Nga bị loại khỏi SWIFT, giao dịch tiền tệ với Việt Nam bị ảnh hưởng ra sao?
Việc Nga bị loại khỏi SWIFT được các chuyên gia đánh giá, sẽ tác động tới tâm lý và giao dịch thương mại, bởi lo lắng khó thu tiền từ đối tác.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Liên Bang Nga (Bộ Công thương), kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga trong năm 2021 đạt 7,14 tỷ USD tăng 25,9% so với năm 2020 và đứng thứ 21 trong số các đối tác thương mại chính của Liên Bang Nga.
Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong khu vực ASEAN và là đối tác lớn thứ 5 trong các nền kinh tế APEC (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản).
Việc Nga bị loại khỏi SWIFT được các chuyên gia đánh giá, sẽ tác động tới tâm lý và giao dịch thương mại. Ảnh Reuters
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Liên Bang Nga sang Việt Nam đạt 2,24 tỷ USD tăng 38,3% (đứng thứ 39 trong số các đối tác thương mại của Nga); Kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam đạt 4,89 tỷ USD, tăng 20,9% so với năm 2020 (đứng thứ 12 trong các đối tác nhập khẩu chính của Nga). Việt Nam xuất siêu sang Nga 2,65 tỷ USD trong năm 2021.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, một chuyên gia ngân hàng cho biết, việc Nga bị loại ra khỏi hệ thống SWIFT (Hiệp hội Viễn thông Liên Ngân hàng và Tài chính Quốc tế) trước mắt chỉ xảy ra trên từng quốc gia, chứ không mang tính toàn cầu.
Tức là, sẽ chỉ xảy ra việc không thanh toán được tại nước bị ngắt SWIFT, còn lại vẫn hoạt động bình thường.
Do đó, đến nay, chưa ảnh hưởng gì đến hoạt động chuyển tiền của Việt kiều Nga về Việt Nam và ngược lại của các ngân hàng Việt Nam.
Đồng quan điểm trên, tuy nhiên, chuyên gia Lê Đăng Doanh nhấn mạnh, việc bị loại ra khỏi hệ thống SWIFT là một đòn kinh tế “tàn khốc” đối với nước Nga nói chung và các hoạt động kinh tế của Nga như ngân hàng, xuất khẩu dầu khí nói riêng.
Vì thế, về lâu dài, sẽ chịu tác động nhất định, trong đó ảnh hưởng lớn nhất là các hoạt động thương mại của doanh nghiệp Việt Nam và Nga.
Đại diện phía doanh nghiệp, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, doanh nghiệp đã bày tỏ lo lắng trước vấn đề bị loại ra khỏi hệ thống SWIFT của Nga.
“Có những doanh nghiệp đã giao hàng cho đối tác ở Nga nhưng chưa nhận được tiền và đang lo lắng về việc sẽ khó thu được tiền hàng”, ông Hòe nói và cho biết, có khoảng 50 doanh nghiệp Việt Nam được cấp phép xuất khẩu thủy sản sang Nga.
Ông Hòe đánh giá, trước mắt sẽ không ảnh hưởng nhiều tới kim ngạch xuất khẩu thủy sản, nhưng sẽ tác động tới tâm lý và giao dịch thương mại của doanh nghiệp đang làm ăn với thị trường này.
Tuy nhiên, Tổng thư ký VASEP cho rằng, nỗi lo lớn nhất của ngành thủy sản trong cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine là giá xăng dầu trên thế giới và tại Việt Nam đang tăng lên cao.
Điều này không chỉ ảnh hưởng lớn tới hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân, mà còn làm tăng đáng kể chi phí, giá thành sản xuất của các doanh nghiệp chế biến thủy sản.
Mặt khác, ông Hòe lo lắng, việc đồng Rup mất giá sẽ giảm khả năng nhập khẩu của thị trường này, trong bối cảnh, hiện các cước phí vận chuyển thủy sản xuất khẩu đi châu Âu, Mỹ… đã rục rịch tăng.
Bộ Tài chính Mỹ đã công bố một động thái lịch sử chống lại ngân hàng trung ương Nga hôm thứ Hai. Đây lần đầu tiên việc trừng phạt được thực hiện với một ngân hàng trung ương G-20.
Về bản chất, Bộ Tài chính đã cấm người Mỹ làm ăn với ngân hàng đó, cũng như đóng băng tài sản ở Mỹ.
Trước đó, Mỹ, các đồng minh châu Âu và Canada cũng đã đồng ý loại bỏ các ngân hàng chủ chốt của Nga khỏi hệ thống nhắn tin liên ngân hàng SWIFT. Nghĩa là, các ngân hàng Nga sẽ không thể giao tiếp an toàn với các ngân hàng thuộc các nhóm trên.
Sau khi bỏ cọc gần 600 tỷ đồng đấu giá lô đất vàng tại Thủ Thiêm, nhóm doanh nghiệp liên quan đến Tân Hoàng Minh của ông Đỗ Anh Dũng tiếp tục nhận được chú ý khi có những...
Nguồn: [Link nguồn]