Nhà sáng lập ACB Trần Mộng Hùng qua đời
Ông Trần Mộng Hùng, nhà sáng lập và là bố của Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy, qua đời ở tuổi 72.
Ông Trần Mộng Hùng, Tổng giám đốc đầu tiên của Ngân hàng Á Châu (ACB) vừa từ trần ngày 25/4/2024, hưởng thọ 72 tuổi. Linh cữu ông được quàn tại tư gia số 469, tổ 19, ấp Lương Lễ, xã Mỹ Lương, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Ông Hùng sinh năm 1953, là cử nhân chuyên ngành Ngân hàng tại Trường Đại học Kinh tế TP HCM. Ông là banker kỳ cựu và được ví như linh hồn của ngân hàng này. Ông giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB giai đoạn 1994 - 2008.
Đến năm 2008, ACB mời nguyên Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu Tư Trần Xuân Giá làm chủ tịch ngân hàng. Bốn năm sau đó, nhà băng này gặp khủng hoảng khi một số lãnh đạo vướng lao lý.
Trong tình thế khó khăn này, tháng 9/2012, con trai ông Hùng là Trần Hùng Huy (năm ấy 34 tuổi), được bầu làm Chủ tịch ACB để lèo lái ngân hàng. Cùng lúc này, ông Hùng cũng quay lại Hội đồng quản trị Ngân hàng Á Châu để đồng hành cùng con trai.
Sau năm 2018, nhà sáng lập ACB rút khỏi Hội đồng quản trị và giữ cương vị Phó chủ nhiệm Ủy ban Quản lý rủi ro của nhà băng này cho tới 2023. Bà Đặng Thu Thủy - vợ ông, cũng làm việc tại ACB từ khi nhà băng mới thành lập và nắm nhiều chức vụ quan trọng. Bà là thành viên Hội đồng quản trị nhà băng từ 2011 đến nay.
Ông Trần Mộng Hùng, nhà sáng lập Ngân hàng Á Châu (ACB). Ảnh: ACB
Trong hơn 30 năm ACB hoạt động, ông Trần Mộng Hùng được biết đến như một lãnh đạo có tầm nhìn xa với tinh thần kinh doanh thượng tôn pháp luật, thực tiễn và hiệu quả.
Theo ACB, ông Hùng điều hành bằng sự thận trọng, đặt tính minh bạch lên hàng đầu. Điều này trở thành phương thức kinh doanh đặc trưng, giúp ngân hàng hoạt động hiệu quả, vững vàng trong mọi bối cảnh.
Ông cũng dẫn dắt nhà băng này vượt qua những giai đoạn khó khăn bằng sự lãnh đạo kết hợp hài hòa giữa ba quan điểm về quản trị, văn hóa doanh nghiệp và phát triển con người.
Theo đuổi triết lý "con người là quan trọng nhất", cựu Chủ tịch Trần Mộng Hùng đặt nền tảng cho phong cách quản trị nhân sự mà ACB thực thi. Sự quan tâm sâu sắc của ông với phát triển con người đã tạo ra các thế hệ lãnh đạo kế thừa tài năng cùng đội ngũ nhân viên chất lượng, trung thành. Đây cũng là điểm khác biệt, lợi thế cạnh tranh lớn nhất của ngân hàng cho đến nay.Năm ngoái, ACB đạt lợi nhuận kỷ lục hơn 20.000 tỷ đồng, nằm trong top 10 nhà băng lãi cao nhất hệ thống. Không tính nhóm nhà băng quốc doanh, ngân hàng đứng thứ ba trong bảng xếp hạng nhà băng tư nhân có lợi nhuận cao nhất. Riêng quý đầu năm nay, ngân hàng này lãi gần 4.900 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước do hạ lãi từ hoạt động phi tín dụng và tăng trích lập dự phòng rủi ro.
Một số ngân hàng tiếp tục cảnh báo nhiều thủ đoạn lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.
Nguồn: [Link nguồn]