Ngoài Lương Xuân Trường, nhiều cầu thủ vừa đá bóng hay vừa kinh doanh cực mát tay
Không chỉ Lương Xuân Trường, nhiều cầu thủ của đội tuyển Việt Nam cũng giỏi làm kinh tế, hái ra tiền từ công việc kinh doanh.
Lương Xuân Trường
Mới đây, cầu thủ Lương Xuân Trường (CLB HAGL) khiến không ít người bất ngờ khi xuất hiện cùng cộng sự là Nguyễn Việt Hùng tại Shark Tank Việt Nam mùa 5 để cùng gọi vốn cho Trung tâm phục hồi chấn thương thể thao quốc tế IRC.
Xuân Trường lên Shark Tank gọi vốn. Ảnh: BTC
Chia sẻ về lý do thành lập IRC, Lương Xuân Trường cho biết, lý do để IRC được thành lập là trong suốt thời gian gắn bó với bóng đá chuyên nghiệp, anh đã chứng kiến nhiều chấn thương nặng của những người đồng đội hay kể cả những vận động viên của các bộ môn thể thao khác.
Bản thân tiền vệ thuộc biên chế HAGL cũng từng bị đứt dây chằng chéo trước đầu gối năm 2019 và phải sang Hàn Quốc phẫu thuật, điều trị, tập phục hồi để có thể trở lại với thể thao chuyên nghiệp.
Vì vậy, Xuân Trường và các cộng sự sáng lập và vận hành trung tâm IRC từ tháng 8/2020, dựa trên mô hình các trung tâm phục hồi chấn thương thể thao hàng đầu trên thế giới và Hàn Quốc. Ngày 7/3/2021, IRC chính thức khai trương và đi vào hoạt động, trụ sở tại Lô C15/D21 Khu đô thị mới Cầu Giấy, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Doanh nghiệp đăng ký lĩnh vực kinh doanh sản xuất, buôn bán, cho thuê thiết bị, dụng cụ thể dục thể thao; hoạt động cơ sở thể thao, CLB thể thao và hoạt động y tế chỉnh hình, phục hồi chấn thương.
Ban đầu, Công ty cổ phần IRC có số vốn điều lệ 5 tỷ đồng và được góp vốn bởi 3 cổ đông sáng lập là: Ông Nguyễn Việt Hùng (góp vốn 1 tỷ đồng - 20%); ông Lương Xuân Trường (góp 3,25 tỷ đồng - 65%) và ông Trần Hữu Hoàng Sơn (góp 750 triệu đồng - 15%). Ông Nguyễn Việt Hùng là người đại diện pháp luật Công ty.
Đến tháng 5/2022, doanh nghiệp tăng vốn lên 6,64 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 4/2022, IRC đã phục vụ 341 lượt khách, doanh thu đạt khoảng 3,5 tỷ. Đến với Shark Tank Việt Nam, hai nhà đồng sáng lập kêu gọi đầu tư 3,5 tỷ cho 5% cổ phần của IRC.
Sau một hồi thương thảo với dàn "cá mập", số tiền IRC huy động được từ Shark Đỗ Liên là 7 tỷ đồng cho 15% cổ phần.
Công Phượng
Công Phượng thử thách bản thân mình trong nhiều lĩnh vực kinh doanh.
Trong năm 2020, Nguyễn Công Phượng (CLB HAGL) thử thách bản thân mình trong lĩnh vực kinh doanh thời trang. Tiền đạo phố núi cùng Viên Minh (bà xã của Công Phượng) đã cho ra mắt thương hiệu thời trang riêng dành cho giới trẻ có tên PM Official (PM được cho là viết tắt của Phượng Minh).
Ngoài quy trình vận hành, Viên Minh còn tham gia vào khâu quan trọng nhất là thiết kế những sản phẩm thời trang. Sản phẩm chủ đạo của thương hiệu là các dòng áo phông hướng tới sự năng động, thoải mái.
Sau khi kết hôn, tiền đạo sinh năm 1995 còn thành lập công ty riêng chuyên về thương mại tiếp thị thể thao như buôn bán, sản xuất dụng cụ thể dục thể thao... tại quận 1, TP.HCM và giao cho vợ quản lý.
Trước đó, từ năm 2017, Công Phượng đã “lấn sân” sang lĩnh vực kinh doanh cà phê khi anh khai trương 2 quán cà phê mang thương hiệu CP10 tại Gia Lai và Hà Nội.
Văn Toàn
Văn Toàn cùng mẫu áo gây sốt mạng xã hội.
Tiền đạo Nguyễn Văn Toàn (CLB HAGL) nổi tiếng trong giới bóng đá Việt Nam về độ kinh doanh "mát tay" khi đang là chủ quán cà phê tại Hải Phòng và thương hiệu quần áo do anh sáng lập.
Tháng 9/2020, tiền đạo gốc Hải Dương đã quyết định cho ra mắt thương hiệu thời trang mang tên mình.
Văn Toàn từng chia sẻ: "Thích mặc đẹp nên tôi thường tốn khá nhiều tiền để mua sắm những trang phục của các thương hiệu nổi tiếng dành cho giới trẻ. Tuy nhiên, nhiều lúc cũng không kiếm được những chiếc áo làm mình hài lòng, hoặc nếu có thì lại giá quá cao. Vì thế, tôi tự nghĩ tại sao lại không tự thiết kế những chiếc áo cho chính bản thân và những bạn trẻ yêu thích thời trang của Việt Nam".
Sự nhanh nhạy trong kinh doanh của Văn Toàn được đánh giá cao trong trận đấu với Malaysia tại vòng loại thứ 2 World Cup 2020. Tại trận đấu này, Văn Toàn bị ngã trong vòng cấm, mang về quả penalty quý giá cho tuyển Việt Nam.
Các cổ động viên Malaysia đã tỏ ra phẫn nộ với tình huống penalty này, cho rằng cầu thủ Việt Nam vờ ngã để "kiếm penalty". Trang Facebook cá nhân của Văn Toàn liên tục bị các cổ động viên Malaysia làm phiền, thậm chí tấn công.
Lượt tương tác trên các trang mạng xã hội của tuyển thủ đội tuyển quốc gia bỗng chốc tăng mạnh. Văn Toàn đã tranh thủ cho ra mắt mẫu áo mới với hình dáng Văn Toàn ngã trong vòng cấm cùng với slogan "It's real". Sản phẩm này ngay sau đó đã trở thành hiện tượng trên mạng xã hội.
Anh Đức
Không chỉ có sự nghiệp bóng đá thăng hoa, tiền đạo Anh Đức còn được cho là cầu thủ giàu nhất làng bóng đá Việt Nam nhờ tài kinh doanh.
Hiện tại, cầu thủ gốc Bình Dương đang kinh doanh mặt hàng dụng cụ thể dục thể thao. Đến nay, tiền đạo đã có 3 cửa hàng lớn tại Bình Dương và sản phẩm của anh có mặt ở khắp 40 tỉnh thành trên cả nước.
Ngoài kinh doanh mặt hàng thể thao, Anh Đức còn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, dịch vụ khách sạn, nhà hàng.
Nguồn: [Link nguồn]
Không phải là cầu thủ đầu tiên chuyển sang kinh doanh, nhưng tiền vệ Lương Xuân Trường ghi dấu ấn lớn với màn gọi vốn thành công 7 tỷ đồng từ các nhà đầu tư.