Ngậm đắng nuốt cay mất tiền cọc mua nhà đất chỉ vì sai lầm này
Không cẩn thận khi ký kết hợp đồng đặt cọc mua nhà đất, người mua có thể sẽ phải ngậm đắng nuốt cay, thậm chí mất trắng tiền cọc.
Hợp đồng đặt cọc là bước đầu tiên và quan trọng nhất trong quá trình mua bán nhà đất. Một khi đặt bút ký hợp đồng đặt cọc cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ bỏ ra một khoản tiền để "giữ chỗ" cho mình. Nếu may mắn gặp những cuộc giao dịch minh bạch, đàng hoàng thì mọi thứ sẽ diễn ra thuận lợi.
Tuy nhiên, cũng có không ít các cuộc "mua gian bán lận", nhằm đánh vào lòng tham, che mắt khách hàng. Chính vì vậy, trước khi ký hợp đồng đặt cọc mua nhà đất, bạn cần làm sáng tỏ những vấn đề dưới đây. Nếu không, nhà đất không ở được mà tiền cọc cũng không còn.
Theo các chuyên gia pháp lý, chỉ nên đặt cọc không quá 20% giá trị của căn nhà, mảnh đất để đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên. (Ảnh minh họa)
1. Kiểm tra quy hoạch
Thực tế nhiều căn nhà rao bán gấp có thể do đang vướng quy hoạch. Người môi giới thường là người sẽ giúp chủ nhà điều tra các thông tin này, vì họ thường là người nắm rõ vấn đề này.
Do đó, chủ nhà cần tham khảo về nhà đất đó tại Phòng Quản lý Đô thị hoặc bộ phận kiểm tra quy hoạch tại UBND Quận, Huyện nơi bất động sản giao dịch. Việc kiểm tra cần phải được thực hiện với thông tin chính xác trước khi đặt cọc.
2. Kiểm tra tính chính danh của chủ nhà
Đối chiếu thông tin chủ nhà như tên, ảnh, số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân có trùng khớp với thông tin trên sổ đỏ/sổ hồng không. Xin photo sổ đỏ/sổ hồng và các giấy tờ pháp lý của chủ nhà để kiểm tra tại chính quyền địa phương sở tại, từ đó xác định chính xác chủ nhà đó có phải là chính chủ hay không.
3. Kiểm tra giấy tờ pháp lý của nhà đất
Trước khi mua nhà đất, câu đầu tiên mà bạn hỏi người môi giới chính là: "Nhà đất có sổ đỏ không?". Chứng tỏ đây là mối quan tâm lớn nhất của người mua bất động sản. Đây là yếu tố cơ bản cần phải có trước khi mua nhà.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giúp người mua tìm hiểu mọi vấn đề đang xảy ra xung quanh nhà như: có đang bị kê biên thi hành án, bị thế chấp hoặc đang chấp hành quyết định hành chính của cơ quan có thẩm quyền hay không.
Để đảm bảo vấn đề này, bạn nên yêu cầu bên bán cung cấp một bản sao Sổ đỏ, sổ hồng (có công chứng mới nhất). Sau đó, bạn nên xác thực thông tin này trực tiếp tại UBND địa phương.
4. Trước khi ký hợp đồng đặt cọc cần kiểm tra toàn bộ các điều khoản liên quan: Thông tin nhân thân; địa chỉ nhà; số tờ; số thửa đất; bản đồ vị trí; giá mua; các đợt thanh toán; ngày bàn giao nhà, đất; thuế, lệ phí...
5. Nên công chứng, chứng thực hợp đồng
Bộ luật Dân sự 2015 cũng như pháp luật đất đai và pháp luật nhà ở không bắt buộc hợp đồng đặt cọc phải công chứng, chứng thực. Tuy nhiên, để tránh tranh chấp xảy ra thì các bên nên công chứng hoặc chứng thực.
6. Nắm rõ quy định về phạt cọc
Căn cứ Khoản 2 (Điều 328, Bộ luật Dân sự năm 2015), nghĩa vụ của các bên khi ký hợp đồng đặt cọc như sau:
Nếu hợp đồng được giao kết, thực hiện
Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền.
Nếu hợp đồng không được giao kết, thực hiện
- Trường hợp bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc.
- Trường hợp bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc.
Lưu ý: Nếu các bên có thỏa thuận khác mà không trái với pháp luật, đạo đức xã hội thì thực hiện theo thỏa thuận đó.
7. Nếu mua mảnh đất, ngôi nhà có giá trị cao, tiền đặt cọc cũng nhiều, tốt nhất việc thanh toán nên thực hiện tại ngân hàng, không nên thanh toán ở địa điểm khác. Cách tốt nhất là người mua để tiền trong tài khoản, khi mua bán hai bên ra ngân hàng và bên mua chuyển khoản cho bên bán, không mất thời gian kiểm đếm, không sợ tiền giả và không gặp nguy hiểm khi mang số tiền lớn đi đường.
8. Kiểm tra lịch sử phong thủy ngôi nhà
Một ngôi nhà hoặc mảnh đất có thể hoàn toàn không có vấn đề gì về pháp lý hay tranh chấp, giá thấp nhưng những khách hàng trong khu vực đó không để mắt tới. Nguyên nhân chỉ có thể là vấn đề tâm linh dẫn đến khả năng thanh khoản của ngôi nhà.
Trước khi ký hợp đồng đặt cọc, tất nhiên bạn cũng phải xem xét đến yếu tố này. Nếu trong nhà có người chết vì tự tử hoặc xung đột, mâu thuẫn dẫn đến mức phải bán nhà. Hoặc do vợ chồng li hôn, chia tài sản thì người ở thường sẽ không cảm thấy an tâm. Những vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người mua nhà.
Nếu bạn mua để ở và hoàn toàn không quan tâm đến những vấn đề này thì không sao. Nhưng nếu mua đi bán lại thì có thể sẽ khiến người mua khác ngần ngại và từ chối.
Nhiều doanh nghiệp vi phạm quy định về công bố thông tin của UBCKNN nên bị phạt nặng, riêng Đầu tư và Phát triển Xây dựng bị phạt 450 triệu đồng.
Nguồn: [Link nguồn]