Ngân hàng bơm hàng nghìn tỷ tín dụng: Tiền có vào sản xuất như kỳ vọng?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng trong quý 4/2021 với mức tăng 1-6%. Dự kiến sẽ có hàng nghìn tỷ đồng được đưa vào sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là doanh nghiệp có hấp thụ được lượng vốn này?

Nhu cầu vốn của DN tăng trở lại trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm Ảnh: Như Ý

Nhu cầu vốn của DN tăng trở lại trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm Ảnh: Như Ý

Khát vốn nhưng không dễ vay

Thời gian qua, ngành ngân hàng đã vào cuộc cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi suất vay hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Trong 3,5 tháng, 16 ngân hàng thương mại (NHTM) đã giảm hơn 15.500 tỷ đồng lãi suất cho vay. Song tất cả những giải pháp đó dường như vẫn chưa đủ để DN gượng dậy, đặc biệt là nhóm DN nhỏ và vừa (DNNVV).

Đa số DNNVV là DN tư nhân với đặc thù quy mô nhỏ, ít tài sản bảo đảm, chất lượng quản trị DN chưa cao, khả năng tiếp cận vốn tín dụng còn hạn chế. Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TPHCM nhận định, các DN trong ngành, nhất là DNVVN vẫn phải đối mặt nhiều áp lực, khó khăn nhất là nguồn vốn cho sản xuất. Cụ thể, sau các đợt dịch COVID-19 vừa qua, hầu hết DN đều hụt nguồn vốn tái sản xuất, đặc biệt là DN ngành lương thực, thực phẩm.

Theo bà Chi, tỷ lệ DN tiếp cận gói hỗ trợ về vốn, tín dụng còn thấp. Rào cản lớn nhất để DN tiếp cận vốn vay là không đủ điều kiện về tài sản thế chấp theo tiêu chuẩn tín dụng bình thường của ngân hàng để vay vốn trong thời điểm sản xuất khó khăn hiện nay. Mức giảm lãi suất còn thấp cũng khiến DN khó tiếp cận.

Ông Phạm Huy Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho biết, thời gian qua đã có hàng chục nghìn DNNVV phải ngừng hoạt động hoặc giải thể do không có nguồn lực tài chính để tiếp tục thực hiện kế hoạch sản xuất - kinh doanh. DN vay vốn gặp trở ngại: tài sản đảm bảo, tỷ lệ vốn tự có, chứng minh khả năng tài chính, vấn đề quản trị DN, quản lý dòng tiền, trong khi các thông tin trên báo cáo tài chính lại chưa minh bạch. “Qua khảo sát chỉ có khoảng 38% đến 45% DNNVV tiếp cận được vốn tín dụng”, ông Hùng cho biết.

“Chúng tôi kiến nghị Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV chủ yếu sử dụng để bảo lãnh tín chấp, đẩy mạnh khả năng tiếp cận vốn tín dụng có sự bảo lãnh của quỹ. Cần rà soát lại điều kiện DN được bảo lãnh theo hướng “thoáng” hơn điều kiện vay vốn từ ngân hàng, phối hợp với ngân hàng tăng cường thẩm định tính hiệu quả của phương án, dự án vay vốn, tăng cường kiểm tra sau khi cấp bảo lãnh cho DN vay vốn, đảm bảo rằng DN được bảo lãnh vay vốn sẽ trả nợ gốc và lãi vay đủ, đúng hạn cho ngân hàng. Có như vậy, Quỹ Bảo lãnh DNNVV mới đúng nghĩa là “cầu nối’’ để DN nâng cao khả năng vay vốn không có tài sản thế chấp tại các NHTM”, ông Hùng nói.

Nhu cầu vay vốn mùa cao điểm tăng cao

Với việc các NHTM được nới room tín dụng, theo đánh giá, các ngân hàng sẽ có thêm dư địa tăng trưởng trong thời gian tới nhằm hỗ trợ việc mở cửa trở lại nền kinh tế. Quý 4 hằng năm được xem là thời gian bứt tốc của các ngân hàng về tín dụng và lợi nhuận. Năm 2020, trong 3 tháng cuối năm, tăng trưởng tín dụng đã nâng từ 6% lên trên 12%. Giải ngân quý cuối năm có thể tương đương tổng 3 quý trước. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất thấp cũng được nhận định là yếu tố thu hút khách hàng.

Sau thời gian giãn cách xã hội kéo dài và mở cửa thị trường, nhu cầu vốn của khách hàng tăng trở lại trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, nhất là DN trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng để phục vụ khách hàng dịp Tết, DN kinh doanh dịch vụ...

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, đến cuối tháng 11/2021, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 10,1 triệu tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2020. Con số này tại thời điểm hơn một tháng trước (29/10) chỉ đạt 8,7%. Điều này đồng nghĩa với việc, hàng nghìn tỷ đồng vốn tín dụng đã được đưa vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh trong những tuần các địa phương dần mở lại hoạt động kinh tế. Ông Tuấn Anh đánh giá, tín dụng đang tăng trưởng tích cực và hoàn toàn có khả năng đạt mục tiêu 12% như NHNN đặt ra cho năm nay.

Theo bà Nguyễn Ánh Vân, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), DN sẽ đối mặt với nguy cơ tăng nợ xấu, ngân hàng phải ngồi lại với từng DN để rà soát, xem ngân hàng phải hỗ trợ đến đâu. Nếu DN phát sinh nợ xấu thì cũng ảnh hưởng trực tiếp đến ngân hàng. Đến năm 2022 nợ xấu của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng, nên cần chính sách đồng bộ từ Chính phủ, NHNN để có thể đồng hành, hỗ trợ DN khó khăn phục hồi sản xuất kinh doanh.

Chuyên gia kinh tế TS. Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, sau cuộc khủng hoảng này, DN vất vả nhất là các NHTM. “Sắp tới đây, nên cho phép NHTM trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn”, ông Nghĩa khuyến nghị.

Trước băn khoăn tín dụng có vào sản xuất nhiều như mong muốn không? ông Phạm Huy Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho hay, chính sách lãi suất cần được vận dụng linh hoạt hơn để nắn dòng đầu tư xã hội vào sản xuất kinh doanh.

Bà Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền (NHNN) cho biết, so với năm 2020, mặt bằng lãi suất cho vay hiện tiếp tục giảm, mức giảm 0,5-0,7% là khá lớn so với các nước trong khu vực. Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo giảm lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng.

Rủi ro vỡ nợ đe doạ công ty sở hữu phần mềm gián điệp Pegasus

Công ty phần mềm gián điệp NSO Group hiện đang phải tính đến phương án chấm dứt phát triển phần mềm Pegasus hoặc bán...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Việt Linh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN