Lưu bài Bỏ lưu bài
Chia sẻ

-Ngành IT

-Nhân lực: 430.000 lao động

-Mục tiêu năm 2030: 1,5 triệu lao động

-Lương phổ biến: 8.4-27,4 triệu/tháng

-Lương cao nhất: 143 triệu/tháng (CTO)

Trong mắt nhiều người, dân IT đơn giản là những người chuyên làm việc với máy tính. Đó có thể là một người đi cài phần mềm dạo; là anh IT ở công ty, là người tạo trang web mà bạn đang đọc, hay CTO của một công ty hàng đầu. Công việc của họ có tính chất, môi trường làm việc khác nhau… và mỗi người lại có một câu chuyện nghề riêng.
Nghề làm “vua của mọi nghề”, lương cao top đầu ở Việt Nam, lúc nào cũng khát nhân lực - 2

Câu chuyện của N. T. T. Trang

-Tuổi: 35

-Nghề nghiệp: Kỹ sư thiết kế CAD

-Nghề nghiệp trước đây: Kỹ sư kiểm thử phần mềm (Tester)

-Thu nhập: 20 triệu/tháng

Năm 2011, tôi bắt đầu công việc đầu tiên của mình là làm kiểm thử phần mềm (Tester). Hiểu nôm na là nếu lập trình viên đổ mồ hôi tìm cách xây dựng thì tôi phải ngồi vắt óc ra tìm cách phá, phá theo mọi hướng có thể nghĩ được. Chính vì vậy làm tester cần khả năng bao quát rất tốt. Tìm ra lỗi là “Eureka!”, lòng vui như mở cờ.
Nghề làm “vua của mọi nghề”, lương cao top đầu ở Việt Nam, lúc nào cũng khát nhân lực - 3
Lương khởi điểm của tôi là 4,9 triệu/tháng, mức trung bình của sinh viên mới ra trường ngày đấy. Hồi đó có ai bảo IT là vua của mọi nghề thì chắc sẽ bị cười nhạo vì việc cực quá, còn sức đâu mà làm vua chúa. Đúng 8h sáng, tôi quẹt vân tay rồi bắt đầu gõ phím điên cuồng, nhiều khi việc gấp quá còn không dám đứng dậy đi vệ sinh. Tôi gõ máy đến to cả ngón tay. Câu cửa miệng của cả hội là “lụt rồi”, công việc lênh láng làm mãi không kịp. Những lúc bị “deadline dí” thì cứ xác định là sẽ ngồi làm thâu đêm. Sợ nhất là đến lúc ra mắt rồi mà sản phẩm vẫn chưa thấy đâu để mình test. Cũng may là đồng nghiệp nam cũng tốt bụng, hay nhường cho con gái chúng tôi được về trước. Là con gái mà tôi uống cà phê thay nước, mấy anh đàn ông thì suốt ngày hút thuốc lá. Đương nhiên, cũng có không ít kỷ niệm đẹp. Vì làm việc cho đối tác nước ngoài nên chúng tôi có lần được sang Nhật mấy tháng liền để làm, đánh dấu chuyến đi nước ngoài đầu tiên của tôi. Đến giờ tôi vẫn giữ tấm vé máy bay và nhớ như in cảm giác khi tan làm lúc trời đã nhá nhem tối tại một đất nước xa lạ.
Nghề làm “vua của mọi nghề”, lương cao top đầu ở Việt Nam, lúc nào cũng khát nhân lực - 4
Một điều bật mí nữa là nếu bạn gái có ế thì công ty phần mềm là nơi làm lý tưởng đấy. Môi trường “dương thịnh, âm suy”, con gái ở đây như là “kỳ quan”. Phần lớn các anh làm IT đều ít nói, chỉ thích cắm mặt vào máy tính nhưng họ là những người rất chất phác, chân thành. Tôi cũng gặp chồng của mình ở đây. Có khi nếu không gặp nhau thì cả 2 chúng tôi đều ế đến giờ vì đều sống hướng nội, ngại nói chuyện với người lạ. Nhưng mà khi lập gia đình và có con, cả 2 cùng làm IT thì thôi rồi, con cái cả ngày có khi không nhìn thấy bố mẹ đâu. Nhất là phụ nữ sau khi sinh nở, nhiều khi ngồi làm tôi cảm thấy lưng mình tê dại, mắt thì hoa đi. Trong khi đó, công việc đến một lúc nào đó lại khiến tôi cảm thấy nhàm chán vì lặp đi lặp lại. Đến nay, tôi đã chuyển sang làm thiết kế CAD được 6 năm rồi. Công việc này hợp với tôi vì nhẹ đầu, không phải ôm việc về nhà, giờ giấc cũng thoải mái hơn. Tôi thấy chuyển việc là hợp lý vì người ta thường nói tuổi nghề của coder chỉ là 40 tuổi thôi, sau đó phần lớn phải phát triển theo hướng khác, vì lý do sức khoẻ hay thiếu cơ hội để phát triển khi lớn tuổi.
Nghề làm “vua của mọi nghề”, lương cao top đầu ở Việt Nam, lúc nào cũng khát nhân lực - 5
Nghề làm “vua của mọi nghề”, lương cao top đầu ở Việt Nam, lúc nào cũng khát nhân lực - 6

Câu chuyện của T. H. Tuấn

-Tuổi: 31

-Nghề nghiệp: Kỹ sư an ninh mạng

-Thu nhập: 2X triệu/tháng

Gần đây các bạn có nhận được tin nhắn này từ đầu số của ngân hàng không “Tài khoản của bạn đã đăng ký thành công chương trình quảng cáo có trên TikTok, mỗi tháng thu phí 4.150.000 VND. Vui lòng vào abc.xyz để kiểm tra hoặc để hủy”? Các bạn đừng click vào link đấy, tôi đang đi xử lý đây.
Nghề làm “vua của mọi nghề”, lương cao top đầu ở Việt Nam, lúc nào cũng khát nhân lực - 7
Tôi là kỹ sư an ninh mạng tại một ngân hàng thương mại. Công việc mỗi ngày của tôi chính là chạy đua, đấu trí với những hacker. Mỗi ngày, hàng trăm ngàn tỷ đồng được giao dịch trên hệ thống ngân hàng, hàng triệu tỷ đang nằm trong các tài khoản tiền gửi…. Nhiệm vụ của chúng tôi là giữ cho số tiền đó được an toàn. Chúng tôi thường phải đặt mình vào vai kẻ xấu, nghĩ xem có những khe hở bảo mật nào rồi sau đó phải ra tay trước để lấp lỗ hổng đó. Nếu một sự cố xảy ra, cả đội sẽ phải tập trung truy vết, ngăn chặn tiền bị chuyển đi tiếp, không để “mất dấu” tiền. An ninh mạng không chỉ là bảo vệ hệ thống giao dịch trên máy tính, web hay app mà còn về phần lõi (firmware) hay sóng… Ví dụ như tin nhắn mạo danh ngân hàng ở trên, tội phạm đã gây nhiễu sóng rồi dùng các trạm thu phát sóng (BTS) giả để gửi tin nhắn, gây lầm tưởng đó là tin từ tổng đài ngân hàng. Thường chúng tôi có thể dùng thiết bị để phát hiện ra các phổ sóng bất thường rồi xác định vị trí của chúng.
Nghề làm “vua của mọi nghề”, lương cao top đầu ở Việt Nam, lúc nào cũng khát nhân lực - 8
Hiện nay tôi đang phụ trách một mảng còn tương đối mới trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Đó là IOT-Internet vạn vật. Hãy tưởng tượng khi mọi thiết bị kết nối không dây với nhau. Như vậy chỉ cần một mắt xích như chiếc camera hay máy in bị hack, cả một mạng lưới có thể gặp rủi ro. Tôi có nguyên một “phòng thí nghiệm” tại gia mà con gái tôi hay gọi là “tổ của bố”, chứa đầy các thiết bị không dây. Thường tôi sẽ thử tương tác thiết bị qua sóng vô tuyến xem có cổng nào sơ hở không. Ở cấp độ sâu hơn, có thể tôi sẽ “mổ xẻ” thiết bị để phân tích. Hầu như tối nào, sau thời gian dành cho gia đình, tôi cũng ngồi ở cái tổ của mình đến khuya.
Nghề làm “vua của mọi nghề”, lương cao top đầu ở Việt Nam, lúc nào cũng khát nhân lực - 9
Nhiều người hỏi tôi thấy cả ngàn tỷ bay lượn trước mắt cảm giác thế nào. Thật ra thì tất cả cũng chỉ như những đoạn code thôi. Tuy nhiên với vai trò của người trong nghề, chúng tôi cũng nhìn ra được nếu một kỹ sư an ninh mạng không đứng vững trước cám dỗ có thể để lại hậu quả thế nào. Và dù hợp động lao động cũng quy định rất chặt chẽ cũng như quy trình làm việc có kiểm tra chéo nhưng tôi nghĩ bản lĩnh của người làm nhiệm vụ gác cửa chúng tôi là rất quan trọng. IT có phải vua của mọi nghề không thì tôi cũng không rõ nhưng mà tôi nghĩ làm công nghệ có cảm giác khá “ngầu”. Làm an ninh mạng tôi thấy mình không bị lạc hậu và cũng không có chỗ cho nhàm chán vì luôn phải nắm những công nghệ mới nhất để còn đấu lại với hacker.
Nghề làm “vua của mọi nghề”, lương cao top đầu ở Việt Nam, lúc nào cũng khát nhân lực - 10

Câu chuyện của P. Anh Đức

-Tuổi: 19

-Nghề nghiệp: Sinh viên khoa CNTT

-Thu nhập: 3 triệu/tháng

Em là Anh Đức, sinh viên khoa công nghệ thông tin Đại học Sư phạm Hà Nội. Từ hồi học cấp 3, em đã xác định mình sẽ làm IT, vì em rất thích tìm hiểu về các thiết bị hiện đại. Hơn nữa, gia đình em không có điều kiện mà ngành này ra trường lại dễ tìm việc, lương cũng cao. Ở đâu người ta cũng nhắc đến “Cách mạng công nghiệp 4.0” nên em nghĩ mình không thất nghiệp được. Người ta gọi “IT là vua của mọi nghề” cũng có lý do. Khi lên đại học em thấy nhiều bạn đã đi trước mình rất xa, học lập trình từ nhỏ. Em mới đầu cũng choáng vì một tiết học có bao nhiêu là thuật ngữ chuyên ngành mới, viết code thì phải gõ tiếng Anh rất nhiều mà hồi ở quê em học ngoại ngữ hơi chểnh mảng.
Nghề làm “vua của mọi nghề”, lương cao top đầu ở Việt Nam, lúc nào cũng khát nhân lực - 11
Nghề làm “vua của mọi nghề”, lương cao top đầu ở Việt Nam, lúc nào cũng khát nhân lực - 12
Có lần cả đêm em ngồi vò đầu bứt tai vì giải một đề bài mà mãi không biết sai ở đâu. Hôm sau đến lớp, thầy giáo chỉ gõ thêm dấu “;” là chạy ngon lành. Em thấy học lập trình cũng giống ngoại ngữ, mình phải học đi học lại để ghi nhớ và hiểu rõ các chức năng. Giống học tiếng Anh, phải biết rõ từng từ rồi ghép lại thành câu, không được sai chính tả, ngữ pháp thì mới viết được cả bài văn Mà học IT cũng tốn kém lắm. Em đang phải chạy mấy việc làm thêm, vừa làm ở quán ăn nhanh, cuối tuần đi phụ đội chụp ảnh, thỉnh thoảng còn đi giao hàng. Thường các bạn chỉ mua máy tính hơn 10 triệu là đủ dùng trong 4 năm đại học rồi nhưng bọn em thì phải đầu tư máy trên 25 triệu, rồi nay mai lại mua sắm thêm thiết bị này, thiết bị kia. Phần mềm cũng phải loại có bản quyền thì mới được hỗ trợ. Nhiều như vậy em không thể hỏi xin gia đình suốt vì riêng học phí của em cũng nặng hơn các khoa kỹ thuật khác.
Nhưng mà nói gì thì nói, em tin tất cả đều xứng đáng. Em rất thích cảm giác viết code giải ra được một bài toán hay phát hiện một lỗi sai nào đấy. Nhiều anh chị hay doạ làm nghề này khó có người yêu, chưa già đã đau lưng hay phải làm việc đêm hôm vất vả lắm. Em thì không lo quá vì em là cú đêm, buổi tối em còn minh mẫn hơn cả ban ngày. Nhưng mà nói thật em vẫn sợ mình bị thoát vị địa đệm. Mục tiêu của em còn đơn giản lắm, cố gắng học tốt để tới giữa năm 3 là có thể làm thêm đúng chuyên ngành. Công nghệ thay đổi nhanh nên học mãi cũng không hết. Tuy nhiên, thay vì lo lắng em thấy mình cứ học thật kỹ cơ bản rồi bình tĩnh đón nhận cái mới, không lười biếng thì chắc nghề không phụ mình đâu.
 

Bài viết: Hồng Hạnh

Thiết kế: Nãm Trung Nguyên

Chủ Nhật, ngày 06/11/2022 05:00 AM (GMT+7)
Theo Hồng Hạnh ([Tên nguồn])
Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN