Nâng tỷ lệ xây dựng lên 30% để ngăn nhà thiếu, đất thừa, dự án bỏ hoang
Đề nghị dự án thương mại hoàn thành 30% quỹ nhà ở mới được phép bán, chuyển nhượng để ngăn ngừa tình trạng nhà thiếu, đất thừa, dự án bỏ hoang.
Cử tri tỉnh Bình Phước vừa có kiến nghị Thủ tướng hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở và Luật Đất đai đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại và khu đô thị có nhà ở trong một số trường hợp được thực hiện phân lô, bán nền sau khi đã đầu tư hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật thiết yếu.
Nhà ở thiếu, đất thừa, dự án bỏ hoang là hệ luỵ từ việc phân lô, bán nền không buộc xây dựng
Theo ý kiến cử tri, việc cho phép chủ đầu tư dự án được phân lô, bán nền (không yêu cầu phải xây dựng - PV) dẫn đến một số khó khăn trong điều hành, quản lý của địa phương. Cụ thể: Đất nền phân lô các dự án khu dân cư tương đối nhiều nhưng chủ yếu mua bán đất để đầu cơ, không có nhu cầu xây dựng nhà để ở.
Đất nền phân lô, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội sau khi đã đầu tư hoàn thành thì để trống không sử dụng nên dẫn đến lãng phí về mặt xã hội.
Sản phẩm của dự án là nhà ở thì các nhà đầu tư ít quan tâm đầu tư xây dựng. Ngay như quy định của pháp luật cũng không ràng buộc việc phải xây dựng. Do đó dẫn đến sự thiếu hụt về nhà ở.
Cử tri đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Trong đó, đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có nhà ở, quy định các chủ đầu tư phải đầu tư xây dựng số lượng căn nhà với một tỷ lệ nhất định (tối thiểu từ 10%-30%) trên tổng số các lô đất của toàn dự án thì mới được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền sau khi đã đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Trả lời kiến nghị này của cử tri Bộ Xây dựng cho biết, quy định pháp luật hiện hành cho phép các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị và khu nhà ở trong một số trường hợp được áp dụng việc thực hiện chuyển quyền sử dụng đất đã được đầu tư xây dựng hạ tầng cho người dân (hộ gia đình, cá nhân) tự xây dựng nhà ở.
Tuy nhiên, để xem xét việc có áp dụng quy định nêu trên hay không, UBND cấp tỉnh cần căn cứ điều kiện, nhu cầu phát triển đô thị tại từng địa phương và sự phù hợp trong đề xuất của từng chủ đầu tư trước khi quyết định cho phép áp dụng, nhằm đảm bảo các yêu cầu quản lý Nhà nước trong đầu tư phát triển đô thị.
Trường hợp UBND cấp tỉnh cho phép các dự án được thực hiện chuyển quyền sử dụng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở, thì UBND cấp tỉnh cần chỉ đạo việc đảm bảo thực hiện đúng trách nhiệm giám sát, kiểm tra của các cơ quan có liên quan và chủ đầu tư.
"Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1963 phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng trong năm 2021 và năm 2022.
Trong đó, đối với quy định về việc thực hiện chuyển quyền sử dụng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định đơn giản hóa theo hướng “Phân cấp toàn bộ cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định khu vực được chuyển quyền sử dụng đất đã được đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở theo quy hoạch chi tiết của dự án đã được phê duyệt…” và yêu cầu bổ sung quy định "tăng cường việc kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước các cấp đối với các địa phương thực hiện”. Những nội dung này sẽ được cụ thể hóa tại Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng, dự kiến trình Chính phủ trong Quý I/2022", Bộ Xây dựng cho biết.
Với ưu điểm tiện lợi, tiết kiệm thời gian, nhiều người lựa chọn mua nhà xây sẵn để có nhà ở ngay, không phải chờ đợi quá trình thiết kế và xây dựng. Tuy nhiên, cũng...
Nguồn: [Link nguồn]