánh chim biển’ hơn 2.000 tỷ đồng
Cầu Hoàng Văn Thụ là một trong những hạng mục chính của Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm, có chiều dài khoảng 1.570 m do Ban Quản lý Công trình Xây dựng phát triển đô thị Hải Phòng làm chủ đầu tư mức trên 2.170 tỷ đồng. Cây cầu bắc qua sông Cấm, nối phường Minh Khai (quận Hồng Bàng) và xã Tân Dương (Thủy Nguyên, TP Hải Phòng).
Cùng với cầu Bính, cầu Hoàng Văn Thụ sẽ rút ngắn khoảng cách các khu đô thị thuộc quận Hồng Bàng với Khu đô thị Bắc Sông Cấm (đang triển khai). Đồng thời, kết nối trung tâm thành phố, các khu công nghiệp và liên kết các vùng kinh tế tại Quảng Ninh, Hải Dương.
Cây cầu 2.300 tỷ đồng đẹp nhất Hải Phòng
Cầu Rào 1, vừa được khánh thành tháng 1/2022 với thiết kế kiến trúc theo hình dáng 'cánh sóng vươn xa', có gắn 3 bông hoa phượng khổng lồ. Dự án xây dựng Cầu Rào 1 vĩnh cửu bằng thép, bê tông dự ứng lực được UBND TP Hải Phòng quyết định đầu tư gần 2.300 tỷ đồng từ ngân sách thành phố. Theo thiết kế, cầu chính có 11 nhịp dầm, gồm 3 vòm thép và 6 nhịp dẫn bằng dầm bản rỗng. Cầu được thiết kế 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp và dải phân cách, vỉa hè.
Với quy mô, kiến trúc hiện đại theo hình dáng “cánh sóng vươn xa”, công trình mang ý nghĩa biểu tượng cho ý chí, khát vọng vươn lên, vươn xa của Hải Phòng theo định hướng phát triển kinh tế gắn với biển. Công trình được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố trong những năm tới đây, là điểm nhấn kiến trúc, mở rộng cảnh quan xanh tại cửa ngõ phía Nam Hải Phòng, góp phần thay đổi diện mạo đô thị thành phố theo hướng văn minh, hiện đại. Đồng thời là cửa ngõ giao thông quan trọng, kết nối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, liên kết các quận huyện Kiến Thụy, Đồ Sơn, Dương Kinh với trung tâm thành phố.
Nút giao Nam Cầu Bính
Được khởi công xây dựng từ năm 2018, hoàn thành dịp chào mừng kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng TP Hải Phòng 13/5/2020. Đây là nút giao 3 tầng (gồm: tầng ngầm, tầng mặt và cầu vượt) đầu tiên tại Hải Phòng, với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng.
Đây là nút giao thông rất quan trọng ở cửa ngõ phía Tây Bắc thành phố, có cầu vượt thông theo hướng cầu Bính, đường vành đai 2 và hầm chui hướng Bạch Đằng - Hồng Bàng, giao cắt khác với tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng. Ngoài kết nối giao thông, công trình này còn góp phần phát triển đô thị.
Những cây cầu và tuyến đường trọng điểm tại Hải Phòng được kết nối với nhau qua nhiều nút giao lớn, đặc biệt ở các cửa ngõ, vành đai, góp phần đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông.
Với hệ thống hạ tầng đồng bộ, Hải Phòng đã thu hút các nhà đầu tư lớn đầu tư xây dựng nhiều dự án. Qua đó, dần hình thành các khu đô thị lớn, cao cấp.
Theo Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 mà UBND TP Hà Nội vừa ban hành, ở giai đoạn 1, Hà Nội sẽ xây mới 6 cây cầu bắc qua sông Hồng bao gồm: Hồng Hà, Thượng...
Nguồn: [Link nguồn]