Người mới đóng bảo hiểm xã hội không được rút 1 lần?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi mới nhất vừa được Chính phủ trình Quốc hội, đã được điều chỉnh trên cơ sở tiếp thu góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong dự thảo, quy định về chế độ bảo hiểm xã hội một lần đã được hiệu chỉnh thành 2 phương án với quy định hoàn toàn mới.

Chốt 2 phương án

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thừa uỷ quyền của Thủ tướng vừa hoàn chỉnh Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi và trình lại Quốc hội. Tại dự thảo này, quy định về chế độ BHXH một lần với trường hợp người lao động nghỉ việc và không đóng tiếp sau 12 tháng đã được điều chỉnh, hoàn thiện trên cơ sở ý kiến góp ý của các uỷ ban thuộc Quốc hội (Điều 70).

Dự luật đưa ra 2 phương án để lấy ý kiến Quốc hội về điều chỉnh quy định chế độ BHXH một lần. Cả 2 phương án này đều đề xuất mới đưa vào luật; dự thảo không còn phương án giữ quy định như hiện hành áp dụng với tất cả người đã, đang và sẽ tham gia BHXH trong tương lai.

Đề xuất sửa đổi quy định quy định về BHXH một lần thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận, người lao động.

Đề xuất sửa đổi quy định quy định về BHXH một lần thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận, người lao động.

Cụ thể, người lao động sau 12 tháng không đóng tiếp BHXH được nhận BHXH một lần khi đạt các điều kiện:

Phương án 1, người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày luật này có hiệu lực thi hành (dự kiến từ ngày 1/1/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc (nghỉ việc), không tham gia BHXH tự nguyện, có thời gian đóng chưa đủ 20 năm và có yêu cầu được nhận BHXH một lần.

Phương án 2, người lao động sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc (nghỉ việc), không tham gia BHXH tự nguyện, có thời gian đóng chưa đủ 20 năm và có yêu cầu nhận BHXH một lần thì được giải quyết một phần; nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH về sau.

Nếu phương án 1 như trên được Quốc hội thông qua, từ thời điểm Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực (dự kiến ngày 1/1/2025), người tham gia BHXH mới sẽ không còn được hưởng chế độ BHXH một lần sau khi nghỉ việc và dừng đóng 12 tháng. Chế độ BHXH một lần trong tuổi lao động chỉ áp dụng với người đã, đang và sẽ tham gia BHXH từ nay tới hết ngày 31/12/2024 (áp dụng với khoảng 17,5 triệu người đang tham gia BHXH).

Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện

Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, về bản chất, phương án 1 trên kế thừa quy định về BHXH một lần hiện áp dụng cho những người lao động tham gia BHXH theo luật hiện hành (tức được bảo lưu thời gian đóng hoặc nhận BHXH một lần sau khi nghỉ việc, dừng đóng). Bên cạnh đó, cũng bổ sung thêm nhiều quyền lợi cho người bảo lưu thời gian đóng BHXH thay vì nhận một lần. Kể từ ngày luật sửa đổi có hiệu lực (năm 2025), người tham gia BHXH mới sẽ bắt buộc phải bảo lưu thời gian đóng sau khi nghỉ việc cho tới đủ tuổi nghỉ hưu, chế độ BHXH một lần chỉ còn áp dụng với một số trường hợp như ra nước ngoài định cư, tới tuổi nghỉ hưu chưa đủ thời gian đóng để nhận lương hưu, mắc bệnh hiểm nghèo.

Giải pháp này có ưu điểm là từng bước khắc phục tình trạng hưởng BHXH một lần của thời gian qua. Trong ngắn hạn, phương án này không giúp duy trì hay tăng người tham gia BHXH, nhưng dài hạn sẽ tối ưu hơn phương án 2 và cũng ít gặp phản ứng của người lao động đang tham gia BHXH.

Về mức hưởng BHXH một lần, thời gian đóng BHXH trước năm 2014, mỗi năm đóng được tính hưởng bằng 1 tháng lương tính đóng BHXH; thời gian đóng sau năm 2014, mỗi năm đóng được tính hưởng bằng 2 tháng lương tính đóng. Người tham gia BHXH tự nguyện khi rút BHXH một lần chỉ được nhận phần tiền mình đóng, không được nhận phần tiền nhà nước hỗ trợ đóng.

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, tham vấn rộng rãi ý kiến người dân, người lao động liên quan tới sửa đổi quy định về BHXH một lần.

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, tham vấn rộng rãi ý kiến người dân, người lao động liên quan tới sửa đổi quy định về BHXH một lần.

Trước đó, cho ý kiến vào Dự thảo Luật BHXH sửa đổi, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo dự luật đánh giá tác động, cân nhắc kỹ lưỡng và bao quát trong việc sửa đổi, bổ sung những quy định về hưởng BHXH một lần.

Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội tăng cường tuyên truyền, phổ biến về quy định BHXH một lần; tham vấn công chúng rộng rãi hơn về các phương án sửa đổi, bổ sung quy định liên quan chế độ này. Đặc biệt cần tuyên truyền nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của chế độ hưu trí, trong bối cảnh già hóa dân số ở Việt Nam rất nhanh.

Ủy ban Xã hội cũng đề nghị cơ quan soạn thảo luật tiếp tục rà soát, cân nhắc thêm các phương án khác quy định về BHXH một lần, đánh giá toàn diện về bối cảnh thực tiễn, đời sống và tâm lý người lao động để đề xuất phương án đảm bảo tốt nhất quyền lợi lâu dài của người lao động, hài hòa với nguyên tắc đóng - hưởng, có chia sẻ của BHXH.

Tiếp thu các góp ý trên, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để tiếp tục đánh giá tác động, cân nhắc kỹ lưỡng và bao quát về sửa đổi quy định BHXH một lần; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, BHXH một lần; tham vấn công chúng rộng rãi hơn về các phương án sửa đổi, bổ sung.

Góp ý cho Dự thảo Luật BHXH sửa đổi, Uỷ ban Xã hội của Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo luật cần làm rõ quy định, người lao động đóng BHXH 15 năm được nhận lương hưu, nhưng người nhận BHXH một lần lại quy định có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm. Quy định như trên có thể dẫn tới người lao động đã đóng BHXH từ 15 năm tới dưới 20 năm đủ để nhận lương hưu, nhưng lại chọn nhận BHXH một lần thay cho lương hưu.

Trước đó, khi giải trình Bộ Tư pháp về ý kiến góp ý tương tự trên, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, quy định hưởng BHXH một lần khi thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm đã được áp dụng thời gian qua. Trong khi đó, việc giảm năm đóng BHXH tối thiểu để có lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm theo dự luật mới chỉ áp dụng với người nghỉ hưu đúng tuổi, có thời gian đóng BHXH ngắn (do tham gia đóng muộn hoặc quá trình tham gia gián đoạn). Còn người nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động (mất sức) vẫn phải đóng BHXH tối thiểu 20 năm.

Nguồn: [Link nguồn]

Đề xuất đóng bảo hiểm xã hội 5 năm cũng được nhận lương hưu

Với đề xuất hạ tuổi nhận trợ cấp hưu trí từ ngân sách từ 80 tuổi hiện hành xuống 75 tuổi theo Dự thảo Luật Bảo hiểm xã sửa đổi, người tham gia bảo hiểm xã hội chỉ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Hữu Việt ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN