Người làm công việc này nhẹ nhàng bỏ túi tiền triệu, dân phượt nhìn “sốc ngang”
Nhu cầu tăng cao, nhiều người Mông, Dao ở Tây Bắc hiện nay đã coi công việc này là nghề chính với thu nhập cao, thay vì làm nông nghiệp, đi rừng như trước đây.
Đó là công việc gùi đồ kiêm dẫn đường (porter) cho các thành viên leo núi. Trung bình, trong mỗi chặng leo núi đảm nhiệm việc này, họ thường đeo 30 - 50 kg băng rừng, vượt suối đồng thời là người dẫn đường, chia sẻ kinh nghiệm trên suốt hành trình leo núi cùng những người đam mê bộ môn này.
Người gùi đồ thuê hay còn gọi porter thường là người bản địa, sức khỏe tốt, thông thạo đường rừng và các đặc điểm địa hình, khí hậu tại nơi các du khách tổ chức leo núi.
Người làm công việc gùi đồ thuê kiêm dẫn đoàn leo núi thường là những người dân có sức khỏe tốt, thông thạo đường rừng
Thông thường, các cung đường núi được nhiều người trải nghiệm ở Tây Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang,... kéo dài 2 – 3 ngày. Đoàn những người leo núi tiến dần vào trong rừng sâu, núi cao hiểm trở hiếm dấu chân người. Do đó, hầu hết những đoàn leo núi đều cần người dẫn đoàn có kinh nghiệm thông thạo đường rừng tại địa bàn trên. Đặc biệt, người bạn đồng hành đó còn là những người gùi đồ, hậu cần, kiêm dẫn đường trong suốt hành trình của họ.
Anh Phan Quốc Cường - hướng dẫn viên tại công ty chuyên tổ chức tour leo núi các chặng Tây Bắc chia sẻ, hầu hết porter đều là đồng bào địa phương. Họ đều thạo các cung đường rừng, sức khỏe dẻo dai, rất chăm chỉ, thật thà và có trách nhiệm.
Mỗi đoàn leo núi luôn cần người gùi đồ giúp và đi kèm hỗ trợ
Tùy vào cung đường xa hay gần, mỗi đoàn sẽ có từ 5 – 10 porter hỗ trợ đi kèm. Trưởng đoàn đi trước dẫn đường và luôn có một đến hai porter đi cuối để chốt đoàn.
“Ngoài việc gùi các đồ dùng cá nhân của thành viên trong đoàn, porter còn là những người gùi thực phẩm, nước, thuốc, các vật dụng cần thiết khác... Khi gần đến nơi dừng chân, một số porter sẽ đến trước để dọn dẹp lán nghỉ, đun nước nóng cho khách tắm và chuẩn bị bữa tối. Các porter luôn phải dậy sớm chuẩn bị đồ ăn sáng cho khách. Họ cũng là người ngủ cuối cùng sau khi đã dọn dẹp, chuẩn bị đồ cho hành trình ngày hôm sau. Khi người leo núi chẳng may bị ngã hoặc chấn thương trên hành trình, porter có trách nhiệm dìu khách xuống núi, nếu bị nặng sẽ vận chuyển bằng cáng.
Đặc biệt, ngoài dẫn đường, porter còn là bạn đồng hành, sẽ chỉ cho du khách biết về các loài cây, chim, thú trong rừng hay phong tục tập quán của địa phương. Bạn sẽ không thể có những trải nghiệm này nếu thiếu porter trong hành trình" – anh Cường thông tin.
Tùy cung đường xa hay gần, các đoàn leo núi sẽ cần số lượng porter phù hợp
Cũng theo anh Cường, hành trình chinh phục đỉnh núi không chỉ là một cuộc thử sức khỏe, nó còn là dịp để mỗi người thưởng ngoạn vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên. Việc tự mang đồ trên hành trình leo núi rất nặng nề, thậm chí gây nguy hiểm và ảnh hưởng xấu tới trải nghiệm của người leo.
Gần đây nhất, trong giải leo núi “Bước chân trên mây” được tổ chức tại Tà Chì Nhù (Trạm Tấu, Yên Bái), để phục vụ 100 vận động viên leo núi đoàn đã dùng tới 60 porter làm việc trong 2 ngày để đảm bảo công tác hậu cần, an ninh và y tế của toàn thành viên đoàn.
Porter luôn theo sát và động viên đoàn leo núi
Là một thành viên thường tham gia các giải chạy núi và từng khá nhiều lần băng rừng ngủ núi cùng porter, anh Hoàng Toàn (Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ: “Hơn 1 tuần trước nhóm mình có đi Nhìu Cồ San (Lào Cai) cùng anh Giàng A Hạ. Anh này người nhỏ và rất thật thà, chu đáo. Suốt dọc đường đi, anh luôn theo sát mọi người, thường xuyên kể chuyện đi rừng cho mọi người quên đi cái mệt. Lúc chiều tối xuống lán nghỉ, mình và các thành viên muốn cùng anh chuẩn bị bữa tối mà anh xua đi hết, bảo để 1 mình anh chuẩn bị cho đoàn là được. Đoàn mình có 6 người."
Trên một số diễn đàn về du lịch, khá nhiều người cũng bày tỏ cảm mến những người làm công việc porter. Tài khoản Song Hương chia sẻ: “Mỗi năm mình cũng leo 4-6 đỉnh và thường phải nhờ các bạn porter dẫn đường. Các bạn ý hay lắm, người nhỏ mà cực khỏe nhé. Họ đeo trên người trung bình từ 30 - 50kg mà vẫn bon bon leo dốc. Khi mình quá mệt, muốn nghỉ thì họ là người động viên mình tiếp hành trình. Thực sự rất tuyệt vời”.
Với những đoàn có số lượng người leo núi đông, có cả các porter nữ hỗ trợ
Tài khoản Trần Hậu cũng bình luận: “Đoàn mình mới cũng đi, hôm đó còn có cả porter là nữ, người tuy nhỏ xíu mà cõng nguyên 1 can 20 lít nước cho đoàn dùng. Khi đến lán, bạn ý dường như không biết mệt mà bắt tay luôn vào kiếm củi, thổi lửa và chuẩn bị bữa tối cho đoàn. Thực sự nể và cảm mến các bạn”.
Porter là người bản tranh thủ khâu khăn giúp thành viên leo núi
Vào ngày cuối tuần, những đứa trẻ theo bố mẹ lên núi bán nước
Được biết, với công việc như trên tiền phí thuê mỗi porter có giá trung bình 500 nghìn đồng/ngày. Mỗi tour leo núi trung bình 2 – 3 ngày. Tùy số cân nặng, quãng đường leo núi cũng như lượng công việc porter đảm đương, trung bình mỗi porter thu nhập từ 1 triệu - 2 triệu/tour.
Tương Văn Thành - porter sườn đông Tây Côn Lĩnh (Hà Giang)
Tương Văn Thành - người đồng bào dân tộc Dao, một trong những porter đường rừng sườn đông Tây Côn Lĩnh, Hà Giang, cho hay mỗi tháng anh nhận đưa 3 - 4 đoàn khách đi rừng. Khá nhiều khách là bạn trẻ và khách người nước ngoài. Tùy số lượng công việc và cung đường, tiền công trung bình từ 300.000 - 1 triệu/lần đưa đoàn.
“Các bạn ý là người đồng bào, từ nhỏ đã quen với công việc đi nương rẫy nên việc gùi đồ leo núi, lội suối, ngủ đêm ở rừng,... đều là công việc hàng ngày, quá bình thường với họ. Tại nhiều địa phương, thời gian gần đây các tour trải nghiệm leo núi được tổ chức ngày càng nhiều; hy vọng sẽ góp phần tạo công ăn việc làm và tăng thêm thu nhập với nhiều người dân nơi đây” – anh Cường bày tỏ.
Nguồn: [Link nguồn]
Sau giai đoạn thăm dò, nhiều nhà đầu tư, đặc biệt giới “cá mập” sẵn tiền mặt đã bắt đầu chốt những giao dịch BĐS với giá trị lớn. Trong khi đó, các chuyên gia cũng...