Rõ ràng, cơn sốt mua bán cổ phiếu trong thời dịch ngày càng lan rộng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên, thực tế liệu có phải ai xuống tiền đầu tư vào thị trường này cũng thắng và mức thanh khoản có thực sự bền vững?
Anh Hoàng Văn Tuấn – một nhà đầu tư kỳ cựu tại Hà Nội cho biết, thị trường chứng khoán được xem là lĩnh vực đòi hỏi có chuyên môn cao, nếu không có sự nghiên cứu và hiểu biết thì thất bại sẽ nhanh chóng đến với nhà đầu tư cá nhân. Trong thời gian qua, nhiều nhà đầu tư cá nhân đã ghi nhận những khoản lãi lớn khi “bắt dao rơi”, nhưng cũng có không ít người bị “đứt tay” với quyết định xuống tiền của mình.
Anh Tuấn chia sẻ trong 1 tháng gần đây nhóm đầu tư của anh đã thắng lớn khi “bắt dao rơi” với cổ phiếu TCH và nắm giữ những cổ phiếu khác như ASM, GEX hay PLP. Trong đó, ấn tượng nhất là đà tăng của TCH sau một thời gian dài liên tục giảm khiến nhiều nhà đầu tư chán nản, chấp nhận cắt lỗ để “đảo hàng”.
Bản thân anh và những người bạn trong nhóm đầu tư đã xuống tiền mua gần 700.000 cổ phiếu TCH khi giá giảm về vùng giá 16.x và 17.x trong giai đoạn nửa cuối tháng 10/2021. Với quyết định “bắt dao rơi”, chỉ chưa đầy một tháng xuống tiền đầu tư, anh và một số người bạn của mình đang ghi nhận mức lãi hơn 48% từ khoản đầu tư khi giá cổ phiếu TCH đóng cửa ngày 18/11 với mức tăng lên 25.450 đồng/cổ phiếu. Ngoài ra, nhà đầu tư người Hà Nội này cũng cho biết khoản đầu tư vào những mã cổ phiếu như ASM và HHS của mình ghi nhận mức lãi trên 60% so với số vốn bỏ ra.
Theo anh Tuấn, cùng với những kênh đầu tư khác như vàng, BĐS, gửi tiết kiệm thì đầu tư vào chứng khoán cũng đã cho anh nhiều thứ, trong đó mức sinh lời vượt trội hẳn so với gửi tiết kiệm hay đầu tư vàng.
Nhà đầu tư kỳ cựu này chia sẻ nhiều cổ đông ngành thép đang bị “đứt tay” khi quyết định xuống tiền “bắt dao rơi” trong những phiên giao dịch gần đây. Trên nhiều diễn đàn, hội nhóm đầu tư chứng khoán, đà lao dốc của cổ phiếu ngành thép luôn được bàn luận sôi động.
Chị Ngọc Hà, một nhà đầu tư đến từ Thanh Hóa chia sẻ đà lao dốc của cổ phiếu thép đang ăn mòn phần lợi nhuận của những cổ phiếu khác trong danh mục đầu tư của mình.
Theo chị Hà, đà giảm mạnh của các cổ phiếu thép bắt nguồn từ giữa tháng 10 đến nay, nhiều cổ phiếu đã rớt giá mạnh so với đỉnh được thiết lập. Trong đó kết thúc phiên giao dịch ngày 19/11, HPG đã mất giá hơn 16% từ đỉnh 58.000 đồng/cổ phiếu, HSG giảm hơn 24% từ đỉnh 49.850 đồng/cổ phiếu, NKG giảm gần 27% từ đỉnh 55.700 đồng/cổ phiếu… Với mặt bằng giá mới này, những cổ đông mua cuối tháng 10 và đầu tháng 11 vẫn ở rất "xa bờ".
Cùng với đà tăng nóng của nhiều cổ phiếu nhỏ thời gian qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến sự rung lắc mạnh trong phiên giao dịch ngày 19/11 khi có thời điểm chỉ số VNINDEX giảm tới 35,05 điểm khi xuống còn 1434,78 điểm trước khi bật tăng trở lại để đóng cửa ở mức 1452,35 điểm, tương đương giảm 17,48 so với giá tham chiếu 1469,83 điểm.
Theo thống kê, quy mô nhà đầu tư đến cuối tháng 10/2021 đạt hơn 3,82 triệu tài khoản, tương đương 3,9% quy mô tổng dân số với số mở mới riêng trong 10 tháng đầu năm 2021 đã là 1,09 triệu tài khoản và riêng tháng 10, có đến hơn 130.000 tài khoản mở mới. Tuy nhiên, con số này chỉ phản ánh lượng tài khoản mà không thể hiện thực tế số lượng nhà đầu tư trên thị trường.
Lãnh đạo một số công ty chứng khoán cho rằng mới chỉ 1% người dân mở tài khoản hoạt động trên thực tế. Với hơn 1% dân số tham gia mà giá trị giao dịch có những phiên vượt 2 tỷ USD, cho thấy tiềm năng ở trong dân rất lớn.
Đánh giá về thị trường chứng khoán Việt Nam thời điểm này, anh Hoàng Hảo một nhà đầu tư với hơn 3 năm kinh nghiệm đến từ Nghệ An cho rằng, với số lượng nhà đầu tư ngày càng tăng mạnh, người dân Việt Nam ngày càng quan tâm nhiều hơn và nhận thấy chứng khoán là kênh đầu tư hấp dẫn thì số lượng tài khoản mở mới sẽ còn tiếp tục tăng mạnh, có khả năng lên mức 5 triệu tài khoản trong vòng hai năm tới. Chỉ số Vnindex hoàn toàn có thể đạt mốc 2.000 điểm.
Theo anh Hảo, thời điểm này, các nhà đầu tư nên chốt lời những mã cổ phiếu tăng nóng, thị giá đã vượt rất xa giá trị thật. Xoay chuyển dòng vốn sang mua những mã cổ phiếu cơ bản, có kết quả kinh doanh tốt và triển vọng có lợi nhuận tốt trong thời gian tới, thị giá đang rẻ so với mặt bằng chung của thị trường và đang hấp dẫn so với tiềm năng tăng trưởng như HPG, HSG, HDG, ASM, GIL, TCH v.v... và một số mã dòng ngân hàng như CTG, ACB, TCB... Trong đó, anh nhấn mạnh, những nhà đầu tư có chiến lược nắm giữ cổ phiếu dài hạn thì nên đầu tư vào những mã blue chip đầu ngành như: VIC, HPG, VHM, VCB, CTG...
Vậy, sự thật, mức thanh khoản hiện nay có bền vững hay không đang là câu hỏi được nhiều người quan tâm?
Ngày 19/11 vừa qua là phiên thứ 18 thanh khoản thị trường chứng khoán ở mức cao, đạt trung bình 35.000 tỷ đồng/phiên, có những phiên đột biến trên 50.000 tỷ đồng.
Trong số đó, theo thống kê từ các công ty chứng khoán, nhà đầu tư cá nhân chiếm đến 85% giá trị giao dịch. Nguồn tiền chủ đạo trước hết đến từ nguồn tiền nhàn rỗi của các cá nhân.
Giả sử chỉ 70% số tài khoản đó hoạt động, mỗi tài khoản bỏ vào 100 triệu đồng, riêng trong năm nay, số tiền tăng thêm là 70.000 tỷ đồng. Điều đáng nói, tiền nhàn rỗi đã có sự dịch chuyển đến từ kênh tiết kiệm.
"Doanh thu của chúng tôi một năm trung bình khoảng 5 - 6 tỷ đồng. Bây giờ lãi suất tiền gửi rất thấp. Trong thời buổi dịch bệnh khó khăn, chúng tôi quyết định cắt 40% doanh thu ra để đầu tư chứng khoán theo dạng lướt sóng nhiều hơn là dạng an toàn", anh Đức Kim Cường, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư NiO, chia sẻ.
Điều này càng thấy rõ hơn khi nhìn vào tiền gửi tiết kiệm cá nhân trong hệ thống ngân hàng đã giảm từ mức hơn 12% năm 2020, đến tháng 9 năm nay chỉ còn 3,6%, thấp hơn đến hơn 50% so với cùng kỳ năm 2020.
"Những cá nhân, hộ kinh doanh đang gặp khó khăn vì dịch bệnh đã chuyển một phần nguồn tiền dự kiến phục vụ cho sản xuất kinh doanh sang chứng khoán để tìm kiếm mức sinh lời", anh Nguyễn Trọng Đình Tâm, chuyên gia cao cấp Chiến lược đầu tư - SSI Research, cho biết.
Đôi khi dòng tiền còn được dùng đòn bẩy. Nhà đầu tư lãi từ chứng khoán đã tìm cách quay vòng dòng vốn.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa hồi kết, chứng khoán không chỉ là kênh dẫn vốn giúp doanh nghiệp hồi phục hoạt động kinh doanh, mà còn là nơi kiếm ra lợi nhuận hấp dẫn cho giới đầu tư. Song, theo nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm, dù cơ hội còn nhiều nhưng, nhà đầu tư cần tỉnh táo và cẩn trọng.
“Thị trường giai đoạn này nếu tham gia các cổ phiếu "nóng" không khác gì trò chơi may rủi. Nếu là nhà đầu tư dài hạn, nên tỉnh táo chọn những cổ phiếu tăng trưởng tốt để đầu tư dài hơi” - anh Đỗ Thành Trung – một nhà đầu tư cá nhân tại Hà Nội cho hay.
Theo nhà đầu tư này, việc trang bị kiến thức và lựa chọn phương pháp đầu tư phù hợp với bản thân là cách để kiếm lợi tốt nhất trên thị trường chứng khoán.
“Đừng nên nghe lời ông nọ bà kia dù họ có là chủ tịch doanh nghiệp, bởi bản chất của đầu tư chứng khoán là lấy tiền từ túi người khác. Hãy luôn nhớ, không có bữa trưa nào là miễn phí!” – anh Trung nói thêm.
Tương tự, theo ông Nguyễn Thế Minh, rủi ro đã hình thành trên thị trường chứng khoán khi điểm mua ở nhóm cổ phiếu đầu cơ đã đi qua và định giá được đẩy lên quá cao, mà bản chất sóng đầu cơ nóng thì bao giờ cũng nhanh chóng kết thúc.
Sự tăng nóng trên thị trường chứng khoán thời gian gần đây được phân hóa rất rõ, tập trung ở một vài nhóm cổ phiếu, chứ không phải toàn bộ cổ phiếu các ngành đều tăng. Trong đó, dòng tiền chủ yếu tập trung vào nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, mà phần lớn là nhóm cổ phiếu bất động sản có tính chất đầu cơ cao. Thực trạng của đợt sóng này cho thấy sóng đầu cơ quá nhanh, dẫn đến giá trị cổ phiếu tăng cao so với giá trị thực. Trong khi đó, quý 3 vừa qua, các doanh nghiệp bất động sản bị thiệt hại nặng nề. Cùng với đó là việc nhà đầu tư mua vào chỉ mang tính kỳ vọng là chính, nên định giá của các cổ phiếu bất động sản rơi vào vị thế nóng, phản ánh vào tính chất đầu cơ nhiều hơn là đầu tư dựa trên câu chuyện tăng trưởng.
Các nhà đầu tư chỉ cần không thận trọng và còn tham lam trong thời điểm này thì rất e ngại đến một lúc nào đó sẽ bị “úp bô” và kẹt hàng không bán được.
Theo ông Lê Văn Lâm, Chuyên viên phân tích Công ty chứng khoán VND, mỗi thời thế khác nhau thị trường rất khác nhau. Thị trường 2021 chúng ta không hề giống ở giai đoạn cũ khi mức độ phát triển cấp cao hơn.
“Với người mới tham gia, hãy đầu tư sớm nhất có thể với số tiền ít nhất, vì kênh chứng khoán được dự báo sẽ tiếp tục là sân chơi “khủng” trong các năm tới. Trong khi đó, với đầu tư thì NĐT không nên để ý biến động quá nhiều hằng ngày mà để ý đến vĩ mô ngành, doanh nghiệp, phân tích lợi thế và bất lợi của tương lai để chọn ngành và cổ phiếu có tiềm năng.
Không nhầm lẫn giữa đầu tư và đầu cơ, không nhầm lẫn giữa cổ phiếu tốt và doanh nghiệp tốt bởi nó khác nhau. Cổ phiếu tốt là cổ phiếu mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư và chọn được điểm vào tốt là điều tuyệt vời. Khác với doanh nghiệp kinh doanh tốt nhưng mua sai thời điểm giá đã phản ánh hoàn toàn có thể lỗ là điều dễ thấy giai đoạn hiện nay”... – ông Lâm nói.
Dưới góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, phát biểu tại một cuộc tọa đàm về phát triển thị trường chứng khoán được tổ chức trong tuần vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết: Bộ Tài chính đang cùng các Bộ ngành, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng về chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định, sẽ thực thi tốt chính sách pháp luật, đảm bảo thị trường vận hành an toàn lành mạnh. Ủy ban chứng khoán đang tiếp tục xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành trong kiểm tra, xử lý vi phạm, đảm bảo công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi chính đáng của tất cả các bên tham gia thị trường chứng khoán; tiếp tục xây dựng các tiêu chí giám sát phù hợp hơn nhằm tăng cường giám sát, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm…