Người lao động khổ vì ATM ngày tết

Những ngày giáp tết, nhu cầu giao dịch của người dân tăng lên rất nhiều, do vậy tình trạng rút tiền tại các cây ATM luôn khiến người dân đau đầu, nhất là người lao động nghèo.

Chạy 5-7 chỗ mới gom đủ tiền

Có mặt tại các cây ATM Vietcombank ở khu công nghiệp (KCN) Tân Bình trưa ngày 29/1, chúng tôi ghi nhận khá nhiều người tỏ vẻ chán nản ra về vì không rút được tiền. “Máy vẫn bình thường, không thông báo hết tiền hay đang bảo trì, sửa chữa gì cả nhưng sau khi bấm mã pin, thực hiện giao dịch thì máy cứ nhả thẻ ra. Thử mấy lần vẫn thế, thật kỳ cục!” - ông Hiền (công nhân may KCN Tân Bình) nói.

Thử đưa thẻ vào máy, chúng tôi ghi nhận máy ATM này hiện lên dòng chữ “ATM chỉ trả được số tiền là bội số của 200.000 đồng”. Sau khi nhập số tiền, ATM này yêu cầu nhập số tiền khác. Thế rồi máy báo lỗi và nhả thẻ ra. Hỏi bảo vệ tại ngân hàng (NH), người này nói: chắc do thẻ hoặc do mạng lỗi. Có khi máy chấp nhận thẻ người này nhưng từ chối thẻ người khác. Sáng giờ nhiều người cũng bị vậy. Rút tiền ATM mấy ngày này hên xui lắm (?!).

Cần rút 10 triệu đồng sắm tết, chị Trần Thị Hiền (công nhân Công ty giày KCN Tân Tạo) phải chạy “bở hơi tai”. “Tôi xài thẻ của Vietcombank, cây ATM gần nhà đang sửa chữa nên phải chạy sang H.Bình Chánh. Thế nhưng nơi này quá đông, không biết chờ đến lúc nào thì được mách nước qua cây ATM NH khác cũng rút được tiền. Gần đó có ATM của Eximbank nhưng chỉ rút được tối đa hơn 1,2 triệu đồng/lần, phí cao gấp đôi. Cứ mỗi lần “đút thẻ” là một lần mất phí. Xót tiền, tôi lại chạy tuốt lên Q.6 tìm NH Vietcombank để giao dịch, đến nơi NH đóng cửa. Lại xếp hàng chờ rút ATM, do nhiều người rút cùng lúc nên máy cạn tiền, phải chờ tiếp quỹ. Mất cả buổi chiều chạy mấy nơi mới gom đủ 10 triệu đồng” - chị Hiền ngao ngán.

Ở một số khu vực ít hệ thống ATM như các quận, huyện vùng ven những ngày cuối năm cũng trở nên quá tải. Tại Q.Bình Tân, H.Bình Chánh, Củ Chi… tập trung nhiều lao động phổ thông, công nhân nhưng hễ cuối tháng, cuối năm muốn rút tiền mặt là tìm các cây ATM “đỏ con mắt”. “ATM ít lắm, thế nên khi công ty chuyển lương thưởng mà chưa có thời gian rút, tôi lại lo nơm nớp ATM hết tiền. Trên tỉnh lộ 10, đường số 7 Q.Bình Tân, số cây ATM đếm trên đầu ngón tay.

Khu vực trung tâm nhiều cây ATM hơn, các ngân hàng cũng đa dạng hơn khi người ta có nhiều lựa chọn, chứ còn ở đây thì chịu chết” - chị Lê Thị Nhi (công nhân Công ty Pouyuen) thở dài.

Kinh nghiệm nhiều lần “ra về trắng tay”, anh Trần Văn Tình (nhân viên Công ty bao bì Thanh Niên, Q.Gò Vấp) chia sẻ: “Thường tôi sẽ ra ATM thật sớm để rút tiền. Do mình cần số tiền lớn, khoảng vài chục triệu đồng nên không thể rút 1 lần là đủ được, vậy là tôi chia rút nhiều ngày, mỗi ngày một ít. Tuy mất công một chút nhưng còn hơn là không có tiền”.

Người lao động khổ vì ATM ngày tết - 1

Người lao động méo mặt vì không rút được tiền ở ATM (ảnh chụp tại ATM Vietcombank KCN Tân Bình trưa ngày 29/1)

Nhiều ATM báo lỗi, hết tiền

Nhiều NH đã lên kế hoạch từ rất sớm cho việc chống nghẽn ATM vào dịp Tết 2019. Tuy nhiên, chưa tới những ngày cao điểm nhưng nhiều máy ATM tại TPHCM đã xảy ra tình trạng hết tiền, báo lỗi, ngừng giao dịch khiến khách hàng “than trời”.

Đại diện NH Sacombank cho biết hiện ngân hàng này có 1.072 máy ATM luôn hoạt động, NH cũng giám sát chặt chẽ mức tồn quỹ an toàn (trên 200 triệu đồng) ít nhất 2 lần/ngày với cơ cấu mệnh giá tiền hợp lý. “Chúng tôi còn bố trí cán bộ trực tại hệ thống máy ATM để đảm bảo công tác tiếp quỹ luôn kịp thời cũng như khắc phục nhanh các sự cố. Tuy nhiên để linh động, khách hàng nên đến các điểm/quầy giao dịch trước khi nghỉ lễ để được phục vụ” - NH Sacombank cho biết.

Đại diện Trung tâm thẻ Vietcombank chia sẻ, gần tết, tần suất giao dịch ATM tăng gấp 4 lần so với ngày thường. Vietcombank chi tiền từ mệnh giá lớn đến mệnh giá nhỏ. Ví dụ như khi hết mệnh giá 500.000 đồng thì chỉ còn 200.000 đồng, nhưng vẫn có thể chi tối đa 1 lần giao dịch là 5 triệu đồng; khi chỉ còn mệnh giá 100.000 đồng thì mỗi lần giao dịch chỉ được rút tối đa 3,5 triệu đồng; mệnh giá 50.000 đồng thì mỗi lần giao dịch được 1.750.000 đồng.

“Đâu đó vẫn có vài ATM hết tiền, tuy nhiên chúng tôi luôn đặt dư 1 máy để phòng ngừa chuyện này. Lượng khách hàng của Vietcombank khoảng 6-7 triệu thẻ, nhưng ngày tết phải gánh chừng 10 triệu thẻ do 1 số NH phát hành thẻ nhưng không trang bị ATM thì họ đổ xô qua Vietcombank để rút tiền khiến hệ thống trở nên quá tải” - vị này cho hay.

Về việc một số chủ thẻ Eximbank cho rằng bị khống chế hạn mức rút tiền mỗi lần rất thấp ở ATM để thu phí, đại diện Eximbank giải thích có thể do lỗi mạng chứ NH không có chủ trương giới hạn số tiền rút như vậy. Theo Eximbank để đảm bảo nguồn tiền, trước, trong và sau Tết, NH luôn có một nhóm trực và theo dõi khi thấy máy ATM ở địa điểm nào hết tiền thì sẽ nạp thêm. Hệ thống của Eximbank sẽ tự động thông báo tin nhắn máy ATM gần hết tiền qua điện thoại để nhân viên tiếp quỹ kịp thời bổ sung. Đồng thời, phân công trực để đường truyền thông suốt, hệ thống máy ATM bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, để đảm bảo hoạt động của các ATM thông suốt, NHNN kết hợp với Cục Thanh tra giám sát để kiểm tra, rà soát và yêu cầu các NH thương mại rà soát các ATM, đặc biệt là tại các KCX-KCN. Nếu máy bị hư hỏng phải sửa chữa ngay để không xảy ra tình trạng trục trặc, không giao dịch được khi vào cao điểm tết. Tại các khu vực đông dân cư, các NH cũng phải đảm bảo hệ thống ATM hoạt động ổn định, liên tục và thông suốt. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Uyên Phương ([Tên nguồn])
Ngân hàng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN