Ngân hàng Eximbank miễn nhiệm 2 phó chủ tịch
Cùng với việc miễn nhiệm 2 phó Chủ tịch, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường của Eximbank đã thống nhất miễn nhiệm 1 thành viên Ban Kiểm soát và chốt việc chuyển trụ sở từ TP HCM ra Hà Nội.
Eximbank miễn nhiệm 2 phó chủ tịch, ngân hàng Bắc tiến
Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường của Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank - EIB) tổ chức tại Hà Nội mới đây đã thông qua tờ trình về việc miễn nhiệm Trưởng ban Kiểm soát Ngo Tony cũng như hai thành viên HĐQT kiêm Phó chủ tịch là ông Nguyễn Hồ Nam và bà Lương Thị Cẩm Tú.
Theo đó, với tờ trình miễn nhiệm chức danh thành viên Ban Kiểm soát của ông Ngo Tony, tỷ lệ đồng ý là 53,85% (tương ứng 932 triệu cổ phiếu); phản đối là 40,74% (tương ứng 705 triệu cổ phiếu). Ngoài ra, có 5,36% cổ đông (tương ứng 93 triệu cổ phiếu) không đưa ra ý kiến.
Đại hội đồng cổ đông bất thường của EIB đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng
Với tờ trình miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT kiêm phó chủ tịch của ông Nguyễn Hồ Nam và bà Lương Thị Cẩm Tú, tỷ lệ đồng ý là 53,85% (tương ứng 932 triệu cổ phiếu); phản đối là 41,23% (tương ứng 713 triệu cổ phiếu).
Cùng với đó, ĐHĐCĐ Eximbank đã thông qua tờ trình về việc thay đổi địa điểm Trụ sở chính với 1.016 triệu cổ phiếu, tương ứng 58,73% cổ đông tán thành; 713 triệu cổ phiếu hay 41,23% phản đối.
Theo đó, ngân hàng sẽ chuyển đổi địa điểm đặt trụ sở chính từ Tầng 8, Văn phòng số L8-01-11+16 Toà nhà Vincom Center, số 72 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM sang địa chỉ mới là số 27 – 29 Lý Thái Tổ, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.
Được biết, địa chỉ tại số 27 – 29 Lý Thái Tổ, phường Lý Thái Tổ chính là Tổ hợp khách sạn, dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê do Tập đoàn Gelex đầu tư. Dự án này tên thương mại là Fairmont Hanoi. Hồi tháng 4/2024, CTCP Xây dựng Central đã phối hợp với Gelex tổ chức lễ cất nóc dự án này.
3 lãnh đạo vừa bị Eximbank miễn nhiệm sở hữu tài sản thế nào
Trong số 3 lãnh đạo ngân hàng vừa bị ĐHĐCĐ bất thường của EIB miễn nhiệm, ông Nguyễn Hồ Nam sinh năm 1978 là một trong những doanh nhân có tên tuổi lớn trên thị trường tài chính Việt Nam khi là nhà sáng lập của CTCP Tập đoàn Bamboo Capital (BCG).
Còn bà Lương Thị Cẩm Tú sinh năm 1980, có hơn 2 thập kỷ kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, từng giữ nhiều vị trí quản lý cấp cao tại Sacombank, NamABank. Giai đoạn 2015 – 2018, bà Tú là Tổng giám đốc NamABank.
Bà Lương Thị Cẩm Tú gia nhập HĐQT Eximbank từ năm 2018. Đến tháng 2/2022, bà Tú được bầu vào vị trí Chủ tịch HĐQT của EIB. Tuy nhiên, tới cuối tháng 6/2023, bà rời ghế chủ tịch HĐQT và chuyển sang giữ chức phó chủ tịch HĐQT ngân hàng này.
Theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2024 được EIB công bố, chỉ có duy nhất Phó chủ tịch Lương Thị Cẩm Tú trực tiếp nắm giữ hơn 19,5 triệu cổ phiếu của nhà băng này. Bà Lương Thị Cẩm Tú cũng là 1 trong những cá nhân sở hữu trên 1% cổ phần của EIB. Tính theo giá thị trường kết phiên giao dịch ngày 28/11, khối tài sản của bà Lương Thị Cẩm Tú có giá trị khoảng hơn 360 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hồ Nam và thành viên Ban Kiểm soát, ông Ngo Tony, không trực tiếp nắm cổ phiếu của EIB. Những người thân, liên quan của ông Hồ Nam và Ngo Tony cũng chỉ sở hữu từ vài nghìn đến vài chục nghìn cổ phiếu của nhà băng này.
Ngay trước thềm đại hội đồng cổ đông bất thường tổ chức tại Hà Nội, Eximbank đã hoàn tất tăng vốn lên gần 18.700 tỷ đồng. Về kết quả kinh doanh, lũy kế 9 tháng năm 2024, Eximbank đã thu về 2.378 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, năm 2024 ngân hàng này đặt mục tiêu lãi ở mức 5.180 tỷ đồng, do vậy, Eximbank mới hoàn thành được 46% mục tiêu đặt ra sau 3/4 năm tài chính.
Tại ngày 30/9/2024, tổng tài sản của Eximbank đạt gần 223.700 tỷ đồng, tăng 11% so với hồi cuối năm ngoái. Trong đó, huy động vốn từ tổ chức kinh tế và cư dân đạt 167.603 tỷ đồng, tăng 7%. Dư nợ cho vay đạt 159.483 tỷ đồng, tăng 14%.
Tiền gửi tại NHNN giảm xuống còn 2.546 tỷ đồng, tương ứng giảm 37% so với đầu năm. Ngược lại, tiền vay NHNN tăng đột biến lên 1.533 tỷ đồng, trong khi đầu năm chỉ có gần 20 tỷ đồng.
Về chất lượng tài sản, tổng nợ xấu tính đến cuối tháng 9 là 4.318 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm. Tăng mạnh nhất tại nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) lên 2.825 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tăng từ 2,65% đầu năm lên mức 2,71%.
VN- Index trong phiên sáng 14-10 vẫn xanh nhưng nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm giá, trong đó cổ phiếu Eximbank giảm hơn 5,7%, bị áp lực bán tháo mạnh
Nguồn: [Link nguồn]