Ngân sách nhà nước: Thu vẫn không đủ bù chi
Năm 2019, lần đầu tiên 63 tỉnh, thành cả nước đều thu đạt, thậm chí nhiều nơi vượt dự toán ngân sách nhà nước (NSNN). Tuy nhiên, soi kỹ thì thấy, số thu nhiều nhưng cũng tỷ lệ thuận với chi.
Thu ngân sách - Ảnh: Dân trí
Ngân sách nhà nước năm qua vẫn bội chi cao. Nhiều chuyên gia cho rằng, sự phân bổ thu chi ngân sách giữa các tỉnh vẫn còn bất cập, nhiều nguồn thu chưa khai thác hết tiềm năng.
Thu vẫn không đủ bù chi
Một bất cập lớn trong công tác thu chi ngân sách địa phương vẫn đang diễn ra là dù hằng năm, các tỉnh, thành phố đều lập dự toán gửi về Bộ Tài chính để xem xét, điều chỉnh, cân đối thu chi ngân sách. Thế nhưng, chỉ có 16 tỉnh, thành phố luôn phải nộp phần lớn số thu ngân sách về Trung ương. Trong đó, TPHCM chỉ được giữ lại 18%, nộp về Trung ương 82%. Con số tương ứng của Hà Nội là giữ 35% nộp 65%, Bình Dương là 36% và 64%, Đồng Nai 47% và 53%, Vĩnh Phúc 53% và 47%, Bà Rịa - Vũng Tàu 64% và 36%, Hải Phòng 78% và 22%...Đây cũng là vấn đề lãnh đạo UBND TPHCM liên tục kiến nghị Trung ương cần xem xét điều chỉnh tại các cuộc họp gần đây.
“Thu ngân sách của TPHCM bằng tổng thu của 55 tỉnh (tính từ dưới lên) cộng lại, đóng góp 27% ngân sách cả nước nhưng nhận lại chỉ có 5%. Như vậy, thành phố không có điều kiện để tái tạo, phát triển. Chưa kể, với chỉ tiêu thu NSNN năm 2020 mới được Quốc hội giao, bình quân mỗi ngày làm việc thành phố phải vắt sức thu đạt 1.620 tỷ đồng” - Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ.
Thực tế, trong khi các đầu tàu của cả nước phải căng hết sức để thu ngân sách thì nhiều địa phương khác hằng năm vẫn phải nhận “viện trợ” từ Trung ương, kể cả nguồn "viện trợ" nước ngoài không hoàn lại như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hà Giang.
Một vấn đề khác là hiện nay, cả nước đang có hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể nhưng thống kê chỉ có 1,7 triệu hộ đóng thuế môn bài. Nếu tính trung bình mỗi hộ chỉ đóng 1 triệu đồng/tháng, nhân với 12 tháng, nhân với 3,3 triệu hộ kinh doanh, tính ra NSNN sẽ có thêm khoảng 39.600 tỷ đồng/năm. Do đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần có cơ chế để đưa hộ kinh doanh cá thể tham gia với cộng đồng DN nhỏ và vừa.
Kiểm soát chi vẫn chưa chặt
Thực tế cho thấy, năm qua dù lần đầu tiên 63 tỉnh, thành trên cả nước thu đạt, thậm chí vượt dự toán thu NSNN. Tuy nhiên, soi kỹ vẫn có rất nhiều địa phương thu ít nhưng chi nhiều. Đơn cử như tỉnh Hà Tĩnh, tổng thu NSNN đạt 14.567 tỷ đồng, nhưng tổng chi lên tới 16.017 tỷ đồng.
Khi Kiểm toán quyết toán NSNN năm 2017, Kiểm toán Nhà nước cũng tỏ ra băn khoăn với con số thu NSNN hàng năm tăng mạnh song chủ yếu từ tiền sử dụng đất, dầu thô, xổ số kiến thiết. Kiểm toán chỉ ra rằng, thu NSNN chưa phản ánh được nỗ lực của nền kinh tế, khu vực tư nhân còn nhiều tiềm năng chưa được phát huy hết. Thu từ sản xuất kinh doanh thấp. Hơn nữa, số thu tăng cao nhưng chi cũng tiếp tục tăng lên, luôn vượt dự toán được Quốc hội giao.
Kết quả thanh tra, kiểm tra của các bộ, ngành, địa phương của Kiểm toán Nhà nước năm 2017 cũng cho thấy, nhiều đơn vị sử dụng NSNN chi sai chế độ. “Tại một số bộ, ngành, địa phương, lập, duyệt đoàn đi nước ngoài chưa đúng quy định. Có trường hợp lãnh đạo đi công tác nước ngoài nhiều lần trong năm, một số đoàn ra nước ngoài với nội dung khảo sát, học tập kinh nghiệm nhưng chủ yếu là để tham quan, du lịch, giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ chuẩn bị về hưu, nghỉ công tác”, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đánh giá.
Trả lời PV Tiền Phong về bất cập trong thu chi ngân sách ở các địa phương, một lãnh đạo Bộ Tài chính thừa nhận, thực tế nhiều địa phương những năm vừa qua dù số thu tăng mạnh nhưng vẫn không đủ bù chi, chẳng hạn như Bắc Kạn, Điện Biên. Các tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Sơn La, Lai Châu hay một số tỉnh miền Tây Nam bộ, hạ tầng còn rất khó khăn, Trung ương rót ngân sách về làm đường sá, song có khi chỉ một trận lũ quét lại tan hoang.
“Chúng tôi cũng có đề án báo cáo Thủ tướng về phân cấp lại ngân sách. Trong đợt Đại hội Đảng tới đây cũng sẽ được đưa vào. Vấn đề ngân sách vẫn phải đảm bảo sự chủ động của Trung ương và từng địa phương. Đơn cử như vừa qua TPHCM kêu rất nhiều nhưng thực tế tốc độ tăng thu của họ vẫn thấp hơn một số nơi, quy mô cũng giảm dần, tốc độ tăng trưởng lĩnh vực xây dựng chỉ đạt 1%”, vị lãnh đạo Bộ Tài chính cho hay.
Ông Nguyễn Minh Tân, Vụ phó Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) cho rằng, cần giữ nghiêm kỷ luật thu chi ngân sách ở các địa phương, phấn đấu thu đúng, thu đủ, thu kịp thời về ngân sách mới có nguồn đảm bảo các nhiệm vụ chi theo dự toán. Đồng thời, Chính phủ cần minh bạch hóa các thông tin liên quan đến kỷ luật tài khóa.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đề xuất, cần sớm hoàn thiện và giải quyết các vấn đề liên quan đến hệ thống chính sách thuế trên quan điểm thúc đẩy khối DN nhỏ và vừa, khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể vươn lên thành DN nhỏ và vừa, để vừa huy động hợp lý vào ngân sách, vừa mở rộng cơ sở thuế trên cơ sở thực hiện tốt các nguyên tắc về chống chuyển giá, trốn thuế.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, Bộ Tài chính cần cải cách, điều chỉnh các sắc thuế cho phù hợp (nghiên cứu sớm vận động, thu thuế của 3,3 triệu hộ kinh doanh còn lại), tạo dư địa ngân sách bền vững. Cũng như, tái cơ cấu thu-chi, nuôi dưỡng nguồn thu hợp lý từ Trung ương tới các địa phương. Cùng với đó, phải đẩy mạnh thu hồi nợ thuế, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế, chống chuyển giá trốn thuế của khối DN FDI, chống tham nhũng.
8 Cục Hải quan gồm: Bình Định, An Giang, Tây Ninh, Quảng Trị, Quảng Ninh, Hà Nam Ninh, Long An và Khánh Hòa vừa được Tổng...
Nguồn: [Link nguồn]