Ngân hàng vẫn lãi lớn, vì sao?
Nhiều ngân hàng thương mại vẫn báo lãi hàng chục ngàn tỉ đồng bất chấp tác động từ dịch Covid-19, song áp lực nợ xấu cũng gia tăng
Báo cáo kết quả kinh doanh của hàng loạt ngân hàng (NH) thương mại vừa công bố trong 9 tháng đầu năm 2021 cho thấy đà tăng trưởng lợi nhuận vẫn rất khả quan. Trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 kéo dài, doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn, nguồn thu của các NH thương mại đến từ đâu giúp lợi nhuận vẫn rất cao?
Có ngân hàng vượt lợi nhuận cả năm
Theo báo cáo ngành NH của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng vừa công bố, lợi nhuận trước thuế của 17 NH niêm yết trong 9 tháng đầu năm nay tăng 42,6% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 132.000 tỉ đồng. Tăng trưởng lợi nhuận trước thuế toàn ngành được duy trì ở mức cao, nhất là với những NH cổ phần, NH có vốn hóa vừa và nhỏ.
NH TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cho biết trong 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt tới 17.100 tỉ đồng, tăng 59,6% so với cùng kỳ 2020. Dù thu nhập từ dịch vụ trong quý III/2021 bị ảnh hưởng do các hoạt động kinh tế giảm sút và biện pháp giãn cách xã hội nhưng thu nhập lãi thuần tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ cầu tín dụng và lợi thế chi phí vốn thấp.
Một NH khác có kết quả kinh doanh với lợi nhuận vượt 10.000 tỉ đồng là NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Trong 9 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của VPBank đạt hơn 11.736 tỉ đồng, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng lợi nhuận trước thuế của NH mẹ đạt 10.872 tỉ đồng, tăng 75,2% so với cùng kỳ.
NH TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng công bố kết quả kinh doanh quý III/2021 với lợi nhuận 9 tháng đầu năm tương đương 4.394 tỉ đồng, đạt 75,7% kế hoạch của cả năm.
Lợi nhuận ngành ngân hàng vẫn được duy trì ở mức cao trong thời gian qua Ảnh: Bình An
Sức ép giảm lãi suất, nợ xấu cao
Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank, cho hay tổng thu nhập hoạt động của NH đạt 9.868 tỉ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2020. Tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm 2021 là 15%, mức tăng trưởng khả quan so với bối cảnh nhiều trung tâm kinh tế lớn trên cả nước giãn cách xã hội kéo dài. NH đưa ra điều chỉnh hợp lý để bảo đảm hoạt động kinh doanh liên tục, tập trung vào khách hàng chất lượng cao và mở rộng thị phần ở những sản phẩm, dịch vụ còn nhiều tiềm năng.
TPBank đã đa dạng hóa được nguồn thu, giảm phụ thuộc vào nguồn thu lãi từ hoạt động cho vay. Thu lãi thuần từ dịch vụ trong 3 quý đầu năm 2021 của TPBank đã tăng xấp xỉ 30% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó thu dịch vụ từ hoạt động thanh toán, dịch vụ bảo hiểm và tư vấn chiếm tỉ trọng lớn nhất.
Tại Techcombank, 9 tháng đầu năm nay đã thu hút thêm khoảng 870.000 khách hàng mới, nâng tổng số khách hàng lên 9,2 triệu. Khối lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện tử của khách hàng cá nhân trong 9 tháng đầu năm 2021 lần lượt tăng 78,1% và 91% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng lưu ý, số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng 59,1% trong vòng 12 tháng vừa qua. Tỉ lệ CASA đạt 49% tổng vốn huy động tại thời điểm cuối quý III tiếp tục dẫn đầu thị trường, giúp NH có nguồn vốn đầu vào lớn với chi phí thấp, tăng sức cạnh tranh trong cho vay, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Dù lợi nhuận nhiều NH tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao nhưng sức ép về trích lập dự phòng và nợ xấu gia tăng trong thời gian tới là rất lớn, khi khách hàng cá nhân và DN còn gặp nhiều khó khăn. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy 10 tháng qua, 48.500 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 16%; 35.000 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 15,7% và 13.600 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Bình quân một tháng có 9.700 DN rút lui khỏi thị trường.
Lãnh đạo một NH thương mại giải thích nếu nhìn ở góc độ khách hàng, NH cũng là một DN kinh doanh đặc thù và cũng chịu tác động của đại dịch. Có điều, tác động tới ngành NH sẽ có độ trễ nhất định và lợi nhuận của NH đạt được như công bố là kết quả của quá trình hoạt động kinh doanh trong nhiều năm qua, chứ không chỉ từ năm ngoái đến nay.
Các NH đang triển khai giảm lãi suất theo năng lực tài chính của từng đơn vị để đồng hành với DN và cơ cấu lại các khoản nợ của khách hàng theo các Thông tư 01, 03 và 14 của NH Nhà nước, nên nợ xấu sẽ được phản ánh đầy đủ trong thời gian tới.
"Phần lớn các NH thương mại đã niêm yết trên sàn, bắt buộc phải công bố báo cáo tài chính đầy đủ cho cổ đông, nhà đầu tư và khách hàng. NH không thể "giấu" lợi nhuận bởi điều này sẽ tác động xấu đến giá cổ phiếu và uy tín của NH. Thực tế, các NH cũng đã dành hàng chục ngàn tỉ đồng để giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng" - vị lãnh đạo NH nêu trên giải thích.
Đề xuất khoanh nợ
Báo cáo về ngành NH trong 9 tháng đầu năm 2021 của Maybank Kim Eng cho thấy lợi nhuận trước thuế của các NH đã có dấu hiệu giảm so với cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng chậm lại; NH chủ động tăng trích lập dự phòng rủi ro cho vay đối với các khoản nợ xấu tiềm ẩn. Nhiều NH cho biết tỉ lệ nợ xấu đã tăng đáng kể với mức tăng trung bình khoảng 29% đối với 17 NH niêm yết.
Liên quan đến nợ xấu, TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo - Nghiên cứu BIDV phân tích do cả 3 Thông tư 01, 03 và 14 của NH Nhà nước đều cho phép cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ, nên tỉ lệ nợ xấu nội bảng có thể tăng lên không nhiều, khoảng hơn 2% cuối năm nay và 2,2%-2,5% năm 2022. Tuy nhiên, nợ xấu có thể sẽ cao hơn từ năm 2024 khi quy định giữ nguyên nhóm nợ hết hiệu lực, nếu tình hình phục hồi kinh tế thiếu khả quan. Đồng thời, các NH vẫn phải tính toán nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro tương ứng với lộ trình 3 năm tới.
Theo thống kê mới nhất của NH Nhà nước, nếu tính cả các khoản nợ không bị chuyển nợ xấu do được cơ cấu lại, miễn, giảm lãi vay theo quy định, tỉ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu đến cuối tháng 6-2021 là 7,21%, tăng lên từ mức 5,08% vào cuối năm ngoái.
Tại tọa đàm trực tuyến về trao đổi nợ xấu mới đây, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội NH Việt Nam, cho biết do ảnh hưởng của đại dịch, nợ xấu được dự báo sẽ có xu hướng gia tăng. Để có giải pháp kịp thời giúp các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu, Hiệp hội NH Việt Nam đề nghị NH Nhà nước báo cáo Chính phủ sớm tổng kết Nghị quyết 42 của Quốc hội (về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, có hiệu lực từ ngày 15-8-2017, hết hiệu lực sau 5 năm), trên cơ sở đó đề xuất trình Quốc hội cho kéo dài hiệu lực Nghị quyết 42 hoặc ban hành Luật Xử lý nợ xấu.
"Đề nghị Chính phủ xem xét ban hành nghị định cho phép khoanh nợ đối với khoản dư nợ chịu ảnh hưởng dịch Covid-19 nặng nề từ 1- 2 năm, áp dụng như Nghị định 55 và Nghị định 116 trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đối với trường hợp thiên tai dịch bệnh. Rà soát các quy định, tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia xử lý nợ xấu, qua đó giải quyết nợ xấu một cách hiệu quả và tạo điều kiện phát triển cho thị trường mua bán nợ" - ông Nguyễn Quốc Hùng đề xuất.
Thời gian gần đây, ngành ngân hàng xuất hiện không ít những lãnh đạo ngồi "ghế nóng" khi tuổi đời còn khá trẻ...
Nguồn: [Link nguồn]