Ngân hàng lãi nghìn tỷ, sao chưa hạ lãi suất cho vay?

Sự kiện: Ngân hàng

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 ghi nhận lần đầu tiên có ngân hàng vượt 10 nghìn tỷ đồng, nhân viên thu nhập gần 40 triệu đồng/tháng…

Lợi nhuận của khối ngân hàng vẫn dẫn đầu thị trường (Trong ảnh: Giao dịch tại ngân hàng Techcombank). Ảnh: Tạ Tôn.

Lợi nhuận của khối ngân hàng vẫn dẫn đầu thị trường (Trong ảnh: Giao dịch tại ngân hàng Techcombank). Ảnh: Tạ Tôn.

Việc ngân hàng lãi khủng trong khi lãi suất cho vay vẫn neo ở mức cao, nhất là lĩnh vực sản xuất phần nào ảnh hưởng đến “sức khỏe” của nền kinh tế.

Bảo hiểm: Mảnh đất màu mỡ mới của ngân hàng

Đứng đầu danh sách các ngân hàng đạt lợi nhuận cao vẫn là gương mặt quen thuộc Vietcombank với ước lượng từ ngân hàng này là 11.044 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng tới 41% so với cùng kỳ năm trước). Đến nay, trong danh sách các ngân hàng thương mại (NHTM) quốc doanh, mới chỉ có Vietcombank công bố báo cáo tài chính quý II, tuy nhiên với “truyền thống” dẫn đầu, khoảng cách quá lớn khiến các ngân hàng sau không thể vượt được lợi nhuận của đơn vị này.

Đóng góp vào thu nhập của ngân hàng này nổi bật nhất là hoạt động tín dụng chiếm khoảng 74% tổng thu nhập. Dư nợ tín dụng đạt 697.240 tỷ đồng, tăng 9,7% so với năm 2018. Đáng chú ý là tỷ trọng tín dụng bán lẻ tăng lên mức 48% tổng dư nợ, so với mức 45,4% nửa đầu năm trước. Lãi từ hoạt động dịch vụ cũng tăng gần 24%, đạt 2.145 tỷ đồng; lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 57% lên 1.628 tỷ đồng.

Trước đó, SSI Research dự báo lợi nhuận của Vietcombank là khoảng 11.300 tỷ đồng nhờ tỷ lệ thu nhập lãi thuần được dự báo cao hơn từ việc ngân hàng chuyển sang cho vay bán lẻ và tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay ở mức khá 9,7%.

Ở nhóm NHTM cổ phần, Techcombank, VPBank chưa có báo cáo tài chính quý II nên tạm dẫn đầu nhóm này là MBBank với lợi nhuận trước thuế hợp nhất 6 tháng đạt 4.875 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ. Nửa đầu năm nay, đáng chú ý nhất là hoạt động dịch vụ của MBBank lãi đột biến 1.813 tỷ đồng, tăng tới 85% nhờ kinh doanh bảo hiểm (lãi 1.042 tỷ đồng).

Hiện, MBBank có hai công ty con đang kinh doanh bảo hiểm là MIC và MB Ageas. Dự kiến, hai đơn vị này sẽ tiếp tục có đóng góp lớn cho doanh thu của MBBank cuối năm nay và giai đoạn tới. Một số ngân hàng có lãi nghìn tỷ khác như ACB với 3.620 tỷ đồng (tương đương 49% kế hoạch năm); LienVietPostBank 1.117 tỷ đồng (tăng 81%), Sacombank gần 1.500 tỷ đồng; VIB hơn 1.820 tỷ đồng. Theo thống kê, trong 12 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính, có 6 ngân hàng báo lãi trên nghìn tỷ.

Trong khi đó, có nhiều ngân hàng sụt giảm lợi nhuận. Đơn cử như PGBank vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2019 với lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 8 tỷ đồng, giảm hơn 50% so với cùng kỳ. Lũy kế lợi nhuận trước thuế ngân hàng này nửa đầu năm chỉ đạt 94 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ do hầu hết các mảng kinh doanh đều kém khả quan trong đó lãi từ dịch vụ giảm mạnh nhất 19% xuống còn 16 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước của PGBank sụt giảm mạnh 70% xuống 580 tỷ đồng, huy động tiền gửi khách hàng cũng sụt giảm 7,8% xuống còn 21.519 tỷ đồng, nợ xấu tăng từ 2,96% lên 3,06%. Kienlongbank cũng báo lãi trước thuế quý II chỉ đạt 74 tỷ đồng, thấp hơn mức 78 tỷ đồng đạt được cùng kỳ năm 2018, lũy kế 6 tháng đạt 148 tỷ đồng. Bac A Bank cũng có lợi nhuận quý II giảm 15%, chỉ đạt 191 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đạt 436 tỷ đồng…

Chưa thể hạ ngay lãi suất cho vay

6 tháng đầu năm 2019, lãi suất các ngân hàng được điều chỉnh tăng khoảng 0,2 - 0,5%/năm so với cùng kỳ năm 2018 đối với tất cả các đối tượng vay. Cụ thể như sau:
- Lãi suất cố định năm đầu: Nếu năm 2018 các gói vay ưu đãi các ngân hàng lớn thường cố định 7 - 8%/năm đầu tiên thì nay đã tăng lên từ 8 - 9%.
- Lãi suất trong thời hạn còn lại: Nếu năm 2018 các gói vay ưu đãi các ngân hàng lớn thường dao động 10 - 11,5% thì năm 2019 đã tăng lên 11 - 12%.

Nguồn: Banker Group

Nhờ lợi nhuận tăng mạnh mà chi phí cho nhân viên của Vietcombank cũng tăng mạnh từ 3.839 tỷ đồng nửa đầu năm 2018 lên con số 4.273 tỷ đồng nửa đầu năm nay. Kể từ đầu năm 2019 tới nay, mỗi nhân viên Vietcombank nhận thu nhập trung bình gần 38,8 triệu đồng/tháng, tiếp tục dẫn đầu hệ thống.

Đang tạm dẫn đầu về lợi nhuận các ngân hàng TMCP ngoài quốc doanh, MBBank kỳ này cũng tăng mạnh chi cho nhân viên với chi phí hoạt động tăng 23% lên 4.372 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.

Trong đó, khoản chi cho nhân viên của ngân hàng này đến cuối tháng 6 đạt 2.700 tỷ đồng. Mỗi nhân viên ngân hàng này nhận thu nhập bình quân tháng là 28,4 triệu đồng, giảm nhẹ so với mức trung bình của 6 tháng 2018 là 28,7 triệu đồng/người/tháng.

Ở top sau, một ngân hàng đi đầu trong tinh gọn bộ máy nhờ áp dụng công nghệ hiện đại là TPBank, chi phí cho nhân viên của ngân hàng cũng tăng khá mạnh từ 769,5 tỷ đồng 6 tháng 2018 lên 998,2 tỷ đồng nửa đầu năm nay. Thu nhập trung bình của mỗi nhân viên ngân hàng này trong nửa đầu năm nay cũng ở mức 23,2 triệu đồng/người/tháng.

Việc nhiều ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý II/2019 với lợi nhuận khả quan vậy đặt ra câu hỏi đã đến lúc giảm thêm lãi suất cho vay? Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế PGS. TS. Nguyễn Thị Mùi cho rằng thời điểm này vẫn chưa thể hạ được lãi suất.

Lý giải nhận định này, bà Mùi cho rằng có nhiều lý do, trong đó xét từ nội tình các ngân hàng thì chỉ có một số ngân hàng nhỉnh hơn, làm ăn khấm khá, còn lại rất nhiều ngân hàng khó khăn, thậm chí “còn vấn đề này vấn đề khác” chưa xử lý được… Trên thực tế, kể từ đầu tháng 7 tới nay đã có một số ngân hàng đẩy mạnh lãi suất huy động lên cao. Hiện, đang có 12/30 ngân hàng có mức lãi suất cao nhất là trên 8%/năm.

Thấy gì từ động thái chạy đua lãi suất huy động của các ngân hàng?

Tín hiệu tăng lãi suất ở nhiều ngân hàng thời điểm giữa năm cho thấy cuộc đua lãi suất đang tiếp tục quay trở lại...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kỳ Kùng ([Tên nguồn])
Ngân hàng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN