Ngân hàng Nhà nước: Chưa thể bỏ "room" tín dụng
Ngân hàng Nhà nước cho rằng chưa bỏ cơ chế "room" tín dụng hàng năm do lo ngại sẽ tạo nguy cơ nợ xấu, đe dọa an toàn hệ thống ngân hàng.
Trong báo cáo vừa gửi Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, từ năm 2023 trở về trước, NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng (TCTD).
Trong đó, nhóm chi nhánh ngân hàng nước ngoài được tăng trưởng tín dụng theo kiểm soát tín dụng (room tín dụng) tại thời điểm cuối năm và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài với quy mô nhỏ được tăng trưởng theo kế hoạch tự xây dựng để phù hợp với đặc thù hoạt động.
NHNN cho rằng hiện chưa thể bỏ room tín dụng bởi điều này sẽ tạo nguy cơ nợ xấu, đe dọa an toàn hệ thống ngân hàng.
Sang năm 2024, NHNN không giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, phù hợp với đặc thù, quy mô tín dụng của nhóm này.
Tuy nhiên, nhà điều hành tiếp tục giao room tín dụng đối với các TCTD còn lại. NHNN sẽ tiếp tục rà soát để từng bước dỡ bỏ hoàn toàn biện pháp trên. Song trong quá trình triển khai nhiệm vụ, NHNN nhận thấy nhiều khó khăn, vướng mắc.
Hiện nay, áp lực lạm phát vẫn còn, gây thách thức cho công tác điều hành chính sách tiền tệ và tín dụng của NHNN. Vì vậy, việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng là nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, qua đó góp phần tích cực trong kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô.
Theo NHNN, khó khăn lớn nhất là đặc thù kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào vốn từ ngân hàng. Đến nay đặc thù này vẫn chưa thay đổi. Áp lực cân đối vốn cho nền kinh tế tiếp tục đè nặng lên hệ thống ngân hàng, tiềm ẩn rủi ro chênh lệch kỳ hạn, thanh khoản.
"Với điều kiện kinh tế đặc thù của Việt Nam, nếu ngân hàng tự tăng trưởng tín dụng mà không có biện pháp kiểm soát, hệ thống có thể quay lại tình trạng tăng trưởng tín dụng nóng như giai đoạn trước năm 2011", báo cáo của NHNN nêu.
NHNN cũng lo ngại điều này tạo nguy cơ nợ xấu, đe dọa an toàn hệ thống ngân hàng và rủi ro bất ổn vĩ mô, lạm phát.
Do vậy, việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng là cần thiết. "Việc dỡ bỏ biện pháp này cần thận trọng, có lộ trình và từng bước thực hiện phù hợp điều kiện thị trường", NHNN đánh giá.
NHNN cho biết đã và đang triển khai việc áp dụng các chỉ tiêu an toàn theo chuẩn mực quốc tế trong hoạt động của các TCTD với việc phân bổ room tín dụng.
Đồng thời, để tiến tới và kiểm soát tín dụng thông qua các chỉ số an toàn, NHNN đang chỉ đạo các TCTD thực hiện giải pháp tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, nâng cao chuẩn mực quản trị theo thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, NHNN lưu ý rằng điều này cần song hành với việc triển khai hiệu quả quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nhằm nâng cao vai trò và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường vốn đáp ứng được nhu cầu vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào kênh vốn tín dụng ngân hàng.
Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15% Tính đến ngày 10-5, tín dụng tăng 1,95% so với cuối năm 2023, tương đương dư nợ tín dụng đã tăng thêm hơn 264.400 tỷ đồng. Trước đó, 2 tháng đầu năm tín dụng toàn hệ thống giảm so với cuối năm 2023. Cụ thể, đến ngày 31-1, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 13,48 triệu tỷ đồng, giảm 0,6% so với cuối năm 2023. Đến ngày 29-2, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 13,47 tỷ đồng, giảm 0,72% so với cuối năm 2023. Đến cuối tháng 3-2024, tín dụng mới quay đầu tăng trưởng 1,34%. Nhưng từ 29-3 đến 10-5 (42 ngày), tín dụng chỉ tăng thêm 0,61%, tương đương 82.700 tỷ đồng, chậm lại đáng kể so với kết quả của tháng 3. Năm 2024, NHNN định hướng room tín dụng năm 2024 là 15% và giao hết room ngay từ đầu năm, ước tính khoảng 2 triệu tỷ đồng sẽ được bơm vào nền kinh tế. |
Nguồn: [Link nguồn]
Căn biệt thự nằm trên khuôn viên 4.000m2, với nội thất thiết kế xa hoa như cung điện khiến ai nấy đều choáng ngợp.