Ngân hàng kích vốn rẻ vào bất động sản
Tại thời điểm này, các ngân hàng thương mại đua nhau tung các gói lãi suất vay ưu đãi với bất động sản. Thậm chí, có nhà băng còn chấp nhận tài sản thế chấp bằng hợp đồng thuê bất động sản để kích cầu tăng trưởng tín dụng. Ồ ạt bơm vốn lãi suất rẻ cho cả chủ đầu tư lẫn người vay bất động sản là tín hiệu kích dòng vốn chảy vào thị trường này.
Đua giải ngân lãi suất vay rẻ
Chị Thu Nga (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, chị vừa được giải ngân khoản vay 1,5 tỷ đồng với lãi suất 6,5%/năm cố định trong vòng 2 năm. “Tôi lựa chọn lãi suất cố định 2 năm để yên tâm các khoản trả nợ. Với mức lãi suất này chỉ cao hơn lãi suất huy động 1,5%/năm tôi thấy như vậy là hợp lý”, chị Nga nói.
Lãi suất cho vay bất động sản thấp với các khoản vay mới. Ảnh: Như Ý.
Tại cuộc họp báo Ngân hàng Nhà nước mới đây nhất, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, lãi suất cho vay đang thấp hơn 20 năm trở lại đây. Thực tế, một số ngân hàng thương mại, khoản vay cũ mà lãi suất cao vẫn cần phải có tác động của dư luận xã hội. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng phải công bố công khai lãi suất cho vay bình quân để người dân lựa chọn vay của ngân hàng có lãi suất thấp.
Theo khảo sát, mức lãi suất cho vay mua bất động sản tại các ngân hàng chỉ 5-6%/năm trong thời gian ưu đãi, tức nhỉnh hơn khoảng 1% so với lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 -24 tháng. Thậm chí, một số ngân hàng ngoại còn tung ra gói cho vay mua bất động sản với lãi suất dưới 6%/năm cố định trong vòng 2-3 năm.
Ngay cả với nhóm ngân hàng Big 4 BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Agribank, lãi suất cho vay mua bất động sản cũng dao động ở mức 5,5-7%/năm trong thời gian ưu đãi. Hết ưu đãi, các ngân hàng áp dụng cơ chế chung là lãi suất thả nổi.
“Từ cuối năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước liên tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại cắt giảm chi phí, lợi nhuận, để hạ thấp lãi suất cho vay, kể cả các khoản cho vay mới và cả cũ.” Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú |
Còn khối NHTM cổ phần, VPbank vừa thông báo cho vay vốn thuê, mua bất động sản khu công nghiệp, cụm công nghiệp với lãi suất chỉ từ 0,6%/tháng. Ngân hàng này chấp nhận tài sản đảm bảo là hợp đồng thuê, mua bất động sản khu công nghiệp, cụm công nghiệp với hạn mức cho vay tới 70% giá trị hợp đồng, thời hạn vay tới 20 năm. Cùng đó, BVBank công bố lãi suất vay từ 5%/năm, áp dụng cho các khoản vay mua, xây dựng, xây sửa nhà. Biên độ sau khi hết ưu đãi là 2%/năm. Lãi suất thả nổi trong khoảng 9,5-10%/năm. Sacombank áp dụng lãi suất cố định 6,5%/năm trong 6 tháng, 7%/năm cố định 12 tháng, 8%/năm cố định 24 tháng cho các khoản vay mua, xây, sửa bất động sản. Hết thời gian cố định, lãi suất sẽ điều chỉnh định kỳ 3 tháng/lần...
Một lãnh đạo nhóm ngân hàng quốc doanh cho rằng, ngân hàng vô cùng ưu đãi với phân khúc bất động sản công nghiệp và chưa bao giờ lãi suất cho vay lại thấp như hiện nay. “Chúng tôi có tăng trưởng tín dụng tốt cho doanh nghiệp bất động sản. Còn với khách hàng cá nhân bắt đầu tăng trở lại so với cuối năm 2023”, vị này nói.
Bơm gần 21.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư BĐS
Trong báo cáo mới được công bố, Bộ Xây dựng dẫn số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 29/2/2024 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt gần 1,114 triệu tỷ đồng, tăng hơn 20.700 tỷ đồng so với cuối năm 2023 (tương đương tăng 1,86%).
Trong đó, dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở giảm từ 305.650 tỷ đồng vào cuối năm 2023 xuống còn 303.572 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng giảm từ 42.596 tỷ đồng xuống 42.367 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đối với các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất tăng từ 77.033 tỷ đồng lên 78.349 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đối với các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng giảm từ 43.570 tỷ đồng xuống 43.393 tỷ đồng; dư nợ tín dụng của các dự án nhà hàng, khách sạn tăng từ 59.581 tỷ đồng lên 60.502 tỷ đồng.
Dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa, nhà để bán, cho thuê giảm từ 123.353 tỷ đồng xuống 121.274 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đối với vay mua quyền sử dụng đất tăng từ 75.509 tỷ đồng lên 79.873 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh bất động sản khác tăng từ 365.669 tỷ đồng lên 384.343 tỷ đồng.
Mức tăng trưởng tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản cao hơn nhiều mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn nền kinh tế. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, quy mô tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối tháng 2 đạt 13.467.585 tỷ đồng, giảm 0,75% so với cuối năm 2023, tương ứng mức thu hẹp gần 101.393 tỷ đồng.
Theo Bộ Xây dựng, từ đầu năm 2023 đến nay, để quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng trong cung ứng tín dụng, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng, tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế nói chung, trong đó có lĩnh vực bất động sản.
Giá vàng thế giới quay đầu giảm mạnh trong phiên giao dịch sáng nay. Trong khi đó, giá vàng SJC cũng lao dốc, đầu giờ sáng chạm mốc 90 triệu đồng/lượng.
Nguồn: [Link nguồn]