Nhiều ngân hàng giảm lãi suất cho khách bị thiệt hại do virus corona
Các DN, cá nhân sản xuất kinh doanh thuộc các lĩnh vực vận tải kho bãi; Dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn; xuất nhập khẩu… bị thiệt hại do dịch bệnh virus corona sẽ được giảm lãi suất 1-1,5%/năm đối với dư nợ cho vay, miễn phạt quá hạn...
Nhằm chia sẻ hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh do virus, Ngân hàng Vietcombank (VCB) vừa cho biết, từ ngày 11/2 đến hết 30/4/2020, ngân hàng này sẽ thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn thời hạn trả nợ, không tính lãi suất phạt quá hạn đối với khách hàng bị thiệt hại do dịch bệnh virus corona.
Ngân hàng giảm lãi suất cho vay 3%/năm đối với các khách vay trồng thanh long, dưa hấu, sầu riêng, mít, xoài...
Theo đó, lãi suất giảm 1%/năm đối với dư nợ vay ngắn hạn; giảm 1,5%/năm đối với dư nợ vay trung dài hạn; giảm lãi suất 0,5%/năm đối với dư nợ vay USD ngắn hạn; giảm 0,75%/năm đối với dư nợ vay USD trung dài hạn; cho vay mới với lãi suất ưu đãi giảm tối đa tới 1%/năm đối với VND và 0,5%/năm đối với USD cho các khách hàng thuộc các lĩnh vực đáp ứng điều kiện vay vốn của VCB.
Đối tượng là các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh thuộc các lĩnh vực vận tải kho bãi; Dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn; Thực phẩm và đồ uống có cồn; Xuất nhập khẩu chủ yếu với thị trường Trung Quốc (thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thủy sản, dệt may, da giày…); những ngành chịu tác động khác theo đánh giá cập nhật và thông báo của VCB.
Ngoài ra, Vietcombank hỗ trợ 2 tỉ đồng từ Quỹ phúc lợi cho 7 cơ sở quân đội thuộc Quân khu I và Quân khu II được giao nhiệm vụ tiếp nhận, cách ly người dân trở về từ vùng dịch nCoV.
Không chỉ Vietcombank, một loạt ngân hàng cũng đưa ra giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch bệnh này.
VPBank công bố giảm lãi suất cho vay 1,5%/năm đối với các khoản vay không có tài sản bảo đảm và 1%/năm đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, du lịch, nhà hàng, xuất khẩu nông sản...
KienLongBank giảm lãi suất cho vay 3%/năm đối với các khách vay trồng thanh long, dưa hấu, sầu riêng, mít, xoài, chôm chôm, chuối, thời gian áp dụng từ ngày 1/2 đến 30/4. Trong thời gian này, KienLongBank cũng sẽ hỗ trợ khách hàng giảm lãi vay, miễn tiền phạt quá hạn nhằm giúp khách hàng có điều kiện khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.
Ngân hàng An Bình (ABBank) dành 4.000 tỉ đồng để bố trí nguồn vốn chi phí thấp, ưu đãi lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ dịch bệnh. Mức hỗ trợ sẽ do ngân hàng xem xét với từng đơn vị trong lĩnh vực cụ thể, có thể ưu đãi lãi suất thấp hơn từ 1,5-2% mỗi năm so với lãi suất cho vay ngắn hạn thông thường và từ 3% một năm với cho vay trung dài hạn.
Trước đó, ngày 5/2, Agribank cũng đã có văn bản chỉ đạo gửi các chi nhánh về việc hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh virus corona gây ra. Tuy nhiên, các giải pháp được nhà băng này đưa ra mới chỉ ở mức chung chung.
Theo đó, Tổng Giám đốc Agribank chỉ đạo các chi nhánh tổ chức rà soát, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn do ảnh hưởng bởi dịch nCoV, trong đó lưu ý các khách hàng hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn, nông nghiệp, xuất khẩu, đặc biệt các doanh nghiệp sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu và xuất khẩu thị trường Trung Quốc, có nhiều lao động người Trung Quốc, các doanh nghiệp đầu mối các mặt hàng nông sản khó bảo quản, thời gian thu hoạch và tiêu thụ ngắn, các vùng sản xuất hàng hóa lớn như khu vực Tây Nguyên, Tây Nam bộ, duyên hải miền Trung…
Đồng thời, các Chi nhánh Agribank chủ động làm việc với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch nCoV để kịp thời áp dụng các biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ; xem xét miễn, giảm lãi tiền vay; linh hoạt đối tượng đầu tư thay thế phù hợp; cân đối, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn, cho vay mới nhằm duy trì và ổn định sản xuất, kinh doanh.
Trước đó, ngày 4/2/2020, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành văn bản về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch corona.
Để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng, chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch, chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch nCoV, nhất là những ngành, lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng nhiều như du lịch, nông nghiệp, xuất khẩu, ... để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, … theo quy định pháp luật hiện hành. Chủ động hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong quá trình xử lý các đề nghị tháo gỡ khó khăn về hoạt động vay vốn.
Ngân hàng nhà nước quán triệt không tăng lãi suất, kể cả lãi suất huy động trong bối cảnh dịch nCoV bùng phát.
Nguồn: [Link nguồn]