Nặng gánh lãi vay, "ông lớn" thu phí BOT Tasco tiếp tục thua lỗ

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Doanh thu của Tasco quý 2 tăng gần 30% cùng kỳ, nhưng khoản lỗ ghi nhận gấp hơn ba lần cùng kỳ năm trước do gánh nặng chi phí tài chính.

Báo cáo tài chính quý 2/2021 của CTCP Tasco (mã chứng khoán: HUT) cho thấy, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này vẫn không mấy khả quan khi tiếp tục thua lỗ quý thứ 5 liên tiếp.

Cụ thể, trong quý 2/2021, Tasco ghi nhận doanh thu đạt 226 tỷ đồng, tăng 28% so với năm trước. Trong cơ cấu doanh thu công ty, mảng thu phí chiếm khoảng 81% tổng doanh thu, đạt 184 tỷ đồng. Còn lại là doanh thu đến từ mảng bất động sản, cung cấp dịch vụ...

Nếu phân tích các chỉ số kinh doanh, có thể thấy công ty đã nỗ lực cải thiện doanh số khi doanh thu các mảng đều tăng trưởng, đặc biệt là hoạt động thu phí tăng 35% so với cùng kỳ. Song chi phí lãi vay đè nặng cùng chi phí bán hàng tăng gấp 12 lần trong quý khiến doanh nghiệp này lỗ ròng lên đến 49 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, kịch bản kinh doanh cũng tương tự. Doanh thu và lãi gộp của Tasco đều tăng mạnh so với cùng kỳ. Nhưng ở phía chi phí, chi phí lãi vay cũng gia tăng với biên độ không kém.

Tính thêm chi phí hoạt động, Tasco lỗ ròng 6 tháng hơn 73 tỷ đồng, tăng đột biến so với con số lỗ hơn 9 tỷ trong hai quý đầu năm 2020.

Sau 6 tháng đầu năm, Tasco đã dần hoàn thành "kế hoạch lỗ" của cả năm

Sau 6 tháng đầu năm, Tasco đã dần hoàn thành "kế hoạch lỗ" của cả năm

Đáng chú ý, trong năm 2021, Tasco đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là âm 100 tỷ đồng. Như vậy, chỉ sau nửa năm đơn vị đã chạm ngưỡng 73% "kế hoạch lỗ".

"Nguyên nhân khiến công ty lỗ nặng trong quý này là do chi phí tài chính và chi phí bán hàng tăng tại Công ty TNHH thu phí tự động VETC – thực hiện dự án xây dựng hệ thống thu phí không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14 qua Tây Nguyên”, ban lãnh đạo Tasco cho biết.

Bên cạnh đó, tác động nặng nề của dịch Covid-19 khi phải dừng hoàn toàn việc thu phí BOT tại một số địa phương cũng tác động lớn đến sức khoẻ tài chính của doanh nghiệp.

Tính tới 30/6/2021, tổng tài sản của HUT giảm 2% so với đầu năm về 9.957 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu là tài sản cố định đạt 6.111 tỷ đồng, chiếm 61,4% tổng tài sản.

Song, vấn đề nan giải của Tasco nằm ở gánh nặng chi phí lãi vay hiện quá lớn. Theo đó, Tasco đang có tổng nợ vay ngân hàng lên tới con số hơn 5.300 tỷ đồng, chi phí lãi vay trong nửa đầu năm là 166 tỷ đồng và ước tính hơn 330 tỷ cho cả năm 2021.

Trong khi đó, doanh thu nửa năm của doanh nghiệp này chỉ đạt 462 tỷ, con số không đủ trả lãi và gốc vay có thể nói là khổng lồ trên. Nếu doanh thu không có cơ hội tăng trưởng lên gấp đôi, gấp 3 lần thì Tasco có thể sẽ phải chịu áp lực lớn vì đòn bẩy tài chính đang sử dụng.

Tasco là một trong những đơn vị đầu ngành xây dựng và đầu tư về hạ tầng giao thông và bất động sản do ông Phạm Quang Dũng giữ vai trò Chủ tịch HĐQT.

Tuyến đường từ Lê Đức Thọ đến đường 70 quận Nam Từ Liêm, Hà Nội được Tasco đầu tư theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng).

Tuyến đường từ Lê Đức Thọ đến đường 70 quận Nam Từ Liêm, Hà Nội được Tasco đầu tư theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng).

Được biết, Tasco đang là chủ đầu tư không ít dự án BT, BOT, BOO và đầu tư lĩnh vực hạ tầng giao thông như tuyến đường Quốc lộ 10 (Hải Phòng), tuyến đường từ Lê Đức Thọ đến đường 70 quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), dự án Xây dựng cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 (Quảng Bình), dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ mới đoạn Phủ Lý - Mỹ Lộc (Nam Định)…

Ngoài ra, Tasco còn sở hữu các dự án bất động sản lớn như khu đô thị sinh thái phía Tây Nam Hà Nội – Foresa Villa; Khu nhà ở cán bộ văn phòng TW Đảng và Báo Nhân Dân – Xuân Phương Residence; Tòa nhà South Building – khu đô thị Pháp Vân, dự án xây dựng nhà ở cho cán bộ Bộ Ngoại Giao...

Dự án Khu đô thị sinh thái Xuân Phương - Foresa Villa 38ha có tổng mức đầu tư 2.850 tỷ đồng

Dự án Khu đô thị sinh thái Xuân Phương - Foresa Villa 38ha có tổng mức đầu tư 2.850 tỷ đồng

Tuy kinh doanh thua lỗ liên tục, song mới đây Tasco vừa thông qua quyết định góp vốn thành lập Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ 556 Khánh Trung có trụ sở tại Nam Định với số vốn điều lệ là 3,9 tỷ đồng. Trong đó, Tasco sở hữu 10% vốn điều lệ, tương đương 39.000 cổ phần và nhóm đối tác sở hữu 90% vốn điều lệ, tương ứng 351.000 cổ phần. Cụ thể, hình thức góp vốn sẽ dựa trên giá trị đầu tư theo biên bản định giá tài sản góp vốn. Thời gian góp vốn dự kiến trước ngày 10/11/2021.

Trước đó, Đại hội cổ đông năm 2021 của Tasco (mã chứng khoán HUT) cũng thông qua chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2023 với 5 mũi nhọn là bất động sản, công nghệ, đầu tư hạ tầng giao thông, thầu xây dựng và năng lượng tái tạo.  Như vậy, ngoài các thế mạnh sẵn có, Tasco còn thể hiện tham vọng lấn sân sang một lĩnh vực mới là năng lượng tái tạo.

Bên cạnh đó, công ty cũng có kế hoạch sẽ phát hành cổ phiếu tăng vốn thêm 800 tỷ đồng trong năm 2021 để đầu tư thực hiện nhiều dự án về giao thông, năng lượng tái tạo. Có thể dễ dàng nhận thấy, số tiền này tuy lớn, nhưng cũng vẫn khá mong manh so với số nợ vay và số lãi vay phải trả hàng năm của công ty.

Bán hàng tỷ gói mì Hảo Hảo, Acecook Việt Nam kinh doanh ra sao?

Mì Hảo Hảo cùng với Số Đỏ, Đệ Nhất, miến Good... đã mang về doanh thu hơn 10.000 tỷ và lợi nhuận gần 1.700 tỷ đồng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Ly ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN