Ngân hàng lãi lớn, nói không với chia cổ tức
Mùa Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên ngân hàng 2019 đã đi qua, ngoại trừ Eximbank bất thành phải lùi ngày giờ lại vì “lùm xùm” kiện cáo. “ Khúc mắc” lớn nhất với nhiều cổ đông sau khi ra về đó là việc ngân hàng lãi lớn nhưng vẫn nói “không” với chia cổ tức.
Dùng cổ tức tăng vốn
Một ngày trước ĐHCĐ 2019 của Ngân hàng Vietcombank (26/4), Chủ tịch HĐQT Nghiêm Xuân Thành bất ngờ thông tin: Vietcombank sẽ điều chỉnh giảm chỉ tiêu lợi nhuận từ 20.500 tỷ (như tài liệu gửi cổ đông trước đó) xuống 19.500 tỷ. Lí do,Vietcombank nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đó là giảm lợi nhuận để hạ lãi suất sâu.
Về cổ tức, Vietcombank dự kiến đề xuất việc chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 40%, tăng vốn lên gần 52.000 tỷ đồng, từ nguồn thặng dư vốn và lợi nhuận giữ lại. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2019 sau khi được chấp thuận từ các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, hiện Vietcombank cùng 3 ngân hàng lớn nhà nước khác đang phải chờ ý kiến từ Bộ Tài chính.
Tại ĐHCĐ Ngân hàng Công thương (VietinBank), lãnh đạo nhà băng này cũng không giấu sự sốt ruột mong sớm được cho phép giữ lại phần lợi nhuận để tăng vốn. Ai cũng biết, hơn 1 năm nay, VietinBank không tăng được vốn nên các chỉ số đều “kẹt cứng” và dù muốn, room tín dụng không tài nào vượt quá 12% chưa kể vô số thứ “trói buộc” khiến đường đến chuẩn Basel II của VietinBank đang xa vời (hiện đã có 6 nhà băng cán đích chuẩn này). Cũng vì thế, VietinBank xác định khả năng nếu được thông qua, ngân hàng sẽ chia cổ tức 8,03% bằng cổ phiếu.
Còn Techcombank, dù nợ xấu bán cho VAMC đã mua lại và trích lập đầy đủ cùng lợi nhuận xếp vị trí thứ hai toàn hệ thống (hơn 10.000 tỷ đồng năm 2018) nhưng HĐQT và lãnh đạo ngân hàng vẫn giữ quan điểm: Không chia cổ tức mà để dành làm vốn thặng dư phát triển. Ông Nguyễn Lê Quốc Anh, CEO của Techcombank giải thích: Những ý kiến muốn chia cổ tức là do cổ đông chưa hiểu hết tầm nhìn và những mục tiêu dài hạn mà ngân hàng theo đuổi.
Tại ĐHCĐ ngày 28/4, cổ đông Ngân hàng Quân đội (MB) được thông báo nhận cổ tức 14% trong đó có 6% tiền mặt và 8% cổ phiếu. Với việc xếp vị trí thứ 4 về lãi lớn trong hệ thống (9.650 tỷ đồng), HĐQT Ngân hàng MB tuyên bố sẽ tăng vốn lên hơn 25.000 tỷ đồng trong năm nay.
Lãi hàng ngàn tỷ nhưng đa số ngân hàng giữ lại để tăng vốn, không chia cổ tức bằng tiền mặt. Ảnh: Như Ý
Còn nợ xấu chưa chia lãi
Tại ĐHCĐ Sacombank tổ chức phía Nam (ngày 26/4), nhiều cổ đông đã bức xúc chất vấn về việc ngân hàng đã nhiều năm nay không chia cổ tức. Dù lãi năm 2018 sau thuế lên đến 1.700 tỷ đồng, tăng 51,5% và dự kiến năm 2019, lợi nhuận trước thuế của Sacombank là 2.650 tỷ đồng nhưng kế hoạch chia cổ tức chắc chắn không nằm trong dự tính.
Cổ đông Lê Thị Kim Cúc, người nắm giữ hơn 1 triệu cổ phiếu Sacombank bức xúc: “Chúng tôi muốn hỏi là năm nay liệu Sacombank có chia cổ tức an ủi cho cổ đông không...Nếu năm nay không chia thì khi nào sẽ chia cổ tức?”. Ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Sacombank trần tình rằng: Lí do nằm ở chỗ Sacombank mới bước sang năm thứ hai tái cơ cấu và dù kết quả rất khả quan nhưng NHNN đã chỉ đạo không được phép “chia chác” nếu chưa tính đúng tính đủ nợ xấu bán cho VAMC và trích lập dự phòng. Dẫu vậy, ông Minh hứa, sẽ xin ý kiến NHNN thêm lần nữa.
Tại SHB, trong phiên thảo luận của ĐHCĐ (23/4), hầu hết các ý kiến của cổ đông đều muốn ngân hàng này chi trả cổ tức bằng tiền mặt, thay vì trả bằng cổ phiếu. Tuy nhiên, cũng như một số nhà băng, SHB chưa trích lập đủ dự phòng nợ xấu đã bán cho VAMC, đó là lí do đến giờ này không thể chia bằng tiền mặt. Còn Eximbank năm 2018, lợi nhuận chưa phân phối của ngân hàng lên tới hơn 704 tỷ đồng. Dẫu ĐHCĐ bất thành nhưng trong tài liệu gửi trước đó, HĐQT Eximbank cũng trình cổ đông việc không chia cổ tức với lý do đến cuối năm 2018, các trái phiếu bán cho VMAC chưa được thanh toán hết nên Eximbank sẽ không được chia cổ tức.
Theo Thông tư 08/2016 của NHNN, những tổ chức tín dụng có trái phiếu tại VAMC trên 5 năm sẽ không được chia cổ tức. Cụ thể thông tư nêu rõ: “Tổ chức tín dụng được NHNN chấp thuận việc gia hạn thời hạn trái phiếu đặc biệt không chia cổ tức để tạo nguồn xử lý nợ xấu cho đến khi trái phiếu đặc biệt đã gia hạn được thanh toán”.
Một lãnh đạo NHNN khẳng định: NHNN kiên định quan điểm các ngân hàng phải tính đúng, tính đủ nợ xấu. Nếu nợ xấu trên 5 năm đã bán cho VAMC mà trích lập dự phòng đầy đủ thì được dùng lợi nhuận để tăng vốn nhưng chia bằng cổ phiếu, còn nợ xấu bán cho VAMC dưới 5 năm và chưa trích lập đầy đủ thì không nhà băng nào được chia, tránh rơi vào cảnh lãi ảo, lỗ thực. |
Các ngân hàng tiếp tục phát hành chứng chỉ tiền gửi để huy động nguồn vốn trung dài hạn, có nơi công bố lãi suất...