Nhìn lại những vụ sập nhà, biệt thự cổ kinh hoàng ở Hà Nội
Những ngôi nhà cổ ở Hà Nội liên tiếp đổ sập trong những năm gần đây gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Trong khi đó, trên địa bàn Thủ đô hiện còn hàng trăm ngôi nhà cổ, biệt thự cổ đang xuống cấp trầm trọng, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.
Sập nhà trên phố Hàng Bông: Mới đây, sáng 2/7, ngôi nhà số 56 phố Hàng Bông (phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bị sập gây náo loạn cả khu phố.
Rất may vụ việc không gây thương vong về người nhưng khiến ngôi nhà cổ bị hư hỏng nặng tầng 2, và phần ban công bị kéo sập.
Nguyên nhân ban đầu khiến ngôi nhà 56 Hàng Bông bị sập là do lắp đặt biển quảng cáo to và nặng cộng với việc ngôi nhà có niên hạn sử dụng rất lâu và đã xuống cấp nghiêm trọng.
Sập nhà tại công trình khách sạn trên phố Lê Thái Tổ: Khoảng 15h30 ngày 27/10/2018, tại khu vực sát công trường xây dựng khách sạn (thuộc các số nhà 22-32 phố Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã xảy ra sự cố sập khối nhà 2 tầng số 32 phố Lê Thái Tổ khiến nhiều người dân và du khách hoảng sợ bỏ chạy.
Vụ việc khiến khối nhà 2 tầng sập đổ gần hết, chỉ còn bức tường phía cuối cao khoảng 7m, rất may không có thương vong về người.
Hiện trạng ngôi nhà trước đó là kết cấu tường gạch, mái ngói có kích thước mặt tiền rộng 3m, sâu khoảng 20m. Tầng 1 là ngõ đi chung của các hộ phía sau của biển số nhà 32, tầng 2 ngôi nhà thuộc quyền sử dụng của Công ty cổ phần Intimex Việt Nam.
Sập nhà 43 Cửa Bắc, 2 người tử vong. Khoảng 3h30 sáng 4/8/2016, ngôi nhà 3 tầng 1 tum số 43 Cửa Bắc (quận Ba Đình – Hà Nội) bất ngờ bị đổ sập hoàn toàn.
Vụ việc khiến 9 người trong nhà gặp nạn. Bốn người ở tầng 1 chạy thoát, 5 người còn lại mắc kẹt. Trưa cùng ngày tất cả nạn nhân được đưa ra ngoài, tuy nhiên 2 người đã tử vong.
Liên quan đến vụ sập nhà 43 Cửa Bắc, Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng".
Theo Cơ quan công an, nguyên nhân ban đầu được xác định ngôi nhà số 43 Cửa Bắc đã được xây dựng từ lâu, hệ thống móng và tường chịu lực kém, đồng thời, chịu ảnh hưởng do tác động của mưa dài ngày từ cơn bão số 1. Trong quá trình thi công nhà số 41 đã không có những biện pháp thi công đảm bảo an toàn cho các công trình xung quanh, dẫn đến sập đổ nhà số 43 phố Cửa Bắc.
Biệt thự cổ 107 Trần Hưng Đạo đổ sập, 8 người thương vong. Vào 12h45 ngày 22/9/2015, ngôi nhà 2 tầng nổi, một tầng hầm nằm trong ngõ cách mặt đường Trần Hưng Đạo (rộng khoảng 50m) tại số 107 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) bất ngờ sập toàn bộ tầng 2, gạch vữa, mái tôn đổ xuống xâm lấn lối đi hai bên, vốn là nơi họp chợ, đè bẹp nhiều công trình phụ trợ của khối nhà phía trước, sau và hai bên và khiến nhiều người bị mắc kẹt.
Hàng trăm phương tiện như xe chuyên dụng của lực lượng PCCC, xe cứu thương 115, xe quân đội… cùng hàng trăm cán bộ chiến sỹ bộ đội, công an được điều động đến hiện trường khắc phục sự cố.
Đến 18h cùng ngày, 8 nạn nhân trong vụ sập nhà đã được đưa ra khỏi hiện trường và đưa đi cấp cứu, trong đó có 2 nạn nhân tử vong.
Về nguyên nhân vụ đổ sập, ông Đoàn Duy Hoạch – Phó tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt cho rằng, do trời mưa lâu ngày làm thấm dột và do ngôi nhà quá cũ nên đã bị sập phần mái và tường tầng 2. Khung nhà tầng 1 vẫn còn nguyên vẹn. Ngôi nhà này được Tổng công ty Đường sắt sử dụng từ sau năm 1955, nhiều lần được sửa chữa, gia cố lắp mái tôn để chống dột…
Sự cố sập biệt thự cổ ở 107 Trần Hưng Đạo khiến 46 hộ dân sống bên cạnh biệt thự bị sập phải sơ tán về khu đô thị Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đến nay vẫn chưa biết ngày về.
Từ một căn hộ tù túng thiếu ánh sáng đã biến thành không gian thoáng đãng tràn ngập hơi thở thiên nhiên.