Ngân hàng có hơn 6 triệu tỷ đồng: Doanh nghiệp vẫn kêu khó tiếp cận
Ngân hàng hiện có hơn 6 triệu tỷ đồng nhưng doanh nghiệp cho rằng vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn. Để thúc đẩy giải ngân cho vay, theo các chuyên gia, doanh nghiệp và ngân hàng phải ngồi lại với nhau.
Cần mạnh dạn cho vay tín chấp
Tại hội thảo “Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp” diễn ra ngày 25/7, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, tín dụng 6 tháng đầu năm tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước, đạt khoảng 12,5 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022. Tăng trưởng tín dụng thấp phản ánh khó khăn chung về sức hấp thụ vốn của nền kinh tế hiện nay.
Doanh nghiệp không dám vay ngân hàng vì không có đơn hàng. Ảnh: Như Ý
Về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Đào Minh Tú cho biết, NHNN sẽ tiếp tục sử dụng linh hoạt hơn nữa các công cụ điều tiết thị trường để cung ứng vốn cho nền kinh tế đi kèm sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối để đảm bảo tỉ giá. Đồng thời, NHNN đảm bảo “điều hòa” được lượng ngoại tệ cho nền kinh tế theo nhu cầu thị trường.
“NHNN sẽ tiếp tục giảm lãi suất nếu có điều kiện. Trường hợp NHNN chưa có điều kiện, các ngân hàng thương mại phải hạ lãi suất cho vay trên cơ sở giảm chi phí, hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Tú nói, đồng thời cho rằng, giảm lãi suất phải hài hòa nếu không sẽ gặp những khó khăn, ví dụ như bài học nợ xấu của những năm 2009-2011 đến giờ mới xử lý tạm ổn. Với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, nguy cơ nợ xấu đang có dấu hiệu gia tăng. Để hỗ trợ doanh nghiệp, ngân hàng và doanh nghiệp nên ngồi lại với nhau. “Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, cũng đang tồn kho hàng. Ngân hàng cũng gặp khó khăn khi huy động vốn mà không cho vay được. Do đó, quan điểm chia sẻ giữa hai bên, ngân hàng thương mại cần đặt mình vào doanh nghiệp để thấy doanh nghiệp khó khăn ra sao và ngược lại”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói. Ông Tú cũng chỉ đạo, ngân hàng mạnh dạn cho vay bằng hình thức tín chấp, quản lý dòng tiền... nếu thấy doanh nghiệp làm ăn công khai, minh bạch.
Gỡ vướng tài sản thế chấp
Về khó khăn của doanh nghiệp, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Cty May 10 cho biết, từ đầu năm đến nay, có 6/7 ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam bị giảm trong sản xuất kinh doanh. Dệt may cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó khi đã trải qua nửa đầu năm 2023 với hoạt động sản xuất và xuất khẩu suy giảm rất sâu. Nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm lao động, thậm chí bán đi một phần tài sản.
Về vấn đề vốn của doanh nghiệp, ông Việt cho rằng, dù NHNN đã 4 lần giảm lãi suất điều hành nhưng May 10 vẫn đang linh hoạt sử dụng nguồn vốn tự có, giảm thiểu tối đa vay vốn ngân hàng để cân đối chi phí tài chính. Chỉ khi thị trường hồi phục, có nhiều đơn hàng hơn, doanh nghiệp mới tăng nhu cầu vay vốn ngân hàng.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho hay, lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 97% số doanh nghiệp trong cả nước, tương đương khoảng gần 800.000 doanh nghiệp, đóng góp gần 40% cho GDP. Có tới 25% hội viên của hiệp hội đang gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay. Không ít doanh nghiệp xuất khẩu đã đề nghị giảm lãi suất cho vay đối với đồng USD để tăng tính cạnh tranh khi thị trường có dấu hiệu phục hồi vào quý III.
“Về lý thuyết, chúng ta đánh giá doanh nghiệp nhỏ và vừa rất quan trọng trong nền kinh tế. Thế nhưng đây lại là đối tượng vô cùng khó tiếp cận vốn vay ngân hàng”, ông Thân nói.
Ông Vũ Công Huân, Giám đốc Công ty CP Tập đoàn HDC chia sẻ, 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp thủy sản thực sự khó khăn khi nhu cầu giảm, doanh nghiệp mất 25- 27% đơn hàng. Dù giá nguyên vật liệu đã giảm 30- 35% nhưng khó khăn nhất với doanh nghiệp hiện tại là không có nguồn vốn để duy trì bán hàng. Theo ông Huân, có 3 nguyên nhân khiến doanh nghiệp gặp khó khi vay vốn. Điển hình như hạn mức tín dụng của doanh nghiệp được cấp 80 tỷ đồng nhưng khi giải ngân thực tế, doanh nghiệp chỉ được nhận 8-10 tỷ đồng. “Nguyên nhân là ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp phải có tài sản đảm bảo. Không có tài sản đảm bảo, dù báo cáo tài chính tốt, dòng tiền tốt, doanh nghiệp cũng không được vay thêm”, ông Huân nói.
Trao đổi với PV Tiền Phong, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, không chỉ doanh nghiệp mà các ngân hàng cũng rất khó khăn, phải đối mặt nhiều rủi ro lớn: nợ xấu gia tăng, biên lợi nhuận giảm, áp lực tăng vốn lớn. Việc tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế không chỉ “cứu” doanh nghiệp mà cũng chính là cứu ngân hàng.
Ông Lực đưa ra loạt giải pháp để tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và người dân như: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT), các chính sách giãn hoãn nộp thuế, phí, tiền thuê đất; giảm 2% VAT; xem xét giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp; xem xét chuyển phần còn lại của chương trình phục hồi (nhất là cấu phần hỗ trợ tiền thuê nhà, hỗ trợ 2% lãi suất…) sang Quỹ phát triển nhà ở xã hội; Chú trọng các động lực tăng trưởng, kích cầu tiêu dùng nội địa; gỡ khó cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp;...
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng chia sẻ, hiện tại ngân hàng có hơn 6 triệu tỷ đồng nhưng khó cho vay. Điều này cho thấy tiền của người dân và tổ chức kinh tế không biết đầu tư vào đâu nên quay lại gửi ngân hàng, bất chấp lãi suất huy động đang ngày càng thấp.
Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội Udic Eco Tower huyện Thanh Trì (Hà Nội) cho biết, dự án vẫn chưa đủ điều kiện mở bán, tuy nhiên thời gian qua lại xuất hiện việc nhận đặt...
Nguồn: [Link nguồn]