Ngân hàng trầy trật với nợ xấu

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, nợ xấu có dấu hiệu đi lên, ngân hàng ngày càng gian nan chào bán tài sản thế chấp là nhà, đất

Báo cáo mới nhất của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) chỉ ra nợ xấu và nợ tiềm ẩn rủi ro tiếp tục tăng. Cụ thể, cuối quý III/2023, tỉ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống ngân hàng là 2,2%, tăng mạnh so với mức 1,6% vào cuối năm 2022; tỉ lệ nợ nhóm 2 (nhóm nợ quá hạn thanh toán 10 - 90 ngày) cũng tăng từ 1,8% vào cuối năm 2022 lên 2,3%.

Thu hồi được vốn nhưng vẫn lỗ

Trước tình hình trên, hàng loạt ngân hàng ráo riết chào bán tài sản thế chấp nhằm hạn chế nợ xấu gia tăng. Dù ngân hàng đã giảm mạnh giá bán, xóa lãi cho bên vay nợ nhưng kết quả không mấy khả quan.

Điển hình, Vietcombank đã lần thứ 7 rao bán tài sản bảo đảm là bất động sản với giá khởi điểm 27 tỉ đồng, giảm 14 tỉ đồng so với mức được ngân hàng này định giá vào đầu năm nay là 41 tỉ đồng. Tương tự, để giảm tỉ lệ nợ xấu, BIDV cũng tiếp tục bán đấu giá lô đất 1.130 m2 tại TP HCM với giá khởi điểm hơn 72,8 tỉ đồng. Đáng chú ý, đây là lần thứ 14 tài sản này được rao bán với mức giá giảm dần nhưng vẫn chưa có người mua.

VietinBank rao bán khoản nợ của Công ty Xuất nhập khẩu Thương mại Võ Thị Thu Hà từ năm 2019 nhưng đến nay vẫn không bán được. Lần chào bán gần nhất, tài sản bảo đảm cho khoản nợ này được VietinBank đưa ra giá khởi điểm chỉ 142 tỉ đồng - tức chưa bằng 10% khoản nợ phải thu là 1.500 tỉ đồng bao gồm gốc lẫn lãi.

Cũng trầy trật với khoản nợ xấu của Công ty CP Chăn nuôi Gia Lai (công ty con của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) suốt gần 10 năm, mới đây, Eximbank đã xóa lãi trong hạn, lãi quá hạn và tiền phạt chậm trả lãi cho công ty này để thu hồi vốn gốc 587 tỉ đồng và thu một phần lãi trong hạn là 163 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo tính toán, số tiền lãi mà Eximbank chi trả cho người gửi tiền trong gần 10 năm qua đối với số vốn vay 587 tỉ đồng lớn hơn rất nhiều so với số lãi 163 tỉ đồng thu được của công ty này. Như vậy, với "kèo" cho vay này, Eximbank chấp nhận thua lỗ.

Khi Thông tư 02/2023 về gia hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng khó khăn hết hiệu lực vào tháng 6-2024, nợ xấu sẽ tăng lên. Ảnh: TẤN THẠNH

Khi Thông tư 02/2023 về gia hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng khó khăn hết hiệu lực vào tháng 6-2024, nợ xấu sẽ tăng lên. Ảnh: TẤN THẠNH

Khoảng trống pháp lý

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nhận xét trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn, tình hình nợ xấu rất đáng lo ngại. Việc xử lý nợ qua việc bán tài sản bảo đảm là nhà, đất rất khó thực hiện vì thị trường bất động sản đang đóng băng. Đại diện Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho biết gần 70% tài sản thế chấp tại hệ thống ngân hàng là bất động sản. Vì vậy, nếu thị trường nhà, đất trầm lắng kéo dài, áp lực nợ xấu ngân hàng gia tăng sẽ tạo điểm nghẽn cho tăng trưởng kinh tế.

Lãnh đạo BIDV cũng than thở một trong những trở ngại khi xử lý nợ xấu là giá trị tài sản nhà, đất xuống thấp hơn vốn gốc, khiến ngân hàng sợ "bay hơi" vốn, không dám chào bán tài sản.

Theo ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc nghiên cứu và phân tích VCBS, việc xử lý nợ xấu tiếp tục gặp khó khăn do nhà, đất vẫn là tài chính cho phần lớn các khoản vay. Trong khi đó, Nghị quyết 42/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ hết hiệu lực vào ngày 31-12-2023 và Luật Các tổ chức tín dụng chưa được sửa đổi sẽ tạo ra khoảng trống pháp lý.

TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng Bộ môn Thị trường tài chính - ĐH Kinh tế TP HCM, cho rằng con số nợ xấu của ngân hàng hiện nay chưa phản ánh hết thực tế, bởi nợ được cơ cấu theo Thông tư 02/2023 về gia hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng khó khăn. Khi thông tư này hết hiệu lực vào tháng 6-2024, các khoản nợ đã được cơ cấu sẽ về đúng nhóm phân loại và nợ xấu sẽ tăng lên.

Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, khi nợ xấu tăng, ngân hàng phải dùng thêm lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro. Từ đó, thu nhập của ngân hàng sụt giảm, dẫn đến giảm thu thuế thu nhập doanh nghiệp. Mặt khác, ngân hàng còn bị xói mòn vốn, có thể rơi vào tình trạng lao đao, gây nguy hiểm cho cả hệ thống tài chính và nền kinh tế.

TS Nguyễn Văn Thuận, Trường ĐH Tài chính - Marketing, kỳ vọng Nghị quyết 42/2017 được gia hạn sau khi hết hiệu lực vào cuối năm nay. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước gia hạn Thông tư 02/2023 để các ngân hàng có thêm thời gian chờ kinh tế tăng trưởng mạnh, thị trường bất động sản ấm lên giúp việc xử lý tài sản thuận lợi hơn, sớm thu hồi được vốn và hạn chế đà tăng nợ xấu. 

Xem xét nghiên cứu gia hạn Thông tư 02/2023

Để giảm bớt áp lực nợ xấu cho các ngân hàng thương mại, mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết sẽ xem xét đánh giá, nghiên cứu đề xuất gia hạn Thông tư 02/2023.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung, kéo dài thời gian thực hiện Thông tư 02/2023; rà soát các thông tư 03/2023, 06/2023 và 10/2023 để phù hợp với tình hình thực tế, ổn định thị trường tiền tệ, an toàn hệ thống ngân hàng.

Ngân hàng Agribank rao bán gần 1 triệu mét vuông đất để xử lý nợ xấu hơn 500 tỷ đồng

Để xử lý nợ xấu, ngân hàng Agribank chuẩn bị rao bán gần 1 triệu mét vuông đất gồm đất khu công nghiệp và đất ở riêng lẻ để xử lý khoản nợ hơn 500 tỷ đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THY THƠ ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN