Nhiều đại gia ‘dòm ngó’ khối tài sản nghìn tỷ của bà Trương Mỹ Lan
Khu phức hợp Nhà Rồng - Khánh Hội, công viên và khu nhà ở đô thị Mũi Đèn Đỏ, tòa nhà Capital Palace, dự án 6A… là những dự án bất động sản của bà Trương Mỹ Lan đang được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước muốn đàm phán để nhận chuyển nhượng.
Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan, luật sư bào chữa cho bị cáo Lan cho biết, Công ty TNHH APM Luxe (Hàn Quốc) đã có đơn gửi Tòa án nhân dân Cấp cao tại TPHCM bày tỏ quan tâm đến việc đầu tư vào các dự án của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đang bị kê biên.
Một phần khu đất của khu phức hợp Nhà Rồng - Khánh Hội mà nhiều doanh nghiệp đang muốn mua lại từ bà Lan. Ảnh: Phạm Nguyễn.
Cụ thể, Công ty TNHH APM Luxe muốn đầu tư 3 dự án, gồm khu phức hợp Nhà Rồng - Khánh Hội tại khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội (phường 12, 13 và 18, quận 4, TPHCM). Dự án này khoảng 31,5 ha với chức năng là đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng hỗn hợp bao gồm dịch vụ thương mại, chung cư, biệt thự, trường học, cơ sở y tế và hạ tầng kỹ thuật.
Dự án thứ hai là công viên và khu nhà ở đô thị Mũi Đèn Đỏ (phường Phú Thuận, quận 7, TPHCM), có diện tích khoảng 118 ha. Dự án này có chức năng là đầu tư xây dựng công viên, trung tâm thương mại, văn phòng khách sạn, hội nghị triển lãm và khu dân cư cao tầng hỗn hợp.
Dự án cuối cùng là Tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ cao cấp Vinhomes Metropolis (tòa nhà Capital Place) tại số 29 Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội. Dự án này rộng khoảng 3,5 ha, có chức năng là đầu tư xây dựng tòa nhà cao tầng có chức năng hỗn hợp gồm trung tâm dịch vụ thương mại, văn phòng,căn hộ cao cấp.
Công ty TNHH APM Luxe được thành lập tại Hàn Quốc vào năm 2011. Người đại diện kiêm chủ tịch là ông Song See-vong. Phía APM Luxe đề nghị tòa án xem xét, tạo điều kiện cho công ty tiếp cận, đàm phán để nhận chuyển nhượng hoặc hợp tác đầu tư trên nguyên tắc hài hòa, có lợi cho tất cả các bên, đảm bảo tuân thủ pháp luật.
Tòa nhà Capital Place đang nợ 250 triệu USD tại ngân hàng nhưng vẫn có nhiều đối tác muốn mua. Ảnh: TPO.
Ngoài ra, tỷ phú Vincent Tan (người Malaysia) cũng đồng ý đầu tư vào dự án 6A với diện tích 26 ha tại Bình Chánh, TPHCM của bà Trương Mỹ Lan. Hiện tại, dự án 6A chưa bị kê biên, cũng chưa bị thế chấp nên sau khi trừ các chi phí, bị cáo Lan còn dư 20.000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
Dự án 6A nằm ở khu Trung Sơn, huyện Bình Chánh, TPHCM có tổng mức đầu tư lên tới 13.400 tỷ đồng do Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát làm chủ đầu tư. Tại phiên toà, bà Trương Mỹ Lan cho biết, trước đây có nhiều nhà đầu tư trả mức giá 30.000 - 50.000 tỷ đồng để mua dự án. Tuy nhiên để có tiền đền bù cho người mua trái phiếu, bà Lan đồng ý bán rẻ 10.000 - 20.000 tỷ đồng, chỉ cần có tiền khắc phục hậu quả cho người mua trái phiếu.
Ông Vincent Tan là người sáng lập của Berjaya Corporation - một tập đoàn kinh doanh đa ngành nghề lớn tại Malaysia. Tháng 2/2007 Berjaya đã trở thành doanh nghiệp Malaysia đầu tiên nhận được giấy phép đầu tư và phát triển về bất động sản tại Việt Nam. Kể từ đó cho tới nay, Tập đoàn Berjaya đã đầu tư nhiều dự án lớn tại đây.
Tuy nhiên, trong giai đoạn 2017 - 2019, Berjaya đã phải bán đi nhiều dự án như Làng đại học Berjaya Việt Nam (BVIUT) có tổng vốn đầu tư 3,5 tỷ USD, Trung tâm Tài chính Việt Nam (BVFC) với tổng vốn đầu tư 930 triệu USD, 70% cổ phần tại Công ty Berjaya Long Beach LLC Việt Nam - chủ đầu tư dự án Long Beach Resort Phú Quốc, 75% vốn tại InterContinental Hanoi Westlake cho 1 công ty liên quan BRG Group.
Dự án công viên và khu nhà ở đô thị Mũi Đèn Đỏ là nơi hiếm hoi còn quỹ đất rộng, nằm gần trung tâm TPHCM.
Hiện tại, Berjaya Corp đang sở hữu nhiều tài sản tại Việt Nam, như 50% vốn điều lệ của Công ty Liên doanh TNHH Berjaya - Hồ Tây (khách sạn Sheraton Hà Nội), 80% vốn điều lệ của Công ty TNHH Berjaya-Handico12- chủ đầu tư dự án khu đô thị Ha Noi Garden City (phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội), 100% vốn điều lệ của Công ty TNHH Berjaya-D2D - chủ đầu tư dự án khách sạn 5 sao và khu thương mại căn hộ cao cấp Biên Hòa City Square.
Trước đó, một người bạn của bà Lan ở Mỹ muốn thương thảo, bàn bạc việc mua bán dự án 6A. Người bạn này sẵn sàng nộp một khoản tiền vào tài khoản tạm giữ của cơ quan tố tụng và bà Lan sẽ giao lại dự án 6A cho họ. Không chỉ dự án 6A, nhân vật này còn muốn thay mặt 3 cổ đông lớn của tòa nhà Capital Place trả 250 triệu USD cho ngân hàng và tiếp tục cho bà Lan mượn thêm 130 triệu USD để bà Lan đền bù thiệt hại.
Khẳng định không kêu oan, bị cáo Trương Mỹ Lan xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt và mong nhận lại được các tài sản gồm tòa biệt thự cổ, 2 du thuyền và nhiều...
Nguồn: [Link nguồn]