“Nhồi cao ốc”, điều chỉnh hạ tầng tại các thành phố lớn: Trách nhiệm thuộc về ai?
Thực tiễn đang có bất cập trong xây dựng khu chung cư, nhà cao tầng trong các khu đô thị lớn, có mật độ dân số cao. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, trong quá trình điều hành, Chính phủ đã phân cấp rất mạnh cho lãnh đạo các địa phương.
Hạ tầng đô thị quá tải khi nhiều cao ốc được điều chỉnh quy hoạch lên tới 6- 7 lần.
Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2019 diễn ra vào chiều muộn ngày 31/5, trả lời câu hỏi về việc cấp phép ồ ạt, xây dựng chung cư ở thành phố và ai sẽ phải chịu trách nhiệm về hệ lụy mà người dân đang gánh chịu?
Chủ nhiệm, Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là tất cả cơ sở lớn liên quan đến trường học, bệnh viện đều phải di chuyển ra ngoại ô để giảm mật độ dân số.
Trong quá trình điều hành, Chính phủ đã phân cấp rất mạnh cho lãnh đạo các địa phương, trong đó có thành phố lớn về vấn đề xây dựng thế nào, quy hoạch ra sao để đúng chỉ đạo chung về mật độ và hạ tầng phúc lợi công cộng kèm theo.
“Thực tiễn đang có bất cập trong xây dựng khu chung cư, nhà cao tầng trong các khu đô thị lớn, có mật độ dân số cao. Vấn đề báo chí quan tâm là rất đúng”, người phát ngôn Chính phủ nêu.
Trên thực tế, nhiều tuyến đường của Hà Nội, TP.HCM đang trở nên chật cứng bởi các cao ốc chen nhau mọc lên, như đường Nguyễn Tuân, Lê Văn Lương (Hà Nội), đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát (quận 7) hay dọc bến Vân Đồn (TP.HCM)... Đằng sau tốc độ đô thị hóa chóng mặt và cơn sốt bất động sản ở 2 trung tâm đô thị lớn là bài toán hạ tầng chưa có lời giải.
Theo số liệu trong Báo cáo giám sát về đất đai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được trình bày hôm 27/5, đất dành cho giao thông tại Hà Nội, TP.HCM chỉ chiếm 9%, trong khi quy hoạch phải đạt 20-26% với đô thị trung tâm, 18-23% với đô thị vệ tinh, 16-20% với các thị trấn. Tỷ lệ đất dành cho đỗ xe, bến bãi dưới 1% trong khi yêu cầu phải là 3-4%.
Hà Nội và TP.HCM cũng là địa phương có tỷ lệ điều chỉnh quy hoạch cục bộ vào tốp đầu cả nước, lần lượt là 70% và hơn 40%. Riêng TP.HCM, từ 1/7/2014 đến hết năm 2018, có 181 dự án phải điều chỉnh quy hoạch.
Tính trên cả nước có gần 1.400 dự án điều chỉnh quy hoạch, trong đó có 9 dự án điều chỉnh hơn 5 lần. Báo cáo của Quốc hội cũng chỉ rõ việc điều chỉnh tập trung ở các địa phương có bất động sản tăng trưởng nóng, như Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Quy hoạch điều chỉnh thường có xu hướng tăng số tầng, tăng diện tích sàn, chia nhỏ diện tích căn hộ, tăng mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất; giảm diện tích đất cây xanh công cộng, đất công trình hạ tầng kỹ thuật…
Ông Dương Đức Hiển, Giám đốc Bộ phận Kinh doanh Nhà ở Savills Hà Nội đã chỉ ra 5 xu hướng chính của bất động sản...