Ngân hàng cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới trong mùa dịch corona
Một thủ đoạn lừa đảo mới nhằm lấy cắp thông tin của khách hàng vừa được ngân hàng cảnh báo, khi kẻ gian lợi dụng tuyên truyền dịch virus corona để phát tán mã độc.
Ngày 11-2, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) vừa gửi cảnh báo đến khách hàng về chiêu thức lừa đảo mới nhằm đánh cắp thông tin tài khoản của tội phạm công nghệ cao.
Theo đó, hiện các thông tin cập nhật về dịch bệnh và cách phòng tránh dịch viêm phổi do chủng mới của virus Corona (nCoV) thường xuyên được gửi tới khách hàng thông qua email, SMS hoặc ứng dụng mạng xã hội. Một số đối tượng đã lợi dụng hoạt động này để gửi email phát tán mã độc (emotet, …) hoặc lừa người dùng cung cấp thông tin bằng email lừa đảo.
Ngân hàng cảnh báo thủ đoạn kẻ gian gửi thông tin tuyên truyền về dịch nCoV để lừa đảo tiền, thông tin tài khoản của khách hàng. Ảnh: Linh Anh
Các email, tin nhắn lừa đảo có tiêu đề và nội dung liên quan đến dịch bệnh corona, sau đó yêu cầu người dùng click vào đường link đính kèm trong mail. Khi truy cập vào link hoặc đơn giản chỉ click mở email, tin nhắn, thiết bị của người dùng có khả năng cao bị mã độc xâm nhập và đánh cắp thông tin. Một vài trường hợp khác, đối tượng yêu cầu người dùng cung cấp thông tin đăng nhập Internet Banking để chiếm đoạt tiền từ tài khoản. "MSB cũng như các tổ chức tín dụng khác không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp mật khẩu trong bất kỳ trường hợp nào" – đại diện MSB cảnh báo.
Để tránh bị mất tiền trong tài khoản, mất thông tin tài khoản, các ngân hàng cảnh báo người dùng không mở thư được gửi từ những địa chỉ email lạ; không truy cập hoặc cung cấp thông tin ngân hàng điện tử (tên đăng nhập, mật khẩu, OTP), thẻ… vào đường link lạ được đính kèm trong email.
Trước đó, các ngân hàng thương mại đã liên tục cảnh báo nhiều thủ đoạn của kẻ gian nhằm đánh cắp thông tin tài khoản, tiền của khách hàng. Eximbank cảnh báo kẻ gian thường giả mạo đầu số/email/nhân viên ngân hàng chủ động nhắn tin/email/gọi điện cho khách hàng với mục đích lừa đảo.
Nguồn: [Link nguồn]
Hiện nay, để nhập được 200 - 300 tấn thịt heo/tháng, các doanh nghiệp phải đặt cọc vài chục tỷ đồng cho mỗi lần mua.