'Nên đánh thuế VAT hàng giá trị nhỏ qua Shopee, Tiktok'

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Mỗi ngày 4-5 triệu đơn dưới một triệu đồng từ Trung Quốc về Việt Nam qua Shopee, Tiktok... nên cần đánh thuế VAT để "bao quát nguồn thu", theo Ủy ban Tài chính ngân sách.

Chiều 17/6, thừa ủy quyền Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đọc tờ trình dự án luật Thuế VAT (sửa đổi). Điểm mới dự luật lần này là bổ sung quy định không thu thuế VAT với một số hàng nhập trong định mức miễn thuế nhập khẩu và miễn thuế VAT với hàng có giá trị nhỏ.

Luật hiện hành không quy định miễn thuế với hàng giá trị nhỏ, mà thực hiện theo Quyết định 78/2010 của Chính phủ. Theo đó, hàng nhập khẩu giá trị nhỏ là dưới một triệu đồng gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, được miễn thuế nhập khẩu, thuế VAT đầu vào (khâu nhập khẩu). Còn quà biếu, quà tặng cũng được miễn thuế nhập khẩu theo Nghị định 134 hướng dẫn Luật Thuế xuất, nhập khẩu.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đọc tờ trình dự thảo Luật Thuế VAT (sửa đổi), chiều 17/6. Ảnh: Hoàng Phong

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đọc tờ trình dự thảo Luật Thuế VAT (sửa đổi), chiều 17/6. Ảnh: Hoàng Phong

Thẩm tra, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng Chính phủ nên cân nhắc bỏ miễn thuế VAT với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ, nhất là qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới.

Bởi, hiện nhiều nước đã bỏ miễn thuế này với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ để bảo vệ nguồn thu, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa sản xuất trong nước và nhập khẩu.

"Đề nghị Chính phủ có chính sách phù hợp để mở rộng và bao quát các nguồn thu trong bối cảnh hạn chế về ngân sách hiện nay", Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách nói.

Dẫn báo cáo của Tổng công ty cổ phần Bưu chính viễn thông (VNPT) hồi tháng 3/2023, ông Mạnh cho biết bình quân mỗi ngày có 4-5 triệu đơn hàng được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam. Giá trị các đơn hàng này hầu hết được chia nhỏ 100.000-300.000 đồng.

Như vậy, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách, trước đây lượng hàng có giá trị nhỏ nhập khẩu không nhiều nên tác động không đáng kể tới số thu thuế. Tuy nhiên, sự bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới, xu hướng tiêu dùng ở nhiều nước cho thấy, lượng giao dịch này đã tăng gấp nhiều lần thời gian qua.

Bình quân mỗi ngày giá trị hàng luân chuyển qua các sàn Shopee, Lazada, Tiktok... khoảng 45-63 triệu USD và một tháng là 1,3-1,9 tỷ USD.

Ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách, đọc báo cáo thẩm tra dự thảo Luật Thuế VAT (sửa đổi), chiều 17/6. Ảnh: Hoàng Phong

Ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách, đọc báo cáo thẩm tra dự thảo Luật Thuế VAT (sửa đổi), chiều 17/6. Ảnh: Hoàng Phong

Cũng theo dự thảo luật, phân bón, tàu khai thác thủy sản xa bờ, lưu ký chứng khoán... sẽ chịu thuế VAT 5% (thay vì 0% hiện nay).

Hiện, doanh nghiệp không được kê khai, khấu trừ các chi phí VAT đã bỏ ra trong quá trình sản xuất (VAT đầu vào), gồm đầu tư, mua sắm tài sản cố định, do phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế này. Chi phí này sau đó tính vào giá thành sản xuất, khiến giá bán tăng và lợi nhuận giảm.

Trong khi, phần lớn phân bón nhập vào Việt Nam được các nước xuất khẩu xếp vào diện chịu thuế VAT, nên doanh nghiệp của họ được hoàn thuế đầu vào và có điều kiện hạ giá bán. Điều này gây bất lợi khi cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, việc đưa phân bón ra khỏi diện không chịu thuế và đánh thuế VAT 5% với mặt hàng này nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước, doanh nghiệp tái đầu tư.

Ở phía cơ quan thẩm tra, ông Lê Quang Mạnh cho hay, cơ quan này hiện có hai luồng ý kiến. Với số đồng tình, họ cho rằng áp thuế VAT 5% với phân bón sẽ giải quyết được bất cập kéo dài của ngành này.

Nhưng các ý kiến không tán thành lại cho rằng việc áp thuế 5% sẽ làm tăng chi phí đầu vào của sản xuất nông nghiệp. Việc này sẽ làm tăng giá phân bón, giảm tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong nước.

Vì thế, Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ và báo cáo đầy đủ hơn về tác động của việc sửa đổi chính sách này, từ góc độ tác động với các ngành sản xuất trong nước, nông dân.

Cũng theo báo cáo thẩm tra, mức thuế suất VAT của Việt Nam là 10% đang "thấp hơn nhiều nước trong khu vực và trên thế giới". Tức là, Việt Nam có dư địa để tăng thuế suất VAT, đặc biệt trong bối cảnh cần mở rộng cơ sở thu.

Thuế suất VAT trung bình toàn cầu hiện là 15%. Cụ thể, mức thuế VAT ở khu vực châu Á là 12%, Mỹ La tinh là 14%, châu Phi là 16%. Các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đang áp thuế VAT khoảng 19%. Mức thuế này tại EU là 22%.

Theo ông Lê Quang Mạnh, một số nước ASEAN có xu hướng tăng thuế suất VAT như một giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thu ngân sách từ sau dịch Covid-19. Cùng đó, chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 cũng đưa ra định hướng "nghiên cứu tăng thuế suất thuế VAT theo lộ trình".

Vì thế, Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị, Chính phủ cần đánh giá tác động một số phương án tăng thuế suất theo lộ trình để cân nhắc khả năng tăng thuế suất phù hợp, sau khi nền kinh tế đã phục hồi, có thể vào cuối giai đoạn 5 năm 2026 - 2030.

Theo nghị trình, chiều nay Quốc hội thảo luận tại tổ và ngày 24/6 thảo luận tại hội trường dự thảo Luật Thuế VAT (sửa đổi).

Chính phủ đề nghị nới thời gian giảm 2% thuế VAT với một số hàng hóa, dịch vụ thêm 6 tháng, tức tới cuối năm nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Minh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN