Nhà máy trăm tỉ đắp chiếu vì vướng… thủ tục

Nhiều doanh nghiệp bỏ tiền khủng ra đầu tư xây dựng nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm đang dở khóc dở mếu do vướng thủ tục.

Nhiều chủ đầu tư nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn TP.HCM liên tục kêu cứu trước những khó khăn khi triển khai dự án do vướng mắc về thủ tục. Trong đó, không ít dự án bị ách tắc hàng chục năm trời khiến chủ đầu tư kiệt sức. Thậm chí, nhiều dự án đầu tư hàng trăm tỉ đồng nằm bất động, đứng bên bờ vực phá sản. 

Chờ 14 năm vẫn chưa xong 

Hai chữ chờ đợi dường như đã hằn sâu trong những nếp nhăn trên khuôn mặt của ông Bạch Đăng Quang, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Tân Hiệp, chủ đầu tư Nhà máy chế biến thực phẩm Tân Hiệp ở huyện Hóc Môn (TP.HCM), suốt mười mấy năm qua. 

“Tôi đã ấp ủ xây dựng dự án này với nhiều tâm huyết, mong muốn người dân có nguồn thịt sạch, an toàn được giết mổ trong lò công nghiệp, được kiểm soát chặt chẽ vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Nhưng hết vướng thủ tục này lại đến thủ tục nọ, giờ thì đến chuyện thiếu… con đường nên dự án vẫn phải chờ đợi” - ông Quang ngậm ngùi. 

Ông Quang kể cách nay 14 năm, tức từ năm 2004, cơ quan chức năng khảo sát dự án nhà máy, đến năm 2006 lập hội đồng bồi thường và năm 2008 hoàn tất hồ sơ làm thủ tục giao đất. Nhưng từ năm 2008 đến 2012, dự án nhà máy vẫn không xong phần quy hoạch. Sự chậm trễ do thủ tục hành chính đã gây ra nhiều thiệt hại về vật chất, tinh thần, làm mất cơ hội kinh doanh của công ty.

Chẳng hạn, hệ thống xử lý nước thải đã được cấp phép nhưng sau vài năm do nhà máy chưa khởi công nên theo quy định, doanh nghiệp lại phải làm đơn xin cấp phép lại. Có khi chỉ một hạng mục phải xin đi xin lại nhiều lần, bổ sung nhiều lần. Đó là chưa kể rất nhiều thủ tục như giấy phép quy hoạch, đồ án quy hoạch, đánh giá tác động giao thông công trình…

Máy móc, thiết bị nhập khẩu hàng chục tỉ đồng của Công ty An Hạ phủ đầy bụi mấy năm nay vì dự án vướng... con mương. Ảnh: QUANG HUY

Máy móc, thiết bị nhập khẩu hàng chục tỉ đồng của Công ty An Hạ phủ đầy bụi mấy năm nay vì dự án vướng... con mương. Ảnh: QUANG HUY

Chờ tới năm 2013 mới xong được phần thủ tục thu hồi điều chỉnh ranh đất để lập quy hoạch, dự án lại bị thu hồi lại 4,7 ha đất dù diện tích này đã được HTX bồi thường. Tiếp đến, trong quá trình làm quy hoạch hợp thửa để tính tiền sử dụng đất lại bị vướng diện tích đất công. Đến tận năm 2017 mới xong thủ tục lập được quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án này. 

Đến khi HTX bắt đầu triển khai thì lại thiếu con đường ra vào nhà máy. Cụ thể, HTX phải tự bỏ tiền tỉ ra cải tạo con đường nhỏ ven sông. Sau khi có đường tự làm, HTX làm đơn xin đấu nối vào trục đường chính do Nhà nước đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, HTX gửi đơn xin đấu nối giao thông với Sở GTVT, sở chuyển xuống huyện. Tại buổi làm việc mới đây, đại diện UBND huyện cho biết đã làm tờ trình gửi UBND TP chờ xem xét. 

Như vậy, con đường của dự án Nhà máy chế biến thực phẩm Tân Hiệp vẫn nằm chờ được đấu nối mới có thể hoàn tất thủ tục triển khai dự án và lưu thông. Trong khi đó, nếu đúng theo kế hoạch ban đầu, HTX đã đưa nhà máy vào hoạt động từ cuối năm 2018. 

“Tính từ thời điểm tiến hành bồi thường năm 2006 thì đến nay mất 14 năm trời, nhà máy vẫn nằm chờ hoàn thiện thủ tục. Thiệt hại của chúng tôi là rất lớn. Đến bây giờ, chi phí đầu tư dự án nhà máy khoảng 80 tỉ đồng. Đó là chưa tính các khoản chi phí đầu tư vào triển khai các hạng mục của dự án, tính chung ngót nghét cả trăm tỉ đồng. Chúng tôi rất mệt mỏi” - ông Quang ngao ngán.

Loạt nhà máy ỳ ạch vì thủ tục

Sở NN&PTNT TP.HCM cho biết: Theo kế hoạch, đến ngày 31-12-2020 sẽ đưa vào hoạt động ba nhà máy giết mổ heo công nghiệp hiện đại trên địa bàn. Tuy nhiên, đến nay chỉ có mỗi nhà máy Xuân Thới Thượng ở huyện Hóc Môn đi vào hoạt động. Hai nhà máy còn lại vẫn chưa xong thủ tục pháp lý, khó đi vào hoạt động đúng như kế hoạch. 

Ngoài ra, dự kiến đến ngày 31-12-2021 sẽ đưa vào hoạt động sáu nhà máy giết mổ công nghiệp. Song hầu hết nhà máy trên đều vướng thủ tục pháp lý nên tiến độ thực hiện dự án bị chậm. 

Nhà máy hơn trăm tỉ lo phá sản 

Không chỉ dự án Nhà máy chế biến thực phẩm Tân Hiệp, một số dự án khác nằm trong kế hoạch hiện đại hóa ngành giết mổ gia súc, gia cầm của TP.HCM cũng đang gặp khó khăn về thủ tục. Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH An Hạ, cho biết công ty đã bỏ hơn 100 tỉ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng nhà máy và nhập hàng loạt máy móc về rồi nhưng đành đắp chiếu, phủ đầy bụi bặm. 

Cụ thể, dự án Nhà máy giết mổ gia súc Xuyên Á (Củ Chi) do Công ty An Hạ triển khai ba năm qua theo chủ trương kêu gọi đầu tư của UBND TP.HCM. Thế nhưng, do khu đất dự án chỉ vướng một con mương và đường bờ với diện tích chưa đến 390 m2 trong tổng số gần 30.000 m2 (3 ha) nên công ty không thể nhận được quyết định bàn giao đất để xây dựng.

Nghịch lý là đường bờ nằm dọc và mương nước nằm ngang trên suốt phần đất dự án nên công ty phải sử dụng luôn phần đất này khi xây dựng nhà máy giết mổ. Diện tích con mương rất nhỏ so với diện tích dự án, không thể đấu giá cũng như đưa vào sử dụng cho mục đích nào khác. 

Con đường độc đạo của dự án Nhà máy chế biến thực phẩm Tân Hiệp vẫn nằm chờ được đấu nối. Ảnh: QUANG HUY

Con đường độc đạo của dự án Nhà máy chế biến thực phẩm Tân Hiệp vẫn nằm chờ được đấu nối. Ảnh: QUANG HUY

Bà Thắm kể đã làm không biết bao nhiêu đơn từ kêu cứu cơ quan chức năng và UBND TP đề xuất thuê lại phần đất công để sớm hoàn tất thủ tục giao đất. Mới đây, ngày 14-9, Sở TN&MT TP.HCM có văn bản trình UBND TP.HCM xem xét, quyết định cho công ty thuê đất để xây dựng Nhà máy giết mổ gia súc và chế biến thực phẩm An Hạ.

Thế nhưng, Sở TN&MT lại đưa vào nội dung hình thức sử dụng đất như sau: Thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm. Từ đề xuất này, ngày 14-10-2020, UBND TP.HCM có quyết định cho công ty thuê đất với hình thức sử dụng đất là đóng tiền thuê đất hằng năm.

“Quyết định này làm khổ chúng tôi thêm lần nữa vì nếu trả tiền thuê đất hằng năm tức là chúng tôi không thể đem dự án thế chấp ngân hàng lấy vốn để xây dựng hoàn thiện nhà máy. Trong khi để làm cơ sở hạ tầng và nhập khẩu máy móc, An Hạ đã phải bỏ ra hơn 100 tỉ đồng từ năm 2018” - bà Thắm buồn rầu chia sẻ.

Bà Thắm tiếp tục nhiều lần gặp các cơ quan chức năng để chỉ ra quy định của luật đất đai cho phép dự án của công ty được thuê đất trả tiền một lần nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Tại buổi làm việc mới đây với Sở NN&PTNT TP.HCM, bà Thắm phản ánh những vướng mắc trên. Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT, đã đề nghị đại diện Sở TN&MT giải đáp. Tuy nhiên, người đại diện cho biết chỉ là người đi họp thay nên không có thẩm quyền quyết định và thông tin lại sở này sẽ có cuộc họp về vấn đề này. 

“Chúng tôi đã kiệt sức vì mỗi tháng trả lãi cả tỉ đồng từ năm 2018 đến nay. Nếu không được thế chấp dự án để vay vốn hoàn thiện nhà máy và đưa vào hoạt động thì buộc phải phá sản. Chúng tôi muốn đúng theo quy định của pháp luật mà cũng không được” - bà Thắm bức xúc.

Đồng quan điểm, một số chủ đầu tư khác cũng khẳng định họ không cần Nhà nước ưu đãi vốn, không cần hưởng lãi suất hỗ trợ mà chỉ mong được các cơ quan, ban, ngành làm đúng quy định của pháp luật, giải quyết nhanh chóng thủ tục để họ có thể đưa dự án vào hoạt động.

Cam kết gỡ khó cho từng dự án cụ thể 

Ông Đàm Văn Hoạt, Giám đốc Công ty TNHH Thịt an toàn và dinh dưỡng (Nutri-Meat), cho biết: Từ tháng 11-2018, công ty trúng đấu giá tài sản tại xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi của Công ty TNHH Phạm Tôn. 

Đến tháng 5-2020, UBND TP.HCM ra quyết định chấp thuận Công ty Nutri-Meat thay thế Công ty Phạm Tôn để đầu tư xây dựng nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm tại địa chỉ nói trên. Thế nhưng từ đó đến nay, Nutri-Meat vẫn chưa được các sở, ngành liên quan giải quyết thủ tục pháp lý để đầu tư vào dự án. 

Vì vậy, ông Hoạt đề nghị các cơ quan, ban, ngành sớm giải quyết các thủ tục pháp lý để công ty thực hiện đầu tư dự án. Riêng phần thuế mà Công ty Phạm Tôn chưa nộp ngân sách (chu kỳ năm năm đầu), công ty sẽ trả thay cho họ. 

“Nếu các cơ quan quản lý và Nhà nước không chấp thuận cho đầu tư làm nhà máy nữa thì cũng cho chúng tôi sang tên sổ đất và chuyển sang mục đích khác nhằm tránh thất thoát, lãng phí nguồn tài nguyên đất, giúp thu hồi vốn cho công ty đầu tư vào khu đất bị bỏ hoang phí cả mấy năm nay” - ông Hoạt nói.

Liên quan đến dự án này, ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM, cho biết sẽ trao đổi với Sở Tư pháp TP.HCM, trình UBND TP và sớm có thông tin đến nhà đầu tư. “Còn với những khó khăn của từng doanh nghiệp cụ thể, chúng tôi sẽ có tổ công tác làm việc với các sở, ban, ngành liên quan để tìm cách tháo gỡ và báo cáo với UBND TP” - ông Hiệp nói. 

Nguồn: [Link nguồn]

Đang mùa lũ, 1 nhà máy thuỷ điện được rao bán gần 1.400 tỉ

Dù chỉ việc tích nước, phát điện, nhưng kinh doanh thua lỗ buộc chủ đầu tư phải rao bán nhà máy thuỷ điện giá ngàn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo QUANG HUY ([Tên nguồn])
Kinh doanh đa cấp Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN