Nhà đầu tư xây cầu theo hợp đồng BT 200 tỷ, được giao mảnh đất 2.000 tỷ đồng?
Theo ông La Văn Thịnh, Cục trưởng Cục tài sản công (Bộ Tài chính), Nghị định 69/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/10 tới được kỳ vọng sẽ khắc phục triệt để các sai phạm trong việc sử dụng đất công để đổi lấy hạ tầng trước đây. Nó sẽ giải quyết được tình trạng, nhà đầu tư xây một cây cầu theo hợp đồng BT 200 tỷ đồng mà được giao mảnh đất 2.000 tỷ đồng.
Ông La Văn Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính).
Ngày 15/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Nghị định 69/2019/NĐ-CP quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (dự án BT).
Ngay sau đó, ông La Văn Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) đã có những trao đổi với báo chí xung quanh việc thanh toán dự án BT theo quy định mới.
Thời điểm trước khi Nghị định 69/2019/NĐ-CP ra đời, một trong những vấn đề nan giải nhất đối với các cơ quan quản lý Nhà nước là giải quyết để các nhà đầu tư, doanh nghiệp vẫn phát triển các công trình hạ tầng hoàn thành theo đúng mục tiêu, nhưng cũng phải quy định chặt chẽ để Nhà nước tránh thất thoát. Bởi trên thực tế, từng xuất hiện tình trạng giá trị công trình BT và quỹ đất được giao chưa ngang giá.
Ông La Văn Thịnh đưa ra ví dụ: “Khi nhà đầu tư xây dựng công trình BT là bờ ven bãi sú hoang vu, nhưng sau đó được đầu tư, thậm chí chỉ là thông tin quy hoạch, lập tức giá thị trường tăng lên. Trường hợp này, nếu xử lý thiếu léo khéo sẽ gây tổn hại cho nhà đầu tư. Song nếu không xem xét cụ thể sẽ gây thất thoát cho Nhà nước nếu phải thanh toán dự án BT. Trong trường hợp này phải xử lý hài hòa quyền và lợi ích của Nhà nước, nhưng không được làm triệt tiêu động lực của nhà đầu tư".
Trước những lỗ hổng tồn tại trong thực tế khi thanh toán dự án BT, Nghị định 69/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/10 tới được kỳ vọng sẽ khắc phục triệt để các sai phạm trong việc sử dụng đất công để đổi lấy hạ tầng trước đây.
Về nguyên tắc thanh toán dự án BT bằng tài sản công, việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT được thực hiện theo nguyên tắc ngang giá. Giá trị dự án BT tương đương với giá trị tài sản công thanh toán. Trong đó, giá trị tài sản công được xác định theo giá thị trường theo quy định của pháp luật tại thời điểm thanh toán, giá trị dự án BT được xác định theo kết quả đấu thầu.
Ông Thịnh đưa ra phép so sánh: “Khi địa phương cần xây dựng một cây cầu có giá trị 200 tỷ đồng thì mảnh đất được mang ra đổi cũng phải có giá trị tương đương. Trong trường hợp giá trị mảnh đất cao hơn giá trị công trình thì nhà đầu tư phải trả phần chênh lệch cho ngân sách. Còn trường hợp giá trị mảnh đất thấp hơn giá trị công trình thì ngân sách sẽ bù tiền cho nhà đầu tư. Khi thực hiện nguyên tắc ngang giá, không thể nhà đầu tư làm một cây cầu 200 tỷ đồng mà giao họ miếng đất 2.000 tỷ đồng”.
Một điểm đáng chú ý khác và cũng là nội dung mới trong Nghị định 69/2019/NĐ-CP, theo ông La Văn Thịnh, đó là quy định việc giao tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT được thực hiện sau khi dự án BT hoàn thành, hoặc thanh toán theo tiến độ dựa trên pháp luật về đầu tư, xây dựng.
“Trước khi có Nghị định 69/2019/NĐ-CP, nhiều nhà đầu tư hứa xây cầu đổi đất, nhưng có trường hợp chính nhà đầu tư lại không xây cầu mà mải mê lấy đất để đi kinh doanh bất động sản. Tất cả do hệ thống pháp luật không đầy đủ. Khi Nghị định 69/2019/NĐ-CP có hiệu lực, sẽ không còn cảnh hứa hẹn suông nữa. Với quy trình quy định rất rõ về việc sử dụng đất, nhà đầu tư khó có thể đưa đất ra thị trường kinh doanh. Nhà đầu tư phải có phương án tài chính và kế hoạch đầu tư rất rõ ràng mới được lựa chọn”, ông La Văn Thịnh cho hay.
Nghị định 69/2019/NĐ-CP quy định hai nhóm quỹ đất được sử dụng để thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT đó là đất chưa giải phóng mặt bằng và đất đã giải phóng mặt bằng. Việc lựa chọn quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư phải đảm bảo đúng quy định như sau: Đất thuộc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Việc thu hồi đất đối với quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư phải tuân thủ đúng quy định; Trường hợp sử dụng quỹ đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng để thanh toán cho nhà đầu tư thì UBND cấp tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước khi quyết định chủ trương đầu tư dự án. Tương tự, nếu sử dụng trụ sở làm việc để thanh toán cho nhà đầu tư cũng phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ. |
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, những thương vụ mua cổ phần doanh nghiệp Việt thời gian qua cho thấy các nhà đầu tư...