Nhà đầu tư ngoại bán ròng cả chục ngàn tỉ đồng, có đáng lo?
Trong suốt thời gian qua, khối ngoại bán ròng cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Dù vậy sức ép lên thị trường là không quá lớn do có nguồn lực đáng kể từ nhà đầu tư cá nhân cân bằng lại.
Các chuyên gia nhận định, khối ngoại bán ròng chỉ là hiện tượng ngắn hạn, sức hấp dẫn thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nguyên. Với nền kinh tế tăng trưởng tốt, môi trường đầu tư hấp dẫn và câu chuyện nâng hạng thị trường trong thời gian tới là khả thi.
Hiện tượng ngắn hạn
Nửa đầu năm 2024, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng tốt, thậm chí mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% được Chính phủ đặt ra cho cả năm 2024 đã tiệm cận đạt được. Việt Nam vẫn thu hút dòng vốn FDI mạnh mẽ, và tạo ra sự bùng nổ về giá trị xuất khẩu.
Chưa kể, các cơ quan quản lý Nhà nước đang rất quyết liệt xây dựng thị trường chứng khoán hấp dẫn hơn, minh bạch, và bám sát chuẩn mực quốc tế. Theo đó, nhằm mục tiêu cho câu chuyện nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi với kỳ vọng đón đầu dòng vốn ngoại lên đến hàng tỉ đô la Mỹ.
Tuy nhiên, khối ngoại vẫn miệt mài bán ròng từ đầu năm đến nay. Một thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho thấy, trong tháng 6, tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 85.327 tỉ đồng, chiếm hơn 9,3% tổng giá trị giao dịch của toàn thị trường.
Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện bán ròng trong tháng 6 với giá trị hơn 14.344 tỉ đồng. Nếu tính lũy kế từ đầu năm đến tháng 6, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 42.000 tỉ đồng.
Theo các chuyên gia, việc nhà đầu tư nước ngoài bán ròng do sự chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và đô la Mỹ. Cụ thể, đồng đô la Mỹ duy trì sức mạnh kết hợp cùng mức chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và đô la Mỹ còn gây căng thẳng lên tỉ giá. Điều này đã ảnh hưởng tương đối tiêu cực đối với diễn biến của thị trường chứng khoán trong nước.
Ngoài ra, tâm lý nhà đầu tư nước ngoài trông chờ vào đợt giảm lãi suất sớm của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong năm nay bị ảnh hưởng khi không đạt kỳ vọng. Đây cũng là nguyên nhân gây ra áp lực bán trong ngắn hạn.
Áp lực khối ngoại bán ròng chủ yếu do ảnh hưởng chênh lệch lãi suất lớn giữa Mỹ và Việt Nam. Ảnh: PHƯƠNG MINH
Ông Đinh Đức Minh, Giám đốc đầu tư Quỹ VEOF (Tập đoàn VinaCapital) cho biết, nguyên nhân chủ yếu tác động đến việc khối ngoại bán ròng trong thời gian vừa qua là Fed duy trì môi trường lãi suất cao trong thời gian dài. Điều này đã khiến dòng tiền có xu hướng chuyển về Mỹ hưởng mức lãi suất cao và ít rủi ro hơn.
Ngoài ra, xu hướng đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI) và bán dẫn đã thu hút dòng tiền về các thị trường chứng khoán Mỹ, Đài Loan, hay Hàn Quốc. Đây vốn là những thị trường có nhiều cơ hội trong lĩnh vực trên.
Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF) cho rằng, khối ngoại bán ròng cũng dễ hiểu vì các cơ hội đầu tư ở các nước khác.
Nhìn rộng hơn không chỉ Việt Nam, mà dòng tiền ngoại ở một số nước mới nổi như Thái Lan, Brazil, Trung Quốc cũng đều bị giảm. Trong khi đó dòng tiền ngoại vào các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật, Hàn Quốc đều tăng. Chẳng hạn, từ đầu năm đến nay có đến 132.000 tỉ đô la Mỹ đổ vào thị trường Mỹ.
Sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt
Dù nhà đầu tư ngoại bán ròng nhưng ông Đinh Đức Minh, Giám đốc đầu tư Quỹ VEOF (Tập đoàn VinaCapital) nhận định: Chúng tôi nhận thấy có nhiều yếu tố thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.
Thứ nhất, kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh hơn kỳ vọng. Thứ 2 là nhiều dự báo Fed sẽ giảm lãi suất trong thời gian tới. Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu nâng hạng sắp tới.
"Điều này giúp áp lực bán ròng giảm bớt và thu hút lại dòng vốn ngoại vào thị trường chứng khoán trong thời gian tới” – ông Đinh Đức Minh nói.
Theo ông Bùi Hoàng Hải, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), từ đầu năm đến nay, có hiện tượng nhà đầu tư nước ngoài bán ròng cổ phiếu và chứng chỉ quỹ trên thị trường. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, theo quan sát của UBCKNN, tỉ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện duy trì ở mức 46-49 tỉ đô la Mỹ.
Điều này có nghĩa rằng, khối ngoại vẫn đang nắm giữ trên 16% tổng giá trị vốn hoá thị trường. Mặc dù thị trường chứng khoán Việt Nam còn hạn chế sở hữu nước ngoài, nhưng tỉ lệ sở hữu nước ngoài trên giá trị vốn hoá thị trường đang chứng minh rằng, đây là thị trường có lượng nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng và nắm nhiều giá trị nhất trong số các thị trường trong khu vực Đông Nam Á.
Dòng vốn ngoại ngày càng gia tăng trên thị trường Việt Nam vì sức hấp dẫn từ tăng trưởng kinh tế, môi trường đầu tư hấp dẫn và câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán sắp tới. Ảnh: PHƯƠNG MINH
Thực tế, hiện tượng khối ngoại bán ròng không chỉ diễn ra tại Việt Nam, mà còn ở các thị trường như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan.
“Ngoài ra, định giá thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang ở mức cao so với thị trường khu vực. Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán Việt tăng rất nhiều. Do đó, giá trị khối ngoại bán ròng không bằng giá trị thị trường cổ phiếu tăng từ đầu năm đến nay. Chúng tôi thấy câu chuyện khối ngoại bán ròng chưa phải hiện tượng lớn, gây ảnh hưởng đến thị trường” – ông Hải nói.
Ông Kang Moon Kyung, Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán Mirae Asset nhận định, áp lực khối ngoại bán ròng từ năm 2023 đến nay chủ yếu do ảnh hưởng chênh lệch lãi suất lớn giữa Mỹ và Việt Nam.
Khi so sánh thêm làn sóng đầu tư vào cổ phiếu công nghệ tại Mỹ hay diễn biến chung của các chỉ số chứng khoán tại Mỹ cũng cho thấy, thị trường chứng khoán Mỹ hấp dẫn hơn thị trường chứng khoán Việt Nam.
“Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi, trong đó các chính sách của Chính phủ đóng vai trò quan trọng tạo sức tăng trưởng mạnh mẽ. Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn nhất của dòng vốn FDI. Đáng chú ý, Việt Nam tiếp tục thực hiện cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với các dự án đổi mới sáng tạo, công nghệ cao.
Nửa cuối năm 2024, xuất khẩu Việt Nam tiếp tục phục hồi, chưa kể giải ngân đầu tư công sẽ tăng tốc theo kế hoạch của Thủ tướng giao, mà các nhân tố này sẽ khiến Việt Nam đang có dư địa lớn đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 6,5%. Nền tảng kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang thực sự tốt sẽ hấp dẫn dòng vốn ngoại đổ vào thị trường chứng khoán nhiều hơn”– ông Kang Moon Kyung đánh giá.
Bệ đỡ quan trọng nhất của thị trường chứng khoán là phải ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu nhìn ra kinh tế khu vực và toàn cầu với những biến động, khó khăn thì kinh tế Việt Nam vẫn giữ ổn định suốt thời gian dài. Một khi các chỉ số kinh tế vĩ mô đều tốt, không có lý do thị trường chứng khoán Việt Nam, vốn dựa trên một nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô tốt, lại có rủi ro cao. Nếu nhìn ở góc độ một số quỹ điều chuyển danh mục đầu tư do phương pháp quản trị và chiến lược đầu tư của họ, chuyện khối ngoại bán ròng sẽ hết sức bình thường. Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trong khi đó, Việt Nam tiếp tục tăng trưởng kinh tế. Kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán vẫn tốt. Thị trường chứng khoán ngày càng minh bạch với những cải cách mạnh mẽ cho mục tiêu nâng hạng thị trường. Các nền tảng này sẽ ngày càng hấp dẫn dòng vốn ngoại. Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính |
Nguồn: [Link nguồn]
Sáng nay (19/7), cổ phiếu của Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) tiếp tục bị bán tháo và giảm xuống mức giá 9.070 đồng/cp, với khối lượng dư bán ở mức giá sàn hơn 2 triệu đơn vị.