Ngân hàng Nhà nước sắp đề xuất chính sách về tiền kỹ thuật số quốc gia
Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách về tiền kỹ thuật số quốc gia là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của Ngân hàng Nhà nước nhằm triển khai đề án thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam thời gian tới
Ngân hàng Nhà nước vừa có quyết định số 2006/QĐ-NHNN Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là đề án).
Theo Ngân hàng Nhà nước, kế hoạch được ban hành nhằm triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp thuộc phạm vi, thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan này theo đề án; đồng thời, xác định nhiệm vụ cụ thể, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của đơn vị trực thuộc và ngành ngân hàng.
Các nhiệm vụ trong thời gian tới để triển khai đề án này như hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách. Cụ thể, rà soát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế Nghị định số 222/2013/NĐ-CP về thanh toán bằng tiền mặt nhằm tăng cường quản lý hoạt động thanh toán bằng tiền mặt, nhất là đối với giao dịch mua, bán tài sản có giá trị lớn phù hợp với quy định tại Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật phòng, chống rửa tiền, Luật phòng, chống tham nhũng.
Xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (fintech) trong lĩnh vực ngân hàng. Đáng lưu ý là nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách về tiền kỹ thuật số quốc gia.
Trước đó, Chính phủ đã ban hành Quyết định 1813 về Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Một trong những nội dung về hành lang pháp lý và cơ chế chính sách cần hoàn thiện là nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách về tiền kỹ thuật số quốc gia.
Việt Nam hiện chưa có khái niệm chính thức về "tiền kỹ thuật số quốc gia". Dù vậy, một số quốc gia đã nghiên cứu và một số đang thử nghiệm phiên bản tiền điện tử của tiền pháp định, do ngân hàng trung ương phát hành.
Tại hội thảo trực tuyến về "Tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành" do Văn phòng tăng cường năng lực của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Thái Lan phối hợp với Vụ Thị trường vốn và tiền tệ của IMF được tổ chức hồi tháng 3-2021, có sự tham dự của Ngân hàng trung ương các bước, trong đó có Việt Nam đã đưa ra thông điệp: mỗi nước có một con đường đi khác nhau đối với việc phát triển đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương, vì ngay cả định nghĩa về đồng tiền này giữa các nước cũng khác nhau. Vì vậy, không nhất thiết mọi quốc gia đều phải phát hành đồng tiền kỹ thuật số của mình và cả khi phát hành thì một quốc gia có thể chọn hình thức phát hành bán buôn hoặc bán lẻ tùy vào những cân nhắc riêng.
Đối với nhà đầu tư cá nhân, vài năm gần đây, đầu tư tiền ảo, ngoại hối (forex) là những hình thức đầu tư mới được rất nhiều người chú ý. Dù các hoạt động này hoàn toàn tự phát và chưa được nhà nước cho phép nhưng thu hút số lượng lớn nhà đầu tư tham gia, mở tài khoản đầu tư coin (tiền kỹ thuật số) nhờ việc mở tài khoản dễ dàng, giao dịch 24/7 theo thị trường quốc tế và mức sinh lời rất cao. Đổi lại, do chưa được công nhận chính thức ở Việt Nam nên trong trường hợp có rủi ro sẽ không được pháp luật bảo vệ.
Nhằm thu hồi nợ của đại gia kinh doanh xăng dầu giả Trịnh Sướng, ngân hàng này đang rao bán loạt BĐS lên tới hơn 8.000...
Nguồn: [Link nguồn]