Dù một số doanh nghiệp chưa có báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2020, nhưng chỉ sau 9 tháng năm nay, một số công ty đã tăng vọt về lợi nhuận.
Bất chấp dịch bệnh Covid-19 xảy ra, các chỉ số kinh doanh trọng yếu từ hàng chục ngân hàng trong năm 2020 cho thấy đều tốt hơn nhiều so với năm 2019.
Mặc dù chưa vào mùa công bố báo cáo tài chính quý 4/2020 nhưng thời điểm này nhiều ngân hàng đang triển khai kế hoạch kinh doanh 2021 và kết quả kinh doanh của cả năm 2020 cũng đã thể hiện.
Vietcombank: Năm 2020, đại diện Vietcombank cho biết, mặc dù là năm đầu tiên trong 5 năm trở lại đây không tăng trưởng lợi nhuận với mức 23.000 tỷ đồng, nhưng Vietcombank vẫn là ngân hàng có lãi cao nhất hệ thống.
Ông lớn VietinBank cũng cho biết, năm 2020 ngân hàng vượt xa các chỉ tiêu kế hoạch năm đặt ra, trong đó lợi nhuận trước thuế ngân hàng riêng lẻ 16.450 tỷ đồng (tăng hơn 40% so với gần 11.500 tỷ của năm 2019), vượt xa mục tiêu đặt ra.
Tương tự, BIDV cũng đã tổng kết hoạt động với lợi nhuận năm 2020 ở mức hơn 9.000 tỷ đồng, trong đó riêng ngân hàng mẹ đạt 8.515 tỷ đồng.
TPBank là ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh năm 2020. Trong thông báo phát đi ngày 2/1, ngân hàng này cho biết kết thúc năm 2020, tổng tài sản của TPBank đạt 206.316 tỷ đồng, tăng 24,47% so với năm 2019 và vượt hơn 14% kế hoạch năm.
Với ngân hàng MSB, trong thông tin mới công bố ngày 5/1, ngân hàng ước tính tổng tài sản năm 2020 tăng 13% so với 2019, đạt trên 178 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 2.500 tỷ đồng, tăng hơn 94% so với năm 2019 và bằng 174% kế hoạch đặt ra.
Trước đó một số ngân hàng thực hiện lên sàn hoặc chuyển sàn niêm yết trong tháng 11, tháng 12 cũng có phát đi thông tin mới về kết quả kinh doanh với lợi nhuận rất cao và vượt kế hoạch cả năm sớm hơn dự kiến. Chẳng hạn mới 11 tháng ACB đã có lợi nhuận trước thuế đạt 8.723 tỷ đồng, vượt 14% mục tiêu kế hoạch lợi nhuận năm; Hay tại VIB trong 10 tháng đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm với hơn 4.570 tỷ đồng,…
Dù chưa có báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2020, nhưng chỉ sau 9 tháng năm nay, một số công ty đã tăng vọt về lợi nhuận.
Năm 2020, cổ phiếu ngành dược đã “dậy sóng” vì được đánh giá là nhóm hưởng lợi, ít nhất trong ngắn hạn, nhờ nhu cầu gia tăng các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe và các thiết bị y tế.
Công ty CP Dược Hậu Giang (DHG) cho biết, báo cáo quý 3/2020 doanh thu thuần đạt 865 tỉ đồng, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước nhưng lãi sau thuế đạt hơn 166 tỉ đồng, tăng trưởng 41,7% so với quý 3/2019. Lũy kế 9 tháng năm 2020, Dược Hậu Giang đạt doanh thu gần 2.544 tỉ đồng, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 529 tỉ đồng, tăng 23,8% so với 9 tháng năm 2019...
Cũng có mức lãi tăng cao là một số công ty sản xuất khẩu trang trong mùa dịch Covid-19. Đó là trường hợp của Tổng công ty CP y tế Danameco (DNM) công bố doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng đột biến so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, doanh thu thuần trong quý 3/2020 đạt 207,2 tỉ đồng, cao gấp 3,3 lần và lợi nhuận sau thuế đạt 4,81 tỉ đồng, cao gấp 81,3 lần so với quý 3/2019 (tương đương tăng 8.035%).
Công ty Danameco cho biết sự bùng phát của dịch Covid-19 trong năm 2020 đã khiến nhu cầu các sản phẩm như khẩu trang, trang phục chống dịch... tăng mạnh. Cầu thị trường tăng cao đã mang đến cơ hội tăng trưởng đột biến cho doanh nghiệp sản xuất vật tư y tế như Danameco. Bên cạnh đó, trong 9 tháng năm 2020, công ty đã mở rộng đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị và năng lực sản xuất tại các nhà máy; nghiên cứu mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu... Lũy kế 9 tháng năm nay, công ty ghi nhận doanh thu gần 573,5 tỉ đồng, gấp 3,8 lần so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế hơn 31 tỉ đồng, gấp 10 lần so với lợi nhuận của 9 tháng năm 2019 và đã vượt 27% mục tiêu kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vượt qua “Năm Covid-19” một cách ngoạn mục, với sự hồi phục mạnh mẽ, thanh khoản tăng cao kỷ lục, cùng đó là sự tham gia mạnh mẽ của lớp nhà đầu tư mới, khiến nhà quản lý, giới chuyên gia, các thành viên tham gia thị trường cảm thấy “bất ngờ”, vượt qua cả kỳ vọng.
Các nhà đầu tư chứng kiến, dòng tiền cuồn cuộn đổ vào thị trường cùng với khả năng kiểm soát dịch bệnh tốt trong nước là động lực chính tạo nên cú lội ngược dòng “vô tiền khoáng hậu” của TTCK Việt Nam.
Từ đáy hồi cuối tháng 3, VN-Index lấy lại tất cả những gì đã mất từ đầu năm chỉ sau chưa đầy 5 tháng. Thậm chí, TTCK Việt Nam còn xác lập kỷ lục hai tháng liên tiếp vào tháng 9 và tháng 10 khi có mức tăng trưởng mạnh nhất thế giới.
Tính đến ngày 17-12-2020, tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán đạt 383,6 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 7.056 tỷ đồng/phiên, tăng 51,5% so với bình quân năm 2019; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu đạt 10.247 tỷ đồng/phiên, tăng 11,3%; khối lượng giao dịch bình quân sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 trên thị trường chứng khoán phái sinh đạt 157.314 hợp đồng/phiên, tăng 77%.
Năm 2020, theo thống kê mới đây giá cổ phiếu Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Dabaco, mã DBC) tăng 183,8%
Động lực tăng trưởng cổ phiếu Dabaco được cho nằm ở kết quả kinh doanh khởi sắc. Theo báo cáo, năm 2020, doanh thu Dabaco đạt khoảng 16.200 tỷ đồng, vượt 22% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế khoảng 1.400 tỷ đồng, gấp 4 lần kế hoạch năm, ghi nhận mức cao nhất trong lịch sử hoạt động và vượt 34% vốn điều lệ.
Dabaco cho biết, bên cạnh sự đóng góp của các lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất giống và chăn nuôi tập trung gia súc, gia cầm, kết quả năm 2020 còn ghi nhận sự đóng góp đáng kể từ một số dự án mới là dầu thực vật.
“Dù mới đưa vào hoạt động hơn 1 năm nhưng đã đạt được kết quả ấn tượng, sản xuất và tiêu hết công suất, thị trường đang được tiếp tục mở rộng trên phạm vi cả nước và phát triển thêm các sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao”, báo cáo Dabaco nêu.
Doanh thu và lợi nhuận phất lên trông thấy khiến giá cổ phiếu của DAB cũng không ngừng lên cao “như diều gặp gió”. Tính từ 1/1-31/12/2020, thị giá cổ phiếu Dabaco tăng 183,8% và chốt năm tại 56.700 đồng/cổ phiếu.
Việc tăng tới 36.713 đồng sau 252 ngày giao dịch khiến vốn hóa thị trường Dabaco có thêm hơn 3.856 tỷ đồng.
Năm 2020 các dịch vụ trực tuyến đã trở thành một phần không thể thiếu trong giai đoạn phong tỏa do đại dịch. Nhờ đó, nhiều “ông lớn” ở lĩnh vực này mang về lợi nhuận khủng.
Theo thống kê, đầu tháng 4/2020, Zoom đứng đầu bảng xếp hạng các ứng dụng di động được tải xuống nhiều nhất ở Mỹ và vốn hoá của nó đã vượt quá 50 tỷ USD.
Ứng dụng gọi video trực tuyến này nhận hàng trăm triệu lượt tải trong thời gian ngắn - nửa đầu 2020. Vào tháng 4, Zoom cho biết ứng dụng của mình đã nhận được hơn 300 triệu người dùng mỗi ngày.
Các dịch vụ trực tuyến như thương mại, giao hàng và giao dịch cũng "ăn nên làm ra" trong thời kỳ phong tỏa do đại dịch COVID-19. Theo báo Financial Times, Tập đoàn Amazon của tỷ phú Jeff Bezos đã đứng đầu danh sách 100 công ty có vốn hóa lớn nhất thế giới năm 2020 và trở nên thịnh vượng hơn trong giai đoạn này. Vốn hoá của tập đoàn này tăng thêm 400 tỷ USD, lên mức 1.900 tỷ USD.
Tại Việt Nam, nhờ sự chuyển dịch mạnh mẽ trong xu hướng tiêu dùng - đổi từ cách thức mua sắm trực tiếp tại cửa hàng sang trực tuyến, thương mại điện tử xuyên biên giới trở thành trạng thái “bình thường mới". Trong năm 2020, người bán hàng Việt Nam đã ghi nhận doanh số trung bình vượt mốc 1 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2019.
Tương tự, một cuộc khảo sát trên các trang web thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam bao gồm Shopee, Tiki, Lazada và Sendo cho thấy, tốc độ tăng trưởng lượng truy cập vào các website này tăng nhanh “chóng mặt”. Shopee dẫn đầu với khoảng 27 triệu mỗi tháng tính đến tháng 8/2020.