Nguy cơ lao động Việt Nam thua trên "sân nhà"
Đó là cảnh báo của nhiều chuyên gia tại hội thảo “Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở TPHCM giai đoạn 2020 - 2030” do UBND TPHCM tổ chức ngày 15/8.
Chưa sẵn sàng hội nhập…
Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sài Gòn Food cho biết, đang kinh doanh trong lĩnh vực thủy sản đông lạnh và chế biến thực phẩm. Thị trường chính là nội địa và Nhật Bản. Khách hàng của Sài Gòn Food là các đối tác Nhật và chuỗi siêu thị lớn trong và ngoài nước. Doanh nghiệp (DN) luôn có nhu cầu về nguồn nhân lực có trình độ quốc tế. Tuy nhiên, nếu đặt tiêu chuẩn trình độ quốc tế cho các ứng viên khi tuyển dụng thì DN sẽ không có đủ nhân lực đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh.
Theo đại diện Sở Khoa học Công nghệ TPHCM, dù đang sở hữu phần lớn nguồn nhân lực cơ khí - tự động hóa của cả nước, song nguồn nhân lực tại chỗ chưa đáp ứng yêu cầu thực tế và đang gây trở ngại cho sự phát triển bền vững của TPHCM.
Trong quý 1/2019, nhu cầu nhân lực của ngành cơ khí -tự động hóa là gần 4.000 vị trí việc làm nhưng nguồn nhân lực chỉ có thể cung cấp hơn 500 vị trí. Trong đó, lao động có trình độ cao đẳng chiếm hơn 18% và đại học chiếm hơn 58,3% và trình độ trên đại học chỉ chiếm 2,25%.
Được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghiệp “không khói” và TPHCM là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực du lịch lớn nhất cả nước, tuy nhiên, theo Sở Du lịch TPHCM, nguồn nhân lực du lịch hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu của ngành cả về số lượng và chất lượng. Các cơ sở đào tạo du lịch chỉ mới đáp ứng 60-70% nhu cầu. Nguồn nhân lực yếu kém về ngoại ngữ, chuyên môn nghiệp vụ và các kiến thức xã hội, văn hóa, lịch sử, khó đáp ứng được nhu cầu hội nhập và phát triển trong khu vực và thế giới.
Điều đáng nói là chương trình đào tạo hiện tại của các trường chưa bắt nhịp kịp thời với tiêu chuẩn VTOS 2013 và xu hướng trong khu vực ASEAN. Từ năm 2005, bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam được xây dựng theo hướng tiếp cận với khối ASEAN. Trong vòng 14 năm qua, các chuyên gia quốc tế và Việt Nam đã nỗ lực hoàn thiện nhưng đến nay bộ tiêu chuẩn trên vẫn chưa được phê duyệt.
Theo ông Trần Anh Tuấn, đại diện Công ty Cổ phần công nghệ Sao Bắc Đẩu, trong xu thế của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, nhu cầu nhân lực cho ngành công nghệ thông tin (CNTT) rất cao. Tính đến đầu năm 2019, nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp phần mềm là trên 81.000 người; phần cứng - điện tử là trên 533.000 người và tính đến năm 2020, cả nước còn thiếu khoảng 400.000 người. Nhân lực của ngành CNTT vừa thiếu, vừa yếu. Cụ thể: Chỉ có khoảng 15% sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc ngay, số còn lại phải…đào tạo lại.
Anh Nguyễn Văn Trí, công nhân một công ty sản xuất điện - điện tử ở TPHCM quyết định trở về quê ở Đăk Nông để trồng cà phê vì thu nhập không đủ sống
Khoảng cách ngày càng lớn…
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huy Nhựt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao so với nhiều nước trong khu vực ASEAN, song năng suất lao động của Việt Nam hiện nay vẫn còn hạn chế. Năm 2016, năng suất lao động của Việt Nam đạt 9.894 USD, chỉ bằng 17,6% Malaysia; 36,5% Thái Lan, 42,3% Indonesia và bằng 56,7% Philippines.
“Mức chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam và các nước vẫn tiếp tục gia tăng. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), chênh lệch về năng suất lao động giữa Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Lào so với Việt Nam vẫn tăng liên tục từ năm 2006 đến nay”, TS Nhựt cho biết.
Đáng chú ý, về kỹ năng nghề nghiệp, chuyên gia này dẫn ra đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2018 cho thấy, kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp và năng lực tư duy phản biện trong giảng dạy của hệ thống giáo dục Việt Nam thấp hơn đáng kể so với nhiều quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Philippines, Thái Lan, Singapore, Malaysia và cả Campuchia. Chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam, theo WB, chỉ đạt 3,79 điểm theo thang điểm 10, xếp thứ 11 trong tổng số 12 nước châu Á tham gia xếp hạng.
Ông Nhựt cho rằng, hợp tác quốc tế trong đào tạo đại học được xem là phương án tối ưu giúp giải quyết các khó khăn thách thức đối với chất lượng nguồn nhân lực hiện nay. Hiện nay, Việt Nam có hơn 100.000 du học sinh du học ở nhiều nước, số tiền phải chi hằng năm cho chi phí du học rất lớn.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là chương trình hàng đầu trong 7 chương trình đột phá nhằm thúc đẩy TPHCM phát triển nhanh, bền vững. TPHCM cũng đang tập trung xây dựng đô thị thông minh với nòng cốt là những con người thông minh, sử dụng các tiện ích, thành tựu khoa học và công nghệ. Vì vậy, định hướng giáo dục đào tạo nói chung và định hướng trong đào tạo nhân lực trình độ quốc tế nói riêng là nhiệm vụ trọng tâm của thành phố trong thời gian tới.
Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, năng suất lao động bình quân của TPHCM gấp gần 3 lần cả nước. Sau hội thảo, TPHCM sẽ hình thành một chương trình để đưa vào nhiệm kỳ tới, nhằm phát triển nguồn nhân lực trình độ quốc tế, tập trung vào một số lĩnh vực chọn lọc. |
Năm 2018, năng suất lao động (NSLĐ) trung bình của Singapore cao gấp 13,7 lần Việt Nam. Chênh lệch NSLĐ (tính theo sức mua tương...