Nhiều vợ chồng trẻ lo bị ngân hàng "siết nhà" vì không đủ tiền trả góp
Trước tác động của dịch Covid-19, nhiều vợ chồng trẻ thất nghiệp, lo bị ngân hàng "siết nhà" vì không đủ tiền trả góp.
Thu nhập không đủ trả lãi ngân hàng
Theo Tổng cục Thống kê, trong quý II và 6 tháng đầu năm 2021, thị trường lao động chưa thấy dấu hiệu khả quan. Lao động thiếu việc làm trong độ tuổi quý II năm 2021 là 1,1 triệu người, tăng 173,5 nghìn người so với quý trước.
Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị tăng cao hơn so với khu vực nông thôn.
Chung cư MD Trung Văn, Nam Từ Liêm chào bán trả góp 70% trong 20 năm (Ảnh minh hoạ).
Thiếu việc làm, mức thu nhập giảm khiến không ít người mua nhà trả góp rơi vào cảnh lao đao, có nguy cơ bị siết nợ.
Chị Nguyễn Thị Thuý, Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ, sau gần chục năm làm việc tại Hà Nội, vợ chồng chị đã quyết định "xuống tiền" mua chung cư trả góp gần 100m2 với giá 2,3 tỷ đồng. Mỗi tháng 2 vợ chồng chị trả hơn 7 triệu đồng cả tiền gốc và lãi.
Chị Thuý tính toán, với thu nhập của hai vợ chồng, nếu chịu khó tích lũy thì gia đình chị sẽ sớm trả hết nợ và lãi ngân hàng.
Tuy nhiên, 2 năm xảy ra dịch bệnh Covid-19, ngành du lịch của chồng chị bị ảnh hưởng, nghỉ việc không lương. Công việc văn phòng của chị chuyển sang làm việc luân phiên, thu nhập giảm một nửa khiến gia đình chị rơi vào cảnh bế tắc.
Không xoay xở đủ tiền trả góp, chị Thuý lo lắng: "Không có tiền trả, quá hạn, ngân hàng siết nợ, bao công sức bấy lâu xuống sông xuống bể".
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, anh Tuấn Khang, Mai Dịch, Cầu Giấy than thở, gia đình anh đã mất một thời gian khá dài mới có thể tìm mua và lựa chọn được một căn hộ 1,7 tỷ đồng, đến năm 2023 dự án sẽ bàn giao. Mỗi tháng gia đình anh đóng khoảng 24 triệu đồng cho đơn vị bán nhà. Nếu bình thường, lương của anh là 15 triệu đồng cộng với thu nhập từ kinh doanh buôn bán của vợ. Mỗi tháng trừ chi tiêu cho gia đình thì hai vợ chồng vừa đủ trả tiền nhà.
"Dịch bệnh phức tạp, cửa hàng của vợ tôi phải nghỉ, nhưng vẫn phải trả tiền mặt bằng 9 triệu đồng mỗi tháng. Cộng thêm tiền chi phí cho một bé 3 tuổi và một bé 6 tháng tuổi. Tiền lương thì chỉ đủ trả tiền mặt bằng và tiền nuôi con, trong khi không có tài sản thế chấp gì để vay ngân hàng.
Gia đình nội ngoại đều khó khăn. Chúng tôi không biết làm gì để qua mùa dịch khi tin nhắn đóng tiền nhà hàng tháng của công ty tới đều!" anh Khang trăn trở.
Không tích lũy được 50-70% giá trị thì đừng mua nhà trả góp?
Để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi vay, nhưng đối tượng ưu tiên phần lớn chỉ là doanh nghiệp và các hộ kinh doanh, còn các khách hàng cá nhân vay để mua nhà được giảm khá ít, chỉ từ 0,5-1%/năm. Mức giảm này thực tế không thấm vào đâu so với số tiền phải trả của nhiều gia đình.
Trước thực tế trên, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản, khách hàng vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong đó nhấn mạnh để tăng sức chống chịu và vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch, các doanh nghiệp bất động sản không xin Nhà nước hỗ trợ bằng tiền, mà chỉ xin Nhà nước hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc, bất cập về cơ chế chính sách và về quy trình thủ tục hành chính. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp, bao gồm giảm lãi suất cho vay khoảng 2% một năm cho các doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư, khách hàng vay mua nhà. Các ngân hàng thương mại xem xét không chuyển nợ xấu với khoản vay đến hạn.
Để tránh những rủi ro như trên, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội khuyên: "Nếu không có tích lũy tối thiểu được 50 - 70% giá trị căn hộ hoặc thu nhập gia đình không được 30 triệu/tháng thì không nên cố chấp mua nhà. Bởi dù có sở hữu được ngôi nhà nhưng gánh nặng tài chính, rủi ro khi trả lãi ngân hàng sẽ đè nặng lên khiến người mua nhà không thể có được cuộc sống và tinh thần thoải mái. Còn với người đã sẵn sàng tài chính thì việc mua nhà thời điểm này có thể hưởng thêm các chính sách khuyến mại và giá bán".
Nguồn: [Link nguồn]
Việc làm online trong thời điểm dịch COVID-19 kéo dài đang trở thành xu hướng với nhiều người dân. Tuy vậy, không ít người...