Nhà đầu tư chứng khoán: Phải chấp nhận 'om” tiền'

Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch COVID-19 đã khiến thị trường chứng khoán nhiều phiên lao đao. Khi vừa bùng phát dịch, chứng khoán lao dốc sâu nhưng trong “hoạ có phúc”, nhà đầu tư F0 đã “kích” thị trường trở lại. Tuy nhiên, thời điểm này, việc lướt sóng chứng khoán sẽ khó khả thi mà cần thay vào là dài hạn.

Làn sóng Covid-19 thứ hai không khiến chứng khoán hoảng hốt mà nhà đầu tư đã bình tĩnh hơn (ảnh minh họa)

Làn sóng Covid-19 thứ hai không khiến chứng khoán hoảng hốt mà nhà đầu tư đã bình tĩnh hơn (ảnh minh họa)

Lực hút “níu chân”

Thay vì đồng loạt tháo chạy, ồ ạt bán tháo như thời điểm dịch COVID-19 lần thứ nhất bùng phát hồi đầu năm, thông tin có ca dương tính với COVID-19 chỉ khiến thị trường tạm giảm sâu.  Cụ thể, sau 2 phiên lao dốc, thị trường nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng. Phiên giao dịch sau đó, ngày 28/7, thị trường đã tràn ngập sắc xanh trở lại. Chỉ số VN-Index tăng 29,23 điểm lên 814,4 điểm. Số mã tăng gấp gần 7 lần số mã giảm, đạt 353 mã, thanh khoản hơn 4.700 tỷ đồng. Nhóm VN-30 chỉ còn 2 mã giảm, còn lại đều tăng, trong đó SSI và VHM tăng kịch trần.

Dù thông tin các ca dương tính tăng lên mỗi ngày, thậm chí có ngày lên tới 30 ca bệnh mới, nhưng thị trường không còn cảnh sợ hãi bán tháo. Dòng tiền có xu hướng chọn lọc cổ phiếu chạm ngưỡng quá bán dưới tác động của nguy cơ dịch bệnh bùng phát lần 2. Bên cạnh đó, chỉ số VN-Index tăng mạnh trở lại từ vùng 780 điểm, nhờ việc nhà đầu tư tham gia bắt đáy cổ phiếu. Thị trường có tới 5 phiên tăng điểm liên tiếp.

Theo nhận định của các chuyên gia, trong ngắn hạn, dòng tiền tiếp tục có xu hướng phân hóa. Với các doanh nghiệp có kết quả không như kỳ vọng, xu hướng chốt lời sẽ tăng dần trong các phiên tới. Ngược lại, các cổ phiếu có triển vọng trung hạn tích cực sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền và tăng mạnh. Nhiều nhận định cho rằng, mốc 840 điểm của VN-Index sẽ là ngưỡng thử thách với thị trường trong tuần giữa tháng 8. Dòng tiền chảy vào chứng khoán khá vững với thanh khoản quanh 5.000 - 6.000 tỷ đồng/phiên.

Phải “om” tiền

Trước đây, một số nhà đầu tư thường tìm cơ hội kiếm tiền nhanh trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã khiến nhà đầu tư nhìn nhận lại chiến lược. Đa số nhà đầu tư trụ vững trên thị trường là nhà đầu tư trung và dài hạn. Cùng với đó, trong danh mục đầu tư, các cổ phiếu của doanh nghiệp có thể hưởng lợi từ đầu tư công đang được nhắm đến. Cơ hội đầu tư chủ yếu đến từ kỳ vọng về sự hồi phục của nền kinh tế trong trung hạn, với các chính sách kích thích kinh tế từ Chính phủ. Ngoài ra, việc các hiệp định thương mại tự do chính thức được áp dụng cũng  tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm các doanh nghiệp xuất khẩu.

Với các giải pháp quyết liệt của Chính phủ, bộ, ngành, đầu tư công được xem là một trong những trọng tâm của tăng trưởng. Lũy kế đến tháng 6/2020, kết quả giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 33,1% kế hoạch 2020, tương đương 154.362 tỷ đồng. Chính phủ cũng đưa ra những chỉ đạo quyết liệt, với quyết tâm cao hoàn thành kế hoạch giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020 và các năm trước chuyển sang. Đầu tư công được dự báo sẽ là động lực chính hỗ trợ cho các nhóm ngành vật liệu xây dựng (thép - xi măng - nhựa đường), ngành xây dựng và một số ngành được hưởng lợi gián tiếp từ hạ tầng được triển khai như bất động sản (VHM, DXG, NVL, DIG, NLG…) và khu công nghiệp.

Theo Công ty Chứng khoán BSC, kỳ vọng đẩy mạnh đầu tư công chuyển dần sang nửa cuối năm 2020 và năm 2021, dự kiến sẽ được đẩy mạnh triển khai hơn trong năm 2020 nhờ việc chuyển đổi 8 dự án từ hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công.

Ngoài ra, trong báo cáo vừa công bố, Ngân hàng Thế giới nhận định, nền kinh tế Việt Nam dù chịu ảnh hưởng của Covid-19 trong nửa đầu năm 2020 vẫn giữ được viễn cảnh tích cực trước mắt và trong trung hạn. Nếu tình hình bên ngoài kém thuận lợi, WB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 1,5% trong năm 2020 và 4,5% trong năm 2021 và với con số này, Việt Nam là quốc gia có mức tăng trưởng đứng thứ 5 trên thế giới.

Nguy cơ lây lan dịch lần thứ 2 khiến thị trường “chao đảo” nhưng cũng nhanh chóng giữ thăng bằng. Các chuyên gia nhìn nhận, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, chứng khoán vẫn còn nhiều sức hút đối với nhà đầu tư.

Nguồn: [Link nguồn]

Giá vàng hôm nay 11/8: Tiếp tục lao dốc không phanh

Giá vàng thế giới và trong nước tiếp tục giảm mạnh sau 1 ngày “dân buôn” bận rộn chốt lời.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Linh ​ ([Tên nguồn])
Tác động của dịch Covid-19 đến kinh tế Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN