Ngân hàng Việt đầu tiên có tổng tài sản hơn 100 tỉ USD, quy mô lớn cỡ nào?
Không chỉ ngân hàng Việt đầu tiên vượt mốc tổng tài sản 100 tỉ USD, nhiều ngân hàng khác cũng đang "chạy đua" tăng trưởng về quy mô, vốn hóa...
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố Báo cáo tài chính quý III/2024. Trong đó, con số đáng chú ý nhất là tổng tài sản hợp nhất của ngân hàng tăng vọt lên 2,58 triệu tỉ đồng, tăng trưởng 12% so với cuối năm ngoái và tiếp tục giữ vững vị thế là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất thị trường. Quy đổi theo tỉ giá niêm yết lên hơn 100 tỉ USD. Đây là ngân hàng đầu tiên của Việt Nam có quy mô tổng tài sản vượt mốc này.
Không chỉ BIDV, một số ngân hàng khác của Việt Nam cũng có tài sản tăng vọt như VietinBank tổng tài sản hợp nhất đến hết quý III/2024 hơn 2,22 triệu tỉ đồng (hơn 87 tỉ USD); Vietcombank hơn 1,93 triệu tỉ đồng (hơn 75,8 tỉ USD).
"Ông lớn" Agribank hiện chưa công bố báo cáo tài chính quý III, tuy nhiên thống kê tới hết quý II/2024, tổng tài sản của ngân hàng này cũng vượt 2,07 triệu tỉ đồng, chỉ xếp sau BIDV và VietinBank.
Con số trên cũng bỏ xa tổng tài sản của một số ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất trong hệ thống như MB, Techcombank và VPBank. Dẫn đầu về tổng tài sản của khối ngân hàng cổ phần là MB với hơn 1,02 triệu tỉ đồng tính đến hết tháng 9-2024.
BIDV là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất hệ thống tới hết quý III/2024
Theo BIDV, không chỉ tổng tài sản hợp nhất tăng trưởng hai con số; huy động vốn của ngân hàng cũng đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng vốn, bảo đảm an toàn thanh khoản hệ thống. Đến 30-9, huy động vốn tổ chức, dân cư đạt 2,07 triệu tỉ đồng, tăng 8,8% so với đầu năm, tập trung vào phân khúc bán lẻ, góp phần gia tăng tính ổn định của nền vốn.
"Hoạt động tín dụng ghi nhận mức tăng khá so với bình quân ngành ngân hàng, dư nợ tín dụng đạt 1,96 triệu tỉ đồng, tăng 9,8% so với đầu năm. Trong đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng phát triển bền vững, tập trung vào phân khúc bán lẻ tăng 21% so với cuối năm ngoái và khách hàng doanh nghiệp nước ngoài tăng trưởng 19,4%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 22.047 tỉ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước", đại diện BIDV thông tin.
Với con số trên, BIDV cũng vươn lên vị trí thứ 3 về lợi nhuận của ngành ngân hàng trong 9 tháng đầu năm 2024.
Vietcombank là ngân hàng có quy mô vốn hóa lớn nhất hệ thống tính tới hết quý III/2024
Dù tổng tài sản hợp nhất chỉ đứng thứ 3 trong ngành ngân hàng, như Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) mới là quán quân về lợi nhuận của ngành trong 9 tháng qua. Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 của Vietcombank cho thấy lợi nhuận trước thuế lên hơn 31.500 tỉ đồng (tương đương 1,2 tỉ USD), hơn ngân hàng ở vị trí thứ hai là Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) hơn 8.600 tỉ đồng. Techcombank báo lãi trước thuế trong 9 tháng qua hơn 22.800 tỉ đồng.
Theo ghi nhận, hệ thống ngân hàng trong 9 tháng qua có 4 ngân hàng đạt tổng lợi nhuận trước thuế vượt mốc 20.000 tỉ đồng gồm Vietcombank, Techcombank, BIDV và MB.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu của nhiều ngân hàng cũng diễn biến tích cực thời gian qua, đóng góp vào sự phát triển của thị trường chứng khoán. Hiện cổ phiếu ngân hàng có thị giá cao nhất là VCB của Vietcombank, với mức giao dịch tính đến sáng 4-11 là 94.500 đồng/cổ phiếu, tăng 1,07% so với phiên trước.
Giá trị vốn hóa của cổ phiếu VCB cũng dẫn đầu ngành ngân hàng, đạt hơn 522.000 tỉ đồng (tương đương khoảng 20,4 tỉ USD).
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới diễn biến khó lường và tiềm ẩn nhiều rủi ro, có ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam, các ngân hàng thương mại, đặc biệt là khu vực ngân hàng thương mại quốc doanh vẫn phát huy vai trò trong việc cung ứng vốn cho nền kinh tế, theo đúng định hướng, chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế.
Trước khi được bổ nhiệm giữ vị trí quyền Tổng giám đốc của LPBank, doanh nhân sinh năm 1981 này đã có hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài...
Nguồn: [Link nguồn]