“Nhận hỗ trợ trên ti vi”, tưởng đùa hóa thật

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Du lịch, dệt may, vận tải là những ngành chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19, tuy nhiên điều kiện các gói hỗ trợ khiến doanh nghiệp bó tay.

Dù gặp khó khăn, các DN dệt may vẫn không thể áp dụng được gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ

Dù gặp khó khăn, các DN dệt may vẫn không thể áp dụng được gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ

Dù gặp khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp vẫn không thể áp dụng được các gói hỗ trợ. Chưa kể, với việc thủ tục phải mất vài ba tháng mới xác nhận xong, khi đó đã qua thời điểm cần hỗ trợ…

“Bó tay” với điều kiện hỗ trợ

Dệt may là một trong số ngành chịu tác động mạnh trực tiếp từ dịch Covid-19 khi thị trường tiêu thụ bị “đóng băng”, 70% đơn hàng xuất khẩu bị tạm hoãn hoặc hủy. Theo báo cáo của Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex), ngay cả khi dịch bệnh toàn cầu được khống chế vào cuối tháng 5, dự kiến Vinatex vẫn sẽ mất khoảng 1.000 tỷ đồng (42,4 triệu USD), gấp đôi lợi nhuận ròng 510 tỷ đồng của Tập đoàn này trong năm 2019. Do đó, đại diện Vinatex nhận định, hơn lúc nào hết, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ là rất cần thiết, liên quan đến sự sống còn của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, chia sẻ với PV Báo Giao thông, bà Phạm Nguyên Hạnh, Phó tổng giám đốc Vinatex xác nhận, tới nay các doanh nghiệp thành viên vẫn không thể áp dụng được gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng dành cho lao động tạm hoãn hay mất việc làm. Bà Hạnh lý giải: “Điều 5 Quyết định 15/2020/QĐ-TTg thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng có nêu, các đối tượng thụ hưởng phải là người làm việc theo hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, lao động tự do bị mất việc làm (50%). Song, một nghịch lý rằng, các doanh nghiệp trong Tập đoàn, nếu để mất việc làm tới 50% thì tương đương với phá sản bởi lao động chính là xương sống của ngành dệt may”.

Tương tự, các gói giảm hay giãn thuế đều chưa thực sự áp dụng được đối với các doanh nghiệp dệt may bởi trong hoạt động sản xuất kinh doanh mức độ giãn, giảm thuế ảnh hưởng không lớn. “Đa phần các doanh nghiệp làm xuất khẩu nên không phải chịu thuế giá trị gia tăng (VAT). Còn đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, trong quý I/2020, việc kinh doanh không có lợi nhuận nên thực chất doanh nghiệp dệt may cũng không được giảm. Ngoài ra, tiền thuê đất chiếm tỷ trọng trong chi phí thấp, nên cũng không tác động được đáng kể khi được gia hạn nộp”, bà Hạnh bày tỏ.

Theo bà Hạnh, quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp dệt may là việc hoãn đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp vì chi phí này chiếm tỷ trọng 20% tổng chi phí toàn doanh nghiệp.

Đối với vấn đề giảm, giãn lãi suất ngân hàng, hiện tại chưa có doanh nghiệp nào trong Vinatex đề nghị ngân hàng hỗ trợ hạ chuẩn cho vay. “Cũng có thể do từ trước tới nay, các các doanh nghiệp trong Tập đoàn luôn ở mức chuẩn tín dụng tốt, được vay lãi suất tốt nên việc đó cũng dễ dàng hơn nếu tình hình có khó khăn hơn”, bà Hạnh nhận định.

Trước thực tế trên, bà Hạnh cho rằng, cần có những giải pháp “mềm” cho từng ngành nghề để tránh bất cập trong tiếp cận gói hỗ trợ, khiến doanh nghiệp phải “bó tay” trước các điều kiện. “Chúng tôi đã kiến nghị với Chính phủ về việc thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất mà doanh nghiệp nào đã nộp cho năm 2019 nên được trừ vào các phí cần đóng như: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn… của năm 2020. Đặc biệt, kiến nghị miễn luôn cho doanh nghiệp việc trả chậm hai loại quỹ hưu trí và tử tuất trong bảo hiểm xã hội bởi trong nhiều năm, doanh nghiệp đã đóng bảo hiểm xã hội rất đầy đủ rồi, nay có khó khăn thì nên miễn để doanh nghiệp dùng tiền đó nuôi công nhân trong hiện tại”, bà Hạnh đề xuất.

“Lên ti vi mà nhận”, tưởng đùa hóa thật!

Không chấp nhận ngồi chờ chết, trong khi nhân viên không có việc làm, ông Nguyễn Hữu Bắc, Chủ tịch Du lịch Phuc Group cũng như nhiều công ty du lịch khác bắt đầu tìm hướng đi mới khi lấn sân sang lĩnh vực xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm Kinh doanh vật liệu xây dựng & Gỗ nội thất An Phát tại Nghệ An. Tuy nhiên, “như người đuối nước bị dìm”, lệnh cách ly xã hội có hiệu lực, mọi hoạt động đều ngưng lại.

Thời gian qua, khá nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, tới nay chỉ có 1 nghị định, 2 thông tư được thực hiện, còn lại mới đang nằm ở việc chỉ đạo chính sách. Đó là chưa kể mức độ hỗ trợ quá nhỏ so với thiệt hại của doanh nghiệp nếu như không muốn nói là manh mún, lặt vặt. Một số điều kiện hỗ trợ không hơp lý, không thực tế, thủ tục phải mất vài ba tháng mới xác nhận xong, khi đó đã qua thời điểm cần hỗ trợ…

TS. Nguyễn Đình Cung (Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế T.Ư)

“Rất vui khi hay tin Chính phủ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp bằng những chính sách như: Giảm lãi ngân hàng, giảm thuế, hỗ trợ tiền... Thế nhưng những hỗ trợ này đến giờ vẫn không đến được doanh nghiệp. Thuế thì vẫn đóng, lãi vay ngân hàng không được giảm, bảo hiểm xã hội thì được nộp chậm chứ không miễn, không giảm gì”, ông Bắc nói và cho hay: Từ 2 tháng trước, tôi có lên làm việc với Phòng LĐ,TB&XH TP Vinh, họ chỉ cho tạm dừng đóng các khoản bảo hiểm xã hội nhưng vẫn phải đóng các gói liên quan đến chế độ thai sản, tử tuất. Tôi có hỏi thêm về hỗ trợ người lao động mất việc làm nhưng phía thành phố trả lời là đang chờ hướng dẫn, hiện mới chỉ hỗ trợ 2 đối tượng hộ nghèo và gia đình chính sách.

May mắn hơn chút, ông Nguyễn Ngọc An, Phó tổng giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour cho hay, người lao động tại đây mới nhận được khoản hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng của UBND TP HCM. “Tháng 5 mới nhận được hỗ trợ của tháng 4 còn tháng 6 vẫn chưa được thông báo nhận khoản của tháng 5. Còn gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính Phủ, Fiditour là đơn vị hoàn thành hồ sơ sớm nhất nhưng cán bộ trên quận nói còn đang chờ hướng dẫn cụ thể, cứ giải quyết gói của địa phương trước, sau này nếu có sẽ bù cho đủ phần thiếu (quy định 1,8 triệu đồng/người/tháng - PV). Tương tự các khoản thuế, hiện địa phương vẫn nói chưa nhận được hướng dẫn cụ thể nên chưa triển khai”, ông An cho biết.

Không kém gì du lịch, ngành vận tải cũng lao đao trước tác động của đại dịch. Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Dương Chí Thanh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý Taxi G7 lắc đầu cười trừ: “Không biết trả lời ra sao! Anh em vẫn nói với nhau “lên ti vi mà nhận”, tưởng đùa mà hóa thật”!

Theo ông Thanh, G7 có hơn 1.400 nhân viên lái xe, tuy nhiên tới nay mới có khoảng 20 người được Sở GTVT Hà Nội hỗ trợ theo diện đối tượng tiếp xúc với nguồn bệnh phải cách ly. “Theo quy định cách ly toàn bộ nhân viên G7 nghỉ làm 22 ngày từ 1 - 22/4, tiếp theo chỉ được phép hoạt động trở lại với công suất 30%. Trước đó trong tháng 2 và tháng 3 công ty đã phải cho nghỉ việc luân phiên. Tuy nhiên, khi đối chiếu theo quy định hỗ trợ, các cơ quan ban ngành nói phải nghỉ việc ít nhất 1 tháng, người lao động mới được nhận hỗ trợ. Ngoài ra trong hồ sơ phải có thỏa thuận dừng hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động, trong khi ngày 1/4 bắt đầu cách ly thì ngày 31/3 mới có quyết định khiến doanh nghiệp trở tay không kịp. Điều kiện không có doanh thu từ ngày 1/1 - 31/3/2020 cũng phi thực tế bởi chúng tôi dù khó khăn vẫn phải hoạt động cầm chừng. So với cùng kỳ năm 2019, doanh thu tháng 3 đạt khoảng 40%, tháng 4 gần như không hoạt động chỉ đạt 3 - 4%, tháng 5 lại tăng được 30%”, ông Thanh nói và chia sẻ: Anh em lái xe chờ mãi không thấy được hỗ trợ cũng thắc mắc tại sao họ đóng bảo hiểm xã hội lại không được hỗ trợ trong khi lao động tự do tại địa phương lại được. Vậy thì có nên tham gia đóng bảo hiểm xã hội nữa hay không?.

Về chính sách tạm hoãn đóng bảo hiểm xã hội, ông Thanh cho rằng, “có cũng như không”. “Muốn chốt sổ hay thêm sổ mới cho nhân viên, quy định vẫn phải nộp đủ 100% bảo hiểm, vậy nên công ty lại phải cố ứng tiền để đóng. Vậy nên nói là hoãn nhưng thực chất vẫn không được chậm ngày nào”, lãnh đạo G7 chia sẻ.

Liên quan tới các khoản thuế, phí ông Thanh cám cảnh: “Phí bảo trì đường bộ đã đóng từ trước nhưng vẫn chưa rõ sẽ được truy thu hay kéo dài thời gian sử dụng; Hay việc giảm 50% phí trước bạ cũng vô ích bởi xe cũ còn đang phải nằm ở bến chưa chạy hết, lấy đâu ra tiền mua xe mới để được hưởng. Lãi suất ngân hàng thì mỗi nơi một phách, có nơi không giảm, có nơi chỉ hứa sẽ nghiên cứu… nhưng nhìn chung vẫn chưa thấy giảm”.

Qua đây, ông Thanh bày tỏ mong chính sách của cơ quan nhà nước “sát thực tế hơn”. “Chính sách hỗ trợ cứ khơi khơi vậy thôi chứ không thể tới tay doanh nghiệp. Ngay cả cán bộ ban ngành hướng dẫn cũng lúng túng như gà mắc tóc bởi không có hướng dẫn chi tiết. Trong khi đó, hoạt động tại các doanh nghiệp lại phát sinh nhiều đặc thù, khó có thể đáp ứng các điều kiện chung chung trong gói hỗ trợ. Thủ tục khá nhiêu khê, rắc rối khiến doanh nghiệp cứ phải chạy qua chạy lại tốn thời gian và nhân lực”, ông Thanh nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Nhiều người thất nghiệp dùng tiền hỗ trợ Covid-19 để làm những việc không ai ngờ

Nhiều người ở Mỹ gần đây đã bắt đầu nhận được tiền hỗ trợ thất nghiệp trong đợt dịch bệnh này với số tiền...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm PV ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN