Ngân hàng sa lầy nghìn tỷ vì "bông hồng vàng” Thuận Thảo Võ Thị Thanh
16 lần đấu giá bất thành, khoản nợ nghìn tỷ liên quan đến công ty Thuận Thảo của nữ doanh nhân Phú Yên Võ Thị Thanh tiếp tục được ngân hàng BIDV rao bán. Trong trường hợp tích cực nhất, BIDV sẽ mất khoảng 2.000 tỷ đồng nếu có người chịu mua.
“Vũng lầy” nợ xấu
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Chi nhánh Phú Tài) mới đây đã có thông báo tiếp tục giảm mạnh giá khởi điểm chào bán các tài sản liên quan tới khoản nợ của CTCP Thuận Thảo Nam Sài Gòn của nữ đại gia "bông hồng vàng" Võ Thị Thanh và 95 khách hàng cá nhân khác.
Theo đó, tính đến ngày 7/4, CTCP Thuận Thảo Nam Sài Gòn nợ tổng cộng hơn 462,2 tỷ đồng gồm nợ gốc 230 tỷ đồng, lãi hơn 232,2 tỷ đồng. Còn nhóm 95 khách hàng cá nhân có tổng nợ hơn 2.273 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 978,1 tỷ đồng, lãi 1.295 tỷ đồng.
Giá khởi điểm đấu giá lần 16 được đưa ra là 800 tỷ đồng, giảm 1.935 tỷ đồng so với tổng nợ gốc, lãi và giảm hơn 400 tỷ đồng so với giá khởi điểm đầu tiên đưa ra vào tháng 8/2018 ở mức 1.208 tỷ đồng.
Tài sản đảm bảo là 3 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Bến Thành (quận 1, TP.HCM) 275m2, huyện Bình Chánh (16,5ha và 5,4h) cùng 5,2 triệu cổ phiếu của CTCP Thuận Thảo thuộc (GTT) sở hữu của "Bông hồng vàng" Võ Thị Thanh.
Dự kiến phiên đấu giá được tổ chức vào ngày 20/7 và người mua tham gia đấu giá đặt cọc hơn 120 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty đấu giá hợp danh tài sản Lam Sơn mở tại BIDV – Chi nhánh Phú Tài.
Với tổng nợ gốc và lãi của 2 khoản này lên tới hơn 2.700 tỷ đồng, nếu bán thành công (trong trường hợp tích cực nhất) với mức giá 800 tỷ đồng, BIDV sẽ mất khoảng gần 2.000 tỷ đồng.
Khách sạn Cendeluxe - khách sạn 5 sao đầu tiên tại Phú Yên
Trước đó, vào giữa tháng 6/2020, BIDV chi nhánh Phú Tài cũng thông báo bán đấu giá lần thứ 11 khối tài sản gồm công trình xây dựng, tài sản khác gắn liền với đất thuê của nhà nước của CTCP Thuận Thảo. Tài sản được đem ra đấu giá gồm khách sạn 5 sao Cendeluxe 17 tầng; công trình xây dựng, tài sản khác Khu Trung tâm hội nghị, triển lãm và dịch vụ du lịch Thuận Thảo và Khu mở rộng Trung tâm hội nghị, triển lãm và dịch vụ du lịch Thuận Thảo (Khu Land) có tổng diện tích 45.734,4m2…
Tất cả các tài sản bán đấu giá nêu trên có địa chỉ tại xã Bình Ngọc, TP.Tuy Hòa và xã Hòa An, huyện Phú Hòa (Phú Yên).
Công ty cổ phần Thuận Thảo là một trong những khách hàng có nợ xấu lớn tại BIDV Phú Tài, bị ngân hàng rao bán nợ nhiều năm nay. Khối tài sản trên cũng từng được BIDV rao bán với giá khởi điểm 340 tỷ đồng vào hồi đầu tháng 5 nhưng không thành công.
Quá khứ huy hoàng và hiện thực đắng cay
CTCP Thuận Thảo và khách sạn 5 sao Cendeluxe là những tên tuổi nổi tiếng của tỉnh Phú Yên gắn liền với nữ doanh nhân Võ Thị Thanh (sinh năm 1955) – người từng được vinh danh cúp “bông hồng vàng” từ năm 2006 – 2011 nhờ những đóng góp của bà trong lĩnh vực kinh doanh tại tỉnh nhà nói riêng và cả nước nói chung.
Bà Võ Thị Thanh - Chủ tịch HĐQT công ty Thuận Thảo
Khởi nghiệp từ một tổng đại lý phân phối hàng hóa trong những năm 1985 - 1996 với hai lĩnh vực kinh doanh chính là vận tải và thương mại. Tháng 1/1997, bà Võ Thị Thanh thành lập doanh nghiệp Vận tải và Thương mại Thuận Thảo với tài sản ban đầu là 05 xe tải – đặt nền móng cho doanh nghiệp đầu tiên sở hữu bến xe khách của cả nước.
Năm 2009, Thuận Thảo chuyển đổi thành CTCP, với vốn điều lệ 290 tỷ đồng và mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực mới, như vận tải hành khách chất lượng cao, taxi; dịch vụ vui chơi, giải trí, nhà hàng, tổ chức sự kiện; dịch vụ tư vấn và môi giới bất động sản; sản xuất nước uống tinh khiết đóng chai.
Và chính bất động sản là bước ngoặt – nói đúng hơn là cú xoay vần đưa Thuận Thảo của nữ doanh nhân nổi tiếng đất Phú Yên sa lầy vào khoản nợ xấu nghìn tỷ như đã nói ở trên.
Ban đầu, Thuận Thảo trở thành chủ đầu tư nhiều công trình biểu tượng tại Phú Yên như Resort&Spa Golden Beach, khu vui chơi giải trí Thuận Thảo Land, Khách sạn 5 sao Cendeluxe – khách sạn 5 sao đầu tiên và duy nhất của Phú Yên hiện nay, nhà hát Sao Mai... Với tham vọng trở thành tập đoàn đa ngành, Thuận Thảo niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán với mục đích huy động vốn để hiện thực hóa mục tiêu, tuy nhiên, tham vọng nhanh chóng sụp đổ cùng với những dự án đầu tư kém hiệu quả.
Năm 2008, Thuận Thảo bắt đầu bước đi vào lĩnh vực này với dự án xây dựng khu Thuận Thảo Land và khách sạn 5 sao CenDeluxe 17 tầng. Trong đó, CenDeluxe Hotel về sau được coi là nguyên nhân chính gây nên tình trạng sử dụng vốn vay quá lớn và kéo tỷ suất lợi nhuận của Thuận Thảo trong giai đoạn xây dựng xuống mức rất thấp.
Tuy nhiên, tiềm năng du lịch Phú Yên phát triển chưa đồng pha với tham vọng của “bông hồng vàng” Võ Thị Thanh, hơn nữa đúng vào thời điểm thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng đã khiến doanh nghiệp của nữ đại gia thua lỗ.
Nhiều năm qua, Thuận Thảo liên tục báo lỗ nhiều tỷ đồng và không tìm thấy lối thoát khi hàng loạt dự án “án binh bất động”, không tạo ra nguồn thu mà các chi phí cố định như nhân viên, quản lý, hay tréo ngoe hơn là tiền phạt chậm nộp thuế nhiều tỷ đồng… vẫn phải trả đều hàng năm.
Từ năm 2011 tới nay, doanh thu của CTCP Thuận Thảo giảm theo lần, từ mức hơn 500 tỷ đồng (giai đoạn 2011- 2012) còn hơn 200 tỷ mỗi năm (giai đoạn 2013 – 2015) và giảm liên tục từ năm 2016 tới nay. Sau khi báo lãi èo uột vài trăm triệu mỗi năm, khoản lỗ hàng trăm tỷ đồng của Thuận Thảo bắt đầu lộ diện từ năm 2014 tới nay.
Năm 2019, Thuận Thảo ghi nhận doanh thu 24,5 tỷ đồng – hoàn thành 50% kế hoạch đề ra và báo lỗ tới 166 tỷ đồng. Dự kiến năm 2020 công ty sẽ lỗ thêm 160,5 tỷ đồng, doanh thu ước đạt 25,2 tỷ đồng, giảm một nửa so với thực hiện 2019.
Nữ doanh nhân sinh năm 1955 cũng như ban lãnh đạo của Thuận Thảo từ lâu đã nhận ra khó khăn của chính mình, như các tài sản hoạt động nhiều năm đã xuống cấp nhưng không tiếp cận được vốn vay để đầu tư nâng cấp, việc đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái dàn trải, dịch vụ trùng lắp hay dự án Khách sạn 5 sao – một thời từng là biểu tượng của Phú Yên, niềm tự hào của Thuận Thảo – đến nay lại được đánh giá là tiêu chuẩn quá tầm so với thị trường địa phương, lượng khách ngoại tỉnh hạn chế…
Trong giai đoạn khó khăn thời gian qua, Thuận Thảo đã không ngừng thanh lý, chuyển nhượng một số dự án, tài sản để có nguồn tài chính duy trì hoạt động kinh doanh của công ty. Thuận Thảo cũng tạm ngưng hoạt động một số mảng kinh doanh dàn trải, không hiệu quả để tiết giảm chi phí hoạt động và tái cơ cấu bộ máy nhân sự.
“Với những biện pháp này, ban lãnh đạo công ty tin rằng hoạt động kinh doanh trong năm 2020 sẽ có những bước đột phá lớn”, Chủ tịch Võ Thị Thanh cho biết.
Tuy nhiên, so với tình hình thực tế diễn ra, với cái vỏ gần như “rỗng ruột” của Thuận Thảo hiện nay, hay những khoản nợ xấu được đảm bảo bằng hàng loạt dự án của công ty vẫn “ế chỏng chơ” bất chấp ngân hàng phải giảm giá cả nghìn tỷ đồng thì kỳ vọng của nữ doanh nhân “bông hồng vàng” có chăng vẫn sẽ chỉ là kỳ vọng trên báo cáo mà thôi.
Là cán bộ ngân hàng Sacombank chi nhánh Phú Nhuận, TP.HCM nhưng ba đối tượng này lại câu kết với tội phạm để làm thủ...
Nguồn: [Link nguồn]