Người dân ngại rượu bia, ngân sách nhà nước hụt 30.000 tỷ đồng?

Nghị định số 100/2019/NĐ-CP và diễn biến khó lường của dịch Covid-19 đã tác động lớn tới tâm lý người dân trong việc tiêu thụ bia rượu thời gian qua. Trước việc doanh thu của ngành bị sụt giảm, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng ngân sách Nhà nước có thể bị thất thu tới 30.000 tỷ đồng.

Giám đốc doanh nghiệp ngừng tiếp khách bằng rượu bia

Là giám đốc một công ty trong lĩnh vực truyền thông tại Cầu Giấy, anh Hưng cho biết trong những năm qua anh thường xuyên phải gặp gỡ khách hàng và đối tác của mình trên bàn tiệc. Và rượu, bia là những loại đồ uống không thể thiếu. Thông qua những cuộc tiếp khách thế này, anh cùng các nhân viên có thể thuyết phục thành công khách hàng đi đến việc ký kết hợp đồng chính thức.

Không chỉ tiếp đối tác, hàng tháng công ty anh cũng thường tổ chức những buổi liên hoan mừng sinh nhật nhân viên, hay sự kiện của công ty tại các nhà hàng, quán bia. Thông qua những buổi “tiệc tùng” giúp các nhân viên có thêm động lực để hoàn thành những nghiệm vụ được giao.

Anh Hưng cũng thừa nhận, đã rất nhiều lần tiếp khách đến mức say mềm và khi tỉnh dậy anh không thể nhớ làm thế nào để lái xe về nhà.

Kinh doanh nhà hàng gặp nhiều khó khăn do tác động kép của nghị định 100 và dịch Covid-19

Kinh doanh nhà hàng gặp nhiều khó khăn do tác động kép của nghị định 100 và dịch Covid-19

Tuy nhiên, kể từ khi Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (Nghị định 100) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực vào ngày đầu tiên của năm 2020, anh Hưng cho biết những buổi tiếp khách, gặp gỡ khách hàng bằng rượu bia của anh đã giảm hẳn.

Anh chia sẻ nhiều lần cùng các đối tác, nhân viên của mình chứng kiến cảnh người điều khiển phương tiện giao thông trên đường bị xử phạt rất nặng do trong người có nồng độ cồn nên mọi người cũng rất e ngại. Mỗi khi phải tiếp khách bằng rượu bia thời gian này anh thường sử dụng taxi hoặc các lái xe công nghệ để đưa về nhà.

Anh Hưng cũng cho biết đến nay nhiều người bạn của mình cũng không muốn gặp phiền phức với lực lượng Cảnh sát giao thông, không muốn mất tiền oan nên cũng ít uống rượu bia hơn trước rất nhiều. Trong dịp Tết nguyên đán 2020 vừa qua, không chỉ mình anh mà rất nhiều đối tác của công ty cũng không tặng quà nhau bằng rượu mạnh hay bia như trước.

Cùng với đó, anh Nam - một người làm kinh doanh đồ gia dụng nhập khẩu ở Thanh Xuân - cũng cho biết bản thân mình cũng đã hạn chế gặp gỡ khách hàng đối tác tại các nhà hàng, quán bia kể từ khi Nghị định 100 có hiệu lực. Những anh em làm cùng công ty bây giờ có gặp nhau uống rượu bia thì cũng chuyển sang mua đồ về nhà ai đó rồi cùng ngồi với nhau mà thôi. 

Anh Nam cũng chia sẻ, do tác động từ Nghị định 100 và diễn biến khó lường của dịch Covid-19 thời gian gần đây càng khiến cho người dân, đặc biệt là dân nhậu ít tụ tập ăn uống ở nhà hàng hay quán bia hơn trước rất nhiều.

Với việc người dân, đặc biệt là dân nhậu e ngại với bia rượu thời gian qua đã khiến rất nhiều nhà hàng, quán bia sụt giảm về số lượng khách, cũng như doanh số. Thậm chí nhiều hệ thống nhà hàng, quán bia lớn đã phải đóng cửa, ngừng kinh doanh do doanh thu lao dốc.

Để cố gắng cầm cự trước tác động kép của Nghị định 100 và diễn biến khó lường của dịch Covid-19, nhiều nhà hàng, quán bia đã nghĩ ra những giải pháp mới như nhận đặt đồ, phục vụ tại nhà, hay chuyển hướng sang kinh doanh online… Tuy nhiên, tất cả đều thừa nhận đây chỉ là giải pháp tạm thời và việc kinh doanh sẽ phụ thuộc vào diễn biến của dịch Covid-19 và những chính sách tiếp theo của Nhà nước với ngành bia rượu.

Ngân sách nhà nước hụt 30.000 tỷ đồng?

Trước những ảnh hưởng kép từ Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (Nghị định 100) và dịch Covid-19, mới đây Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng một số Bộ ngành liên quan về việc kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo VBA, trong hai tháng đầu năm 2020, sản lượng tiêu thụ của các doanh nghiệp trong ngành đều sụt giảm mặc dù vào đúng dịp Tết và mùa lễ hội, mùa có sản lượng tiêu thụ lớn nhất trong các năm trước đây.

Một số doanh nghiệp giảm sản lượng tiêu thụ đến 40-50% trong hai tháng vừa qua. Một số hàng quán dịch vụ ăn uống giảm đến 70-80% lượng khách so với cùng kỳ năm 2019.

Theo dự báo của VBA, ngành công nghiệp rượu, bia có thể sẽ giảm 10-20% lượng tiêu thụ trong 2020. Việc giảm tiêu thụ rượu, bia có thể dẫn đến giảm nguồn thu ngân sách nhà nước khoảng 30.000 tỷ đồng trong năm 2020. Trong đó, bao gồm việc giảm các khoản đóng góp từ các doanh nghiệp sản xuất rượu, bia và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ có liên quan đến rượu, bia.

Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong ngành bia, rượu, nước giải khát nói riêng và các doanh nghiệp nói chung, VBA kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng một số nội dung như giảm một số loại thuế, phí để tạo điều kiện các doanh nghiệp ngành bia, rượu, nước giải khát và các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Đề nghị Chính phủ hoãn đề xuất tăng các loại thuế trong thời gian tới để các doanh nghiệp ổn định, yên tâm đầu tư phát triển sản xuất. Đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần ngăn chặn các sản phẩm nhập lậu, không bảo đảm an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Đối với Nghị định 100, VBA cũng đề nghị Chính phủ xem xét lại mức xử phạt hiện nay vì mức phạt này là quá cao so với thu nhập bình quân của người dân. Đặc biệt là mức phạt đối với xe máy, phương tiện giao thông rất phổ biến hiện nay ở Việt Nam, nhất là ở vùng sâu, vùng xa nơi không có các phương tiện giao thông công cộng như taxi, xe buýt... 

Hãng hàng không đầu tiên bên bờ vực phá sản do Covid-19

Tác động của virus corona đối với hoạt động đi lại của hành khách đã gây ra những thiệt hại nặng nề cho hãng hàng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trung Kiên ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN