Người lao động nguy cơ mất việc vì Covid-19, doanh nghiệp xoay xở để trả lương

Dịch Covid-19 đang tác động đến nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trên cả nước, ảnh hưởng lớn đến thu nhập và nguy cơ mất việc của người lao động.

Trong báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại quý I/2020, Bộ Công Thương đã bày tỏ nhiều lo ngại về vấn đề lao động trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Trong những tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh tại một số quốc gia đã ảnh hưởng đến nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo cũng như tạo ra khó khăn mới về thị trường tiêu thụ.

Dịch Covid-19 lây lan ra nhiều nước khiến hầu hết các bạn hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam đều chịu tác động trực tiếp. "Do vậy khó khăn về thị trường đầu ra cho sản phẩm hàng hóa của Việt Nam sẽ là rất lớn, cùng với đó là những vấn đề về sản xuất và người lao động"- Bộ Công Thương đánh giá.

Ngành dệt may đang cố gắng để duy trì việc làm và trả lương cho người lao động

Ngành dệt may đang cố gắng để duy trì việc làm và trả lương cho người lao động

Hiện nay, các biện pháp kiểm soát dịch trên thực tế sẽ ảnh hưởng đến tốc độ luân chuyển hàng hóa từ khâu xuất khẩu, vận chuyển, thông quan, lưu kho, bốc dỡ đến tiêu thụ hàng hóa; gây gián đoạn hoặc làm chậm trễ dòng chảy kinh tế - thương mại - dịch vụ.

Bên cạnh đó, do hàng loạt hệ thống bán lẻ tại châu Âu và Mỹ đóng cửa vì dịch, dẫn đến lượng cung - cầu của thị trường; nhu cầu trao đổi hàng hóa; các hoạt động giao thương cũng sẽ phần nào bị hạn chế. Nhu cầu mua sắm hàng hóa không quá thiết yếu như hàng dệt may, da giày, đồ gỗ, điện thoại... sẽ suy giảm.

Ngoài ra, vận tải nội khối cũng ít nhiều bị ảnh hưởng do một số quốc gia siết quy định kiểm soát biên giới. Do các quy định liên quan đến kiểm soát dịch và nhu cầu suy giảm, một số nhà nhập khẩu đã thông báo tạm dừng nhập khẩu các đơn hàng đã ký kết, các ngành dệt may, da giày sẽ gặp nhiều khó khăn, nguy cơ giảm và thiếu việc làm trong tháng 4 và tháng 5, ảnh hưởng lớn đến thu nhập và nguy cơ mất việc của người lao động.

Những khó khăn của ngành dệt may cũng vừa được Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường nhắc đến trong tâm thư gửi người lao động.

Ông Lê Tiến Trường dẫn báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để nói rõ hơn về những khó khăn của các doanh nghiệp (DN) nói chung và ngành dệt may nói riêng. Theo đó, đến cuối tháng 2, dịch Covid-19 khiến 181.597 DN bị ảnh hưởng, 322 DN tạm dừng hoạt động, 553 DN giảm quy mô hoặc thu hẹp sản xuất, kinh doanh.

"Còn sang tháng 3, khi dịch lan rộng hơn, ảnh hưởng việc làm trở nên khủng khiếp trên toàn cầu. Dự báo từ 30-40 triệu việc làm trên toàn cầu sẽ mất sau dịch Covid-19" - ông Trường nhấn mạnh.

Theo Tổng giám đốc Vinatex, để tránh bị phá sản, bảo vệ nguồn tài chính của mình, một số DN chọn phương án sa thải nhân viên, có DN lại chọn phương án giảm giờ làm của từng cá nhân nhưng tất cả còn đi làm, có DN lại vận động người có điều kiện tốt hơn nghỉ không lương nhường công việc cho đồng nghiệp.

Đối với Tập đoàn Dệt may, với hơn 120 ngàn nhân sự, quỹ chi lương khổng lồ mỗi tháng, cũng đang đứng trước những rủi ro lớn khi nhiều khách hàng đã hủy, tạm hoãn đơn hàng từ nửa cuối tháng 3-2020.

Ông Lê Tiến Trường lo ngại, nếu đại dịch không sớm bị chặn lại, thì chắc chắn các DN với trên 90% sản lượng cho xuất khẩu của Vinatex sẽ không khỏi ảnh hưởng. Trước mắt, hầu hết các DN thiếu từ 30-50% việc trong tháng 4 và tháng 5-2020.

Trong bối cảnh khó khăn này, ông Trường cho biết do lượng nhân sự đông đảo, chỉ cần 3 tháng không có việc làm, mà vẫn duy trì trả lương cho toàn bộ lực lượng lao động, thì các DN dệt may sẽ hết vốn.

"Làm thế nào để DN không phá sản, người lao động không mất việc làm? Đó là một thách thức chưa có tiền lệ đặt ra cho Vinatex do khủng hoảng của đại dịch Covid-19"- ông Lê Tiến Trường đặt vấn đề trong tâm thư gửi đến người lao động Vinatex.

Dù đang phải đối mặt với không ít khó khăn trước dịch bệnh, nhưng Vinatex sẽ ưu tiên giữ việc làm và trả lương duy trì đời sống cho người lao động bằng cách tận dụng các gói hỗ trợ từ chính phủ, các nguồn vay ngân hàng, tìm kiếm những hợp đồng mới bù đắp lượng việc làm thiếu hụt do nhiều đơn hàng bị hủy, hoãn.

Các đơn vị sẽ tổ chức lại sản xuất để đảm bảo ai cũng được đi làm. Tập đoàn thực hiện tinh thần giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, chứ không sa thải lao động cũng như quyết liệt bảo toàn lực lượng.

Nguồn: [Link nguồn]

Hàng nghìn người phá sản vì Covid-19, người đàn ông này phất lên, tiền ”khủng” vào túi

Ứng dụng này càng được nhiều người sử dụng để họp và trao đổi công việc qua mạng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Chiến ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN