Nghiệt ngã: Diễn viên sân khấu bỏ nghề đi làm nhôm kính, lái xe
Gần 2 năm sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nhà hát, sân khấu lao đao do không bán được vé. Nhiều diễn viên có cuộc sống vất vả và đã bỏ nghề...
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 hơn một năm qua, nghệ thuật sân khấu gặp khó khăn không chỉ trong vấn đề biểu diễn, tạo nguồn thu mà còn là thách thức giữ nghệ sĩ ở lại với nghề.
Khác với các loại hình nghệ thuật còn lại, sân khấu phải biểu diễn trước khán giả và tương tác trực tiếp với người xem để đạt hiệu ứng tốt nhất. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 xuất hiện và ảnh hưởng sâu rộng hơn một năm qua, hầu hết các sân khấu biểu diễn đều ít "sáng đèn". Đặc biệt, trong năm 2021, đến thời điểm hiện tại, có nhiều nhà hát còn chưa biểu diễn buổi nào phục vụ khán giả.
Nhà hát đóng cửa, không thể biểu diễn, diễn viên nghỉ dài ở nhà để đợi dịch bệnh nhanh qua. Vậy đời sống của họ có đảm bảo khi kinh tế nhà hát bị "đóng băng"?
NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc nhà hát Múa rối Việt Nam.
Chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc nhà hát Múa rối Việt Nam cho biết: "Chúng tôi cũng rất áp lực khi lo đời sống cho anh em diễn viên. Hiện tại do dịch Covid-19 nên các nhà hát buộc phải đóng cửa, không có biểu diễn nên không có thu nhập. Nhiều diễn viên đã bỏ nghề.
Mọi thứ đều ngổn ngang và nghiệt ngã quá. Thậm chí, có những diễn viên solist (độc tấu - PV) bỏ nhà hát rồi. Các bạn ấy có thành tích đầy đủ, dồi dào mà cũng bỏ. Nếu không bỏ là năm nay họ có thể làm hồ sơ NSƯT. Có bạn sắp vào biên chế mà cũng bỏ. Có em đào tạo xong cũng bỏ đi làm bảo hiểm, làm nhôm kính, lái xe…
Nhìn các em bỏ nghề vì cuộc sống khó khăn cũng buồn lắm nhưng hiện tại chúng tôi là "lực bất tòng tâm". Chỉ mong sao đất nước bình yên, dịch bệnh qua nhanh để sân khấu lại sáng đèn, diễn viên có thu nhập, lại đam mê với nghề".
NSND Thanh Ngoan - Giám đốc nhà hát Chèo Việt Nam.
NSND Thanh Ngoan - Giám đốc nhà hát Chèo Việt Nam chia sẻ: “Sân khấu Việt Nam đang ở thời kỳ khó khăn nhất khi gần 2 năm qua, số vở biểu diễn được đếm trên đầu ngón tay. Nhiều Nhà hát cứ tập vở xong, chuẩn bị lưu diễn, diễn trên sân khấu thì dịch Covid-19 lại ập đến mà phải dừng lại tất cả.
Nếu tình trạng này kéo dài thì các diễn viên trẻ sẽ bỏ nghề hết, nếu các em ra làm ngoài thì sân khấu không có diễn viên trẻ, sẽ rất thiệt thòi cho ngành nghệ thuật. Nghĩ đến là thấy nghẹn ngào và thương các em, thương chính mình và sân khấu.
Tôi đã có 42 năm làm nghề nhưng phải nói thật là đồng lương của một NSND, một Tiến sĩ nghệ thuật và là Giám đốc như tôi cũng chưa nổi 10 triệu đồng/tháng. Thử hỏi các diễn viên trẻ ở diện hợp đồng với số lương ít ỏi vài ba triệu thì làm sao đủ để trang trải cuộc sống.
Đó là một trong những lý do khiến rất nhiều nghệ sĩ tài năng, thậm chí là NSƯT bỏ nghề. Một nhà hát truyền thống như nhà hát Chèo Việt Nam nếu có bán vé thì doanh thu rất nhỏ giọt.
Bài toán giữ người đối với nghệ thuật chèo hiện vô cùng nan giải. Thật xót xa khi thấy diễn viên của mình vì “cơm áo gạo tiền” mà phải ra làm ngoài, kèm lời nhắn nhủ: Nếu có vai sẵn sàng trở về".
Nói về việc nghệ sĩ trẻ bỏ nghề vì không đủ sống, NSND Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc nhà hát Tuồng Việt Nam, cũng chia sẻ: “Nghệ sĩ đã đói thì không có tâm trí làm nghề nữa. Các đơn vị như nhà hát Chèo Việt Nam, nhà hát Cải lương Việt Nam, nhà hát Tuồng Việt Nam cũng trong tình trạng khó khăn tương tự. Việc chuyển hướng để có các hoạt động nghệ thuật của họ cũng rất khó khăn vì đặc thù của Nghệ thuật biểu diễn sân khấu chính là khán giả đến xem trực tiếp, nếu không có sự tương tác thì không thể biểu diễn được".
Các diễn viên mong hết dịch bệnh để biểu diễn trên sân khấu.
Về việc ảnh hưởng của dịch Covid-19, NSND Tống Toàn Thắng, Phó giám đốc liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, đơn vị cũng chịu những cú "knock out" liên tiếp từ Covid-19. Hàng loạt chương trình đã bán vé mà phải trả lại tiền cho khán giả như gala xiếc thường niên khai mạc 30/4, liên hoan xiếc thường niên ở Quảng Ninh, các chương trình chào mừng ngày 1/6...
Trong khi đó, Liên đoàn lại có quá nhiều diễn viên ngoài hợp đồng, phải tự cân đối để trả lương.
“Từ Tết, Liên đoàn đã đi vay đi mượn, nay kiệt quệ quá rồi. Chúng tôi phải nói với diễn viên ngoài hợp đồng nghỉ ở quê, luyện tập ở quê”, ông Thắng chia sẻ.
Sân khấu muốn "sống" được phải có biểu diễn. Vì vậy, các đơn vị nghệ thuật đã và đang tìm mọi cách để duy trì hoạt động. Thời gian qua, nhà hát Tuồng Việt Nam vẫn duy trì cho nghệ sĩ tập luyện vở mới, bảo đảm thực hiện "5K" trong phòng, chống dịch, để sẵn sàng phục vụ khán giả khi dịch được khống chế. Theo NSND Phạm Ngọc Tuấn, sân khấu trong bối cảnh này cần nhất giữ nghệ sĩ ở lại với nghề, nên các đơn vị phải linh hoạt xoay xở để trả lương cho nghệ sĩ.
NSƯT Xuân Bắc - Giám đốc nhà hát Kịch Việt Nam.
Nói về những tháo gỡ khó khăn trong dịch Covid-19, NSƯT Xuân Bắc - Giám đốc nhà hát Kịch Việt Nam cho biết: "Chúng tôi đều tuân thủ các quy định về việc phòng dịch, mong dịch bệnh qua nhanh để lại được biểu diễnn. Bên cạnh đó, đơn vị đã dự phòng để trả lương giữ nghệ sĩ trẻ, chúng tôi đang xây dựng các kênh trên Youtube và TikTok để nghệ sĩ biểu diễn phục vụ khán giả.
"Khó khăn sẽ là động lực để chúng tôi cố gắng 200%, trong khi ngồi ở nhà, chúng tôi vẫn động viên nhau, vẫn đọc kịch bản, để khi nào được phép biểu diễn, nghệ sĩ lại "bung lụa" để phục vụ khán giả" - NSƯT Xuân Bắc tâm sự.
Diễn viên trẻ Hồng Nga cho PV Người Đưa Tin Pháp Luật hay: "Dịch Covid-19 làm nhiều sân khấu lao đao. Là một diễn viên trẻ, tôi hiểu rằng, thời gian này, các nghệ sĩ biểu diễn sân khấu rất vất vả.
Người ta vẫn nói "có thực mới vực được đạo", nếu kinh tế không đủ ăn thì nuôi dưỡng niềm đam mê sân khấu thế nào? Tôi biết có nhiều diễn viên trẻ đã phải đi bán hàng online, đi làm nghề khác như mở shop quần áo, kinh doan nhỏ để duy trì cuộc sống. Nghệ sĩ đều mong dịch bệnh được khống chế để chúng tôi lại được làm nghề, lại có những vở kịch hay phục vụ khán giả".
Trong buổi làm việc với 12 nhà hát trực thuộc bộ VH, TT và DL ngày 27/5 bàn về giải pháp vượt khó khăn của sân khấu Việt Nam trong dịch Covid-19, ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng bộ VH,TT&DL cho hay: "Các nhà hát đang làm nhiệm vụ giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa Việt Nam thông qua nghệ thuật truyền thống, vì vậy việc duy trì, củng cố và phát triển các đơn vị nghệ thuật mang tầm quốc gia là vô cùng quan trọng.
Mặt khác, các nhà hát cũng đang thực hiện nhiệm vụ phục vụ chính trị, các nghệ sĩ, diễn viên là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hoá của Đảng, nhằm góp phần hun đúc bồi dưỡng các giá trị chân - thiện - mỹ, cũng như đang thực hiện phát triển xây dựng con người Việt Nam.
Với vị trí, vai trò như vậy đòi hỏi phải có giải pháp thật sự hiệu quả, khả thi để giúp các đơn vị nghệ thuật phát triển và giữ vững thương hiệu là nhà hát của quốc gia. Việc các nhà hát gặp khó khăn, chúng tôi cũng thấu hiểu và đang tìm cách tháo gỡ".
Ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng bộ VH,TT&DL.
Theo Bộ trưởng Hùng, trước mắt để giải quyết những khó khăn do tác động nặng nề của dịch Covid-19, lãnh đạo Bộ sẽ kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về gói hỗ trợ cho các đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập. Bộ trưởng giao cục Nghệ thuật biểu diễn nghiên cứu để đưa ra con số kinh phí hỗ trợ phù hợp, sát với tình hình thực tế. Bộ trưởng cũng đề nghị các Cục, vụ liên quan khẩn trương tổng hợp những ý kiến kiến nghị, đề xuất tại buổi làm việc, báo cáo với lãnh đạo Bộ, để Bộ trình với Thủ tướng Chính phủ. Văn bản báo cáo cần thể hiện cho được trí tuệ của tập thể, của những nghệ sĩ hàng đầu trên các loại hình nghệ thuật truyền thống.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần phối hợp với các đơn vị nghệ thuật Trung ương chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch tổ chức biểu diễn cũng như xây dựng các tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao; sửa chữa, nâng cấp rạp hát và các phương tiện kỹ thuật. Nghệ thuật biểu diễn cần chuẩn bị “sẵn nong, sẵn né” để khi cơn bão dịch bệnh Covid-19 đi qua, các nhà hát sẽ tung ra những tác phẩm nghệ thuật chất lượng, hấp dẫn để đáp ứng nhu cầu của khán giả.
Bất chấp lượng khách du lịch giảm mạnh, các khách sạn ở Hồng Kông vẫn lấp đầy phòng bằng những phương thức kinh...
Nguồn: [Link nguồn]