“Nhà hàng ma” bùng nổ: Tiền lãi chảy vào túi như nước nhờ bắt kịp xu thế
Không có mặt tiền cửa hàng, các “nhà hàng ma” mọc lên như nấm do mang lại ít rủi ro hơn cho những người sở hữu và kinh doanh, đặc biệt là khi tận dụng dịch vụ giao hàng nhanh trong thời đại 4.0.
Các nhà hàng ảo, hay còn gọi là “nhà hàng ma” giá rẻ đang mở ra trên khắp châu Á. Điều này được thúc đẩy bởi sự bùng nổ trong ngành cung cấp thực phẩm trực tuyến cùng tình trạng các doanh nhân kinh doanh thực phẩm nản lòng trước rủi ro liên quan đến cửa hàng.
Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và các nước trong khu vực đã chứng kiến sự gia tăng các nhà hàng "ma" này, không có mặt tiền cửa hàng và chỉ phục vụ bằng cách giao hàng. Chi phí đầu tư cao và tỷ lệ thất bại liên quan đến các nhà hàng phục vụ tại chỗ, cũng như tình trạng thiếu nhân công phục vụ, đã khiến sự phát triển của “nhà hàng ma” ngày càng mạnh mẽ.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Đức Statista, thị trường phân phối thực phẩm trực tuyến toàn cầu hiện có trị giá 95 tỷ USD, được dự đoán sẽ tăng hơn 11% mỗi năm. Sự gia tăng nổi bật nhất nằm ở châu Á, nơi thị trường giao hàng thực phẩm trực tuyến ước tính khoảng 53 tỷ USD, chiếm hơn 50% trị giá nhu cầu toàn cầu.
Với dịch vụ giao hàng trực tuyến, nhiều cửa hàng có thể sử dụng chung một bếp chế biến (Nguồn: Nikkei)
Dữ liệu cho thấy các gia đình châu Á đang ngày càng lười rời khỏi nhà để đi đến quán ăn. Báo cáo của Cushman-Wakefield cho biết thị trường nhà hàng truyền thống ở châu Á tăng trưởng 10% mỗi năm từ năm 2006 đến 2016, nhưng sẽ giảm khoảng 7,5% mỗi năm từ nay đến năm 2026.
Nhà hàng ma, hay còn gọi là bếp chung, đang khai thác xu hướng này. Tại Trung Quốc, giao hàng thực phẩm đang phát triển với tốc độ nhanh nhất trong mọi thị trường, với trị giá hơn 37 tỷ USD và có xu hướng mở rộng nhanh chóng.
Phong trào này giờ lan đến các thành phố châu Á. Công ty nghiên cứu người dùng NPD Group cho biết, 63% người dân Trung Quốc sử dụng các trang web và ứng dụng giao đồ ăn, cao hơn nhiều so với mức 36% ở Nhật Bản và 27% tại Hàn Quốc.
Các nhà hàng ma đang phát triển trên khắp châu Á (Nguồn: Nikkei)
Phong trào này cũng đang nở rộ tại Ấn Độ, nhất là ở các đô thị lớn, nơi người tiêu dùng có am hiểu về công nghệ và dịch vụ đặt đồ ăn trực tuyến. Công ty công nghệ Uber Eats tuyên bố hợp tác với chuỗi Cafe Coffee Day của Ấn Độ vào tháng 10 để ra mắt một mạng lưới các nhà hàng chỉ giao đồ ăn trực tuyến.
Tiêu biểu tại Ấn Độ, “Nhà hàng ma” BOX8, được thành lập vào năm 2012, phục vụ hơn 22.000 suất ăn trên khắp các thành phố như Mumbai, Pune và Bangalore. Những công ty khác cũng đang cố tranh giành miếng bánh màu mỡ của thị trường này là Curry Me Up và Kadhai House.
Trong khi đó tại Nhật Bản, Công ty khởi nghiệp Sentoen có kế hoạch mở bếp chung tại khu vực Meguro (Tokyo) vào tháng tới. Bốn bếp sẽ cho phép 8 nhà hàng hoạt động, bao gồm 4 nhà hàng hoạt động ban ngày và 4 nhà hàng phục vụ ban đêm. Tất cả đều sử dụng dịch vụ giao đồ ăn nhanh và không có mặt bằng cửa hàng tại chỗ.
“Nhà hàng ma sẽ tiếp tục phát triển, đặc biệt là ở Nhật Bản. Với tình trạng dân số ngày càng già đi, nhiều chủ cửa hàng cũ muốn rút ngắn thời gian hoạt động hoặc đóng cửa cửa hàng vì vấn đề sức khỏe. Thuê không gian sẽ là một cách tuyệt vời để kiếm thêm thu nhập”, nhà sáng lập dịch vụ giao đồ ăn Nokisaka nhận định.
Thời đại 4.0, nhiều chuỗi nhà hàng thu được lợi nhuận khủng nhờ kinh doanh qua các ứng dụng giao đồ ăn.