Ngân hàng đua hút tiền gửi, lãi vay vẫn ổn định
Dù tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay thấp hơn cùng kỳ nhưng lãi suất đầu vào vẫn nhích lên, trong khi lãi suất đầu ra không tăng theo nhờ các ngân hàng tiết giảm chi phí hoạt động và sức ép cạnh tranh...
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 20-3, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 1,9% thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm ngoái là 2,23%.
Huy động qua kênh chứng chỉ tiền gửi
Có điều, dù tín dụng tăng thấp hơn cùng kỳ nhưng nhiều ngân hàng (NH) thương mại tiếp tục đẩy lãi suất đầu vào lên để thu hút nguồn vốn huy động. Lãi suất tiền gửi liên tục nhích lên từ đầu năm đến nay, nhất là ở các kỳ hạn dài.
NH TMCP Phát triển TP HCM (HDBank) vừa triển khai tiếp chương trình khuyến mại cộng thêm lãi suất tối đa 0,4%/năm cho khách hàng gửi tiết kiệm. Cụ thể, ngoài biểu lãi suất thông thường, khách hàng có độ tuổi càng cao khi gửi tiết kiệm sẽ được cộng thêm lãi suất tối đa tới 7,8%/năm.
Một số NH khác huy động vốn dài hạn với lãi suất rất cao qua kênh chứng chỉ tiền gửi. NH TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) phát hành chứng chỉ tiền gửi đợt 1 cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp với lãi suất lên tới 8,9%/năm. Tổng mệnh giá đợt phát hành là 10.000 tỉ đồng. Lãnh đạo SHB cho biết chứng chỉ tiền gửi là kênh giúp NH huy động nguồn vốn trung dài hạn.
NH TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) cũng đưa ra thị trường sản phẩm chứng chỉ tiền gửi liên kết lợi suất đầu tư trái phiếu Chính phủ, cam kết lãi suất của chứng chỉ có thể cao hơn tới 30% so với lãi suất gửi tiết kiệm thông thường. Hiện mức lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 6, 12, 18 tháng ở MSB lần lượt là 6,8%/năm, 7,3%/năm và 7,7%/năm.
Cùng với xu hướng tăng mạnh của lãi suất huy động, từ đầu năm đến nay, nhiều NH khác cũng huy động vốn qua kênh chứng chỉ tiền gửi như Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank)... Theo một số chuyên gia, ngoài việc huy động vốn trung dài hạn để đáp ứng quy định của NH Nhà nước, phương án phát hành chứng chỉ tiền gửi cũng giúp NH tính toán được chi phí bỏ ra (do phát hành để huy động một lượng vốn nhất định). Từ đó có thể ấn định lãi suất cho vay trong trung - dài hạn cho doanh nghiệp.
Lãi suất cho vay vẫn ổn định dù nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động Ảnh: Tấn Thạnh
Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, nhìn nhận gửi tiết kiệm thông thường lãi suất cao nhưng khách hàng thường chọn kỳ hạn ngắn, trong khi nhu cầu vay vốn trung dài hạn của doanh nghiệp là rất lớn. Do đó, NH phát hành chứng chỉ tiền gửi sẽ giúp huy động được nguồn vốn trung - dài hạn ổn định, từ đó cân đối nguồn vốn để cho vay với mức lãi suất hợp lý trong thời gian dài cho doanh nghiệp (DN) và thị trường.
TS Lê Đạt Chí, Trưởng Bộ môn Đầu tư Trường ĐH Kinh tế TP HCM, nhận định hiện nhiều DN phải vay trung - dài hạn với lãi suất thả nổi, điều chỉnh theo thị trường sau mỗi 3-6 tháng, một phần vì NH chủ yếu huy động vốn ngắn hạn. Nhưng khi huy động vốn qua kênh chứng chỉ tiền gửi (thường kỳ hạn dài từ 12-24-36 tháng), NH sẽ mạnh dạn cố định lãi suất cho vay với DN trong thời gian dài hơn, từ đó giúp DN ổn định kế hoạch kinh doanh...
Mặt bằng lãi suất có xu hướng nhích lên
Dù liên tục đẩy lãi suất tiền gửi nhưng báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy tốc độ tăng trưởng huy động vốn của hệ thống NH vẫn thấp hơn so với cùng kỳ. Trong quý I, huy động vốn của các tổ chức tín dụng chỉ tăng 1,72%, thấp hơn mức tăng 2,2% cùng kỳ năm ngoái. Hồi đầu năm, lãnh đạo NH Nhà nước cũng yêu cầu các đơn vị rà soát nguyên nhân huy động vốn đột ngột giảm, tiền gửi tiết kiệm giảm do chảy vào sản xuất - kinh doanh hay các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán...
PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng Khoa Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP HCM, phân tích lãi suất trên thị trường liên NH thời gian qua liên tục đi xuống nhưng không có nghĩa thanh khoản của một số NH dồi dào, bởi việc vay mượn vốn giữa các NH không dễ dàng như trước đây. Vì vậy, một số NH phải tăng cường huy động vốn từ thị trường dân cư. Thông thường quý I, các NH cần chuẩn bị nguồn vốn đầu vào nhiều hơn để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong những tháng tiếp theo, trong đó có việc đẩy lãi suất huy động lên.
Đáng lưu ý, hiện lãi suất kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng được áp trần ở mức 5,5%/năm, lãi suất tăng chủ yếu ở các kỳ hạn dài tạo thành đường cong lãi suất. Đường cong lãi suất dốc lên ở các kỳ hạn dài là chỉ báo dấu hiệu mặt bằng lãi suất có xu hướng đi lên, bao gồm cả lãi suất cho vay.
Dù vậy, lãnh đạo một số NH nhận định, lãi suất cho vay sẽ khó tăng cao bởi sức ép cạnh tranh và yêu cầu kiểm soát, ổn định lãi vay để hỗ trợ DN, nền kinh tế của cơ quan quản lý. Tổng giám đốc một NH cổ phần tại TP HCM cho rằng lãi vay có thể ảnh hưởng khi lãi suất đầu vào nhích lên nhưng không phải tất cả NH thương mại đều tăng lãi suất. Nếu một NH đẩy lãi vay lên cao, khách hàng có thể bỏ để chuyển sang vay ở NH khác có mức lãi suất thấp hơn. Do đó, có thể tăng lãi suất đầu vào nhưng khi cho vay phải cân nhắc, tính toán lãi suất ở mức hợp lý nên không dễ tăng cao.
Tiết giảm chi phí, giảm lãi vay lĩnh vực ưu tiên Một yếu tố khác giúp lãi suất cho vay không tăng theo huy động đến từ việc các NH thương mại tiết giảm chi phí hoạt động, Ông Phạm Mạnh Thắng, Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), cho biết trong năm 2018 đã triển khai các dự án chuyển đổi, cơ cấu lại chất lượng tín dụng bởi với hệ thống NH thương mại chất lượng tín dụng là yếu tố quyết định. Nợ xấu của Vietcombank đến cuối năm ngoái chỉ 0,96%, nợ nhóm 2 có nguy cơ chuyển thành nợ xấu cũng chỉ 0,46% giúp NH có điều kiện giảm lãi vay để hỗ trợ doanh nghiệp, thị trường. NH Nhà nước cũng liên tục yêu cầu các tổ chức tín dụng rà soát, cân đối tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý. |
Nhiều ngân hàng ồ ạt tuyển dụng nhân sự, sẵn sàng trả lương cao cho nhân viên ở các vị trí từ chuyên viên đến cấp...