Những ai được rút bảo hiểm xã hội một lần khi sửa luật?
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đưa ra 5 trường hợp người lao động được hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Tuy nhiên, nhóm hưởng bảo hiểm xã hội một lần đang có nhiều ý kiến khác nhau thuộc về nhóm nghỉ việc không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) hoàn thiện các bước cuối cùng để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp cuối năm nay (dự kiến thông qua năm 2024, có hiệu lực từ năm 2025).
Chế độ hưởng BHXH một lần được quy định cho 5 nhóm đối tượng, nhưng riêng nhóm người lao động nghỉ việc có được hưởng chế độ này hay không, mức hưởng ra sao vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau (Ảnh minh họa).
Cụ thể, dự luật quy định các trường hợp được nhận BHXH một lần tại Điều 77, gồm 5 nhóm:
Người lao động tham gia BHXH đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ 15 năm đóng BHXH (để nhận lương hưu hằng tháng), không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện (đóng 1 lần cho những năm còn thiếu để đủ điều kiện nhận lương hưu). Ngoài ra, trong quá trình tham gia BHXH người tham gia chết, người thân sẽ được chọn nhận trợ cấp tuất hằng tháng hoặc nhận một lần do người thân chọn, không có sự phân biệt.
Người lao động ra nước ngoài để định cư.
Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng, gồm ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS; Người đang bị mắc những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định của Bộ Y tế nhưng không thuộc các trường hợp trên.
Người làm trong quân đội, công an (sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân, binh sĩ, chiến sĩ…) người làm công tác cơ yếu, dân quân thường trực khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc không thuộc diện đóng BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện, chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Riêng với nhóm người lao động tham gia BHXH bắt buộc, sau nghỉ việc 12 tháng không tiếp tục tham gia BHXH (cả bắt buộc và tự nguyện, không thuộc các nhóm kể trên), có tiếp tục được rút BHXH một lần hay không vẫn còn nhiều ý kiến, nhiều phương án khác nhau đưa vào Dự thảo Luật BHXH sửa đổi lần này.
Bộ LĐ-TB&XH đưa ra 3 phương án với trường hợp người lao động nghỉ việc sau 12 tháng không tiếp tục đóng có được hưởng BHXH một lần hay không, cụ thể:
Phương án 1, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện, đóng BHXH chưa đủ 20 năm được hưởng BHXH một lần (giữ quy định hiện hành).
Phương án 2, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện, đóng BHXH chưa đủ 20 năm có yêu cầu được hưởng BHXH một lần, nhưng mức hưởng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH về sau.
Phương án 3, không áp dụng chế độ BHXH một lần với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH sửa đổi lần này có hiệu lực thi hành (dự kiến từ ngày 1/1/2025). Những người tham gia BHXH trước khi luật sửa đổi có hiệu lực vẫn được hưởng chế độ BHXH một lần.
Bộ LĐ-TB&XH cho biết, khi khảo sát ý kiến người dân, đa số chọn phương án vẫn tiếp tục cho người lao động nhận BHXH một lần, chỉ một số ít chọn phương án chỉ cho nhận BHXH một lần tối đa 50% thời gian đã đóng.
Về phía các bộ ngành, địa phương đa số ý kiến chọn phương án chỉ cho nhận BHXH một lần tối đa 50% thời gian đã đóng, một số ít lựa chọn phương án vẫn cho phép rút BHXH một lần như quy định hiện hành.
Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị cần có lộ trình tiến tới việc quay lại thực hiện theo Điều 60 của Luật BHXH năm 2014, tức không cho phép nhận BHXH một lần với người lao động sau nghỉ việc 12 tháng (tạm hoãn thực hiện bằng Nghị quyết 93/2015/QH13 của Quốc hội). Giải pháp này nhằm đạt được mục tiêu mở rộng đối tượng thụ hưởng BHXH, đảm bảo an sinh xã hội.
Theo số liệu của BHXH Việt Nam, giai đoạn 2016-2022, cả nước có khoảng 4,5 triệu lượt người hưởng BHXH một lần, trong đó có gần 1,3 triệu lượt người sau khi nhận BHXH một lần tiếp tục quay trở lại đóng BHXH (chiếm 28% tổng số người nhận BHXH lần).
Với mức lương cơ sở mới tăng lên 1,8 triệu đồng/người/tháng áp dụng từ ngày 1/7, tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm...
Nguồn: [Link nguồn]