Nghịch lý càng đấu thầu giá vàng càng tăng

Sự kiện: Giá vàng

Chuyên gia cho rằng cơ chế đấu thầu vàng hiện nay nửa vời, tạo nên hiệu ứng tâm lý ngược khiến giá vàng miếng càng như "con ngựa bất kham".

Thủ tướng ngày 28/12/2023 lần đầu tiên chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có biện pháp để "hạ nhiệt" giá vàng miếng SJC với thế giới sau thời gian dài mặt hàng này chênh cao 18-20 triệu đồng một lượng với thế giới. Thị trường ngay lập tức phản ứng với thông điệp này. Nhiều người dân mang vàng miếng đi bán, giá quay đầu đi xuống trong ngày.

Sau thời điểm này, Chính phủ liên tục phát ra các thông điệp nhắc nhở Ngân hàng Nhà nước có biện pháp kiểm soát giá vàng miếng. Tâm lý "sợ rủi ro chính sách" khiến một bộ phận người dân chuyển dịch qua mua nhẫn trơn.

Giá vàng miếng bước vào giai đoạn tăng chậm hoặc thậm chí đi ngang so với thế giới khi "ngóng" chính sách. Từ mức chênh lệch 18-20 triệu đồng trước đó, mỗi lượng loại này chỉ còn cao hơn khoảng 12-14 triệu đồng so với thế giới.

Trước áp lực của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước lần đầu tiên sau nhiều năm tổ chức đấu thầu vàng miếng.

Đấu thầu vàng miếng, về mặt lý thuyết, là giải pháp để tăng cung lượng vừa đủ trong dài hạn, qua đó "hạ nhiệt" giá về sát hơn thế giới. Các chuyên gia hình dung kịch bản một lượng vàng lớn được tung ra sẽ trung hòa được nhu cầu từ thị trường. Đồng thời, điều này cũng tạo ra tác động tâm lý khiến nhiều người dân e ngại rủi ro, bán ra thị trường, qua đó đẩy giá đi xuống.

Tuy nhiên, các phiên gọi thầu liên tục "ế", giá sàn chào thầu bị chê cao. Ngân hàng Nhà nước chỉ bán được số ít vàng so với lượng chào thầu.

Sau mỗi phiên đấu thầu thất bại, giá ngay trong phiên đều quay đầu đi lên bất chấp diễn biến thế giới. Thay vì giúp hạ nhiệt, các phiên đấu thầu theo giá như hiện nay lại khiến thực tế đi ngược lại với lý thuyết.

Đỉnh điểm ngày 10/5, giá vàng miếng SJC tăng vọt tới 3-4 triệu đồng dù thế giới đi ngang và lại trở về đắt hơn so với thế giới 20 triệu đồng một lượng.

Về nguyên lý, giá vàng miếng SJC từ trước đến nay vẫn thường xuyên biến động khó lường và bất quy luật so với thế giới và các loại vàng nhẫn, nữ trang trong nước. Nhẫn hay nữ trang là mặt hàng doanh nghiệp đủ điều kiện được quyền chủ động sản xuất dựa trên vàng nguyên liệu trên thị trường, do đó thường diễn biến sát với thế giới.

Vàng miếng SJC lại có một câu chuyện khác. Từ năm 2012 đến nay, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) là đơn vị được Ngân hàng Nhà nước thuê gia công và dập loại này nhưng máy móc đã niêm phong trong suốt chục năm qua. Nói cách khác, một lượng cung không đổi vàng miếng lưu thông trên thị trường, nằm trong két người dân hoặc được mua đi bán lại. Chỉ tới gần đây thông qua việc đấu thầu, nguồn cung mới được tăng thêm.

Do đó, các chuyên gia luôn nhận định, giá vàng miếng "vênh" bao nhiêu so với thế giới, phụ thuộc vào hai yếu tố là cung, cầu trong nước. Phía cung phụ thuộc vào việc Ngân hàng Nhà nước tăng cung ra thị trường bao nhiêu. Phía cầu dựa vào tâm lý, kỳ vọng của người dân. Vì thế, vàng miếng là kênh đầu tư mang nặng yếu tố tâm lý bởi tính khan hiếm về nguồn cung.

Cách đấu giá của Ngân hàng Nhà nước như hiện nay, theo chuyên gia vàng hàng chục năm kinh nghiệm, dường như đang tạo ra hiệu ứng tâm lý ngược với người dân, thay vì đi theo mục tiêu ban đầu.

Giá doanh nghiệp mua "sỉ" từ nhà điều hành qua các phiên thầu kém khoảng 1 triệu đồng so với mua từ dân cư và cao hơn 14-15 triệu đồng giá quốc tế. Việc này khiến nhiều người dân tin rằng, doanh nghiệp sẽ phải bán ra với giá cao hơn nữa.

Vì thế, thay vì hiểu theo cơ chế tăng cung trong dài hạn để giảm nhiệt, người dân lại cho rằng giá vàng chưa thể giảm trong ngắn hạn vì "Ngân hàng Nhà nước còn bán ra với giá cao hơn cả chục triệu so với thế giới". Điều này tạo ra hiệu ứng tâm lý ngược trong ngắn hạn, đẩy giá vàng miếng tăng tốc.

Chưa kể, những bất ổn kinh tế, chính trị trên thế giới đang khiến vàng trở thành lựa chọn an toàn hơn bao giờ hết. Sức nóng của kim loại quý trên thị trường quốc tế cũng phả hơi vào tâm lý người dân. Đa phần họ mua vàng giai đoạn này, đều chung tâm lý, không còn lựa chọn đầu tư nào tốt hơn vàng trong bối cảnh bất ổn, lãi suất thấp và đầu tư bất động sản kém hấp dẫn.

Bên cạnh đó, lượng cung nhỏ giọt ra thị trường qua các phiên đấu thầu, theo chuyên gia, là quá nhỏ để tạo áp lực trên thị trường. 6.800 lượng vàng miếng tung ra gần như được được thị trường hấp thụ hết. Đỉnh điểm tới 10/5, nhiều đơn vị hết hàng hoặc hạn chế lượng mua rất ít. Ngay cả SJC là đơn vị hai lần liên tiếp trúng thầu, cũng hết vàng miếng cục bộ hoặc giới hạn mỗi người chỉ được mua tối đa 1 lượng trong ngày.

Theo nguồn tin của VnExpress, 2.000 lượng vàng của một đơn vị kinh doanh lớn sau trúng thầu được bán sạch trong ngày 9/5.

Các chuyên gia đều chung quan điểm, cách đấu giá như hiện tại của Ngân hàng Nhà nước khó khả thi trong mục tiêu hạ chênh lệch với thế giới. Thực tế, cách đấu thầu này là dễ hiểu xét trong bối cảnh nhiều áp lực về tỷ giá, lãi suất đang giằng co Ngân hàng Nhà nước trên vai nhà điều hành chính sách tiền tệ.

Nhưng giải pháp hiệu quả để "giảm nhiệt" giá kim loại quý là hạ giá sàn hoặc đấu thầu theo khối lượng. Tuy vậy, cách làm này theo các chuyên gia, đòi hỏi sự dũng cảm và sự đánh đổi của Ngân hàng Nhà nước với những mục tiêu vĩ mô khác.

Nếu đấu thầu vàng với giá thấp, chuyên gia tin rằng 16.800 lượng chào thầu mỗi phiên sẽ được doanh nghiệp "vét" sạch. Nhưng việc Ngân hàng Nhà nước tung ra thị trường lượng vàng miếng càng lớn đồng nghĩa với việc dự trữ ngoại hối quốc gia hao hụt càng nhiều. Trong khi đó, dự trữ ngoại hối là "kho gạo" mà cơ quan quản lý tiền tệ đã dày công xây dựng và là điểm tựa để tự tin can thiệp khi tỷ giá biến động mạnh. Ngân hàng Nhà nước cho biết hơn 100 tỷ USD dự trữ ngoại hối tính đến cuối 2023 là nguồn lực sẵn sàng can thiệp để ổn định tỷ giá khi cần thiết.

Xét giữa hai mục tiêu, bình ổn tỷ giá và bình ổn giá vàng, vế đầu tiên luôn là ưu tiên của nhà điều hành chính sách tiền tệ.

Nghịch lý càng đấu thầu giá vàng càng tăng - 1

Dự báo về dự trữ ngoại hối của Việt Nam theo ước tính của VnDirect. Cũng theo Ngân hành nhà nước, dự trữ ngoại hối tới cuối 2023 khoảng 100 tỷ USD.

Chia sẻ với VnExpress, lãnh đạo một nhà băng lớn, đứng từ góc độ ổn định kinh tế vĩ mô, tỏ ra không đồng tình khi thị trường đòi hỏi bình ổn giá vàng miếng trong bối cảnh tỷ giá đang là mối lo chung của nhiều nền kinh tế, không riêng Việt Nam.

Tỷ giá biến động tác động tới tất cả người dân và doanh nghiệp, trên diện rộng. USD tăng khiến giá hàng nhập khẩu tăng theo, kéo theo mặt bằng giá và lạm phát đi lên. Trong khi đó, trên quan điểm thuần túy người làm ngân hàng, lãnh đạo này nói "giá vàng miếng SJC cao hay thấp so với thế giới chỉ tác động đến một bộ phận nhỏ người dân". Theo bà, với nhu cầu tích lũy chính đáng, người dân hoàn toàn có thể chọn vàng nhẫn trơn thay vì chạy theo mặt hàng khan hiếm nguồn cung này.

"Chạy theo tâm lý người dân để bình ổn giá vàng miếng, là điều tôi bức xúc lâu nay", người này nói. Tại sao phải hy sinh dự trữ ngoại hối để bình ổn giá vàng miếng, trong khi người dân có những lựa chọn đầu tư, tích lũy khác như nữ trang hoặc nhẫn trơn, người này đặt câu hỏi. Đồng thời, bà nói thêm, với đặc tính khan hiếm của mặt hàng độc quyền này, việc can thiệp bằng cách tăng cung không chỉ là "làm một lần rồi xong". Bà cho rằng cần tính đến giải pháp dài hạn là xóa bỏ hẳn việc độc quyền vàng miếng.

Không chỉ là sự đánh đổi về tỷ giá, việc tăng cung vàng ra thị trường, theo chuyên gia cũng tạo ra mối lo vô hình về "vàng hóa" nền kinh tế. Vàng là kênh đầu tư phụ thuộc rất lớn vào tâm lý người dân. Xã hội, kinh tế càng bất ổn, người ta càng tìm tới vàng. Khó ai biết chắc được, thị trường có thể hấp thụ và "thích" vàng miếng tới đâu.

Do đó, theo chuyên gia, đấu thầu vàng miếng trong tâm thế muôn vàn nỗi lo tạo ra cách làm dè chừng và thiếu hiệu quả của Ngân hàng Nhà nước. Chưa rõ nhà điều hành sẽ cân đối giữa các mục tiêu ra sao, nhưng nếu giữ nguyên cách làm hiện tại, các chuyên gia đều nhìn nhận nhiệm vụ hạ giá mặt hàng này về sát thế giới, khó khả thi.

Nguồn: [Link nguồn]

Sau 5 lần biến động biểu giá chỉ trong hơn hai tiếng buổi sáng 10/5, giá vàng miếng SJC vẫn không ngừng tăng. Đầu giờ chiều, giá vàng miếng SJC đã...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Trang ([Tên nguồn])
Giá vàng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN